Sức mạnh ấy, hôm nay được mẹ trao truyền…

30/04/2023 - 06:09

PNO - Vùng đất Củ Chi đã trở thành huyền thoại bởi hệ thống đường hầm sâu trong lòng đất với những chiến binh xuất quỷ nhập thần, trong tay chỉ có giỏ đan nan tre và lưỡi cuốc nhỏ mà khiến quân giặc trang bị vũ khí tối tân phải chịu thua. Tôi từng tò mò về những bóng hồng lặng lẽ sau những chiến binh xuất quỷ nhập thần ở Củ Chi này.

Hầu hết các mẹ tuổi đã quá ngưỡng 90
Hầu hết các mẹ tuổi đã quá ngưỡng 90

Chút tấm lòng thơm thảo đã không tới kịp

Đó chính là những người vợ anh hùng, người mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) ở Củ Chi. Tôi luôn mong mỏi được trực tiếp gặp gỡ những bóng hồng lặng lẽ trên mảnh đất này. Và rồi dịp may ấy cũng đến, khi tôi được tham gia chương trình Về đất thép anh hùng do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm SaVipharm và Bệnh viện Thống Nhất tổ chức tại Củ Chi ngày 15/4/2023.

Buổi sáng sớm ấy, tại UBND xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TPHCM) nhộn nhịp bóng áo xanh thanh niên xung phong, bóng áo trắng bác sĩ, bóng áo xanh nhạt dược sĩ nhanh nhẹn lại qua, sắp xếp mọi phương tiện cho hoàn chỉnh để đón 300 khách quan trọng. Đó là 100 bà con yếu bệnh và 200 em nhỏ. 

Tôi để ý quan sát các bà mẹ tuổi đã cao, hầu hết trên dưới 90 tuổi. Các mẹ đều đã trải qua thời thanh xuân trong chiến tranh ác liệt, chịu đựng bao gian khổ, cùng chồng con chiến đấu; nhiều mẹ còn bị địch bắt, tra tấn tàn độc.

Gương mặt các mẹ đến nay còn nguyên vết dấu của những tháng năm đó trong nước da nâu khắc khổ, trong nếp nhăn hằn sâu dấu vết đau thương, trong ánh mắt đau đáu khắc khoải mong chờ dù biết những đứa con trai - núm ruột bị chia cắt - sẽ không bao giờ trở lại. Có lẽ gương mặt mẹ, nước da mẹ còn lưu nguyên những giá trị riêng của người mẹ Củ Chi mà biết bao trang sách chưa thể lột tả đầy đủ. Số phận dân tộc ẩn trong ánh mắt mẹ nhìn về phía xa, gửi yêu thương đi mà không mong được đáp lại…

Chiến tranh qua đi đã gần nửa thế kỷ, cuộc sống của các mẹ vẫn chưa hết khó khăn. Khó khăn riêng của các mẹ không phải là ở điều kiện vật chất. Bởi, nếu so sánh với thời bom rơi đạn nổ gầm rú suốt ngày đêm, được sống trong hòa bình như hôm nay, dù rau cháo cũng đầy đủ hơn rồi. Khó khăn mà các mẹ vẫn ngày ngày chịu đựng là tật bệnh, là tuổi già, là nỗi nhớ thương khôn nguôi những đứa con vĩnh viễn nằm lại chiến trường khi tuổi còn xanh, là những trắc trở đời sống thường nhật…

Thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thông
Thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thông

Hiện tại, trong tổng số 2.135 mẹ VNAH trên địa bàn huyện Củ Chi, chỉ hơn 30 mẹ còn sống. Con số này khiến chúng tôi chùng lòng, càng thấy rằng việc tri ân các mẹ VNAH cũng như các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng cần được làm ngay, không thể trì hoãn. Thời gian đâu chờ các mẹ. 

Và, khi chúng tôi còn đang bàn bạc lên kế hoạch thực hiện chương trình Về đất thép anh hùng, dự tính sẽ thăm 32 mẹ VNAH tại đây thì đến tuần thứ ba của tháng Ba, chúng tôi nhận được tin 1 mẹ đã qua đời. Giờ thì dù chúng tôi có cố gắng đến đâu, chạy đua với thời gian đến thế nào, chút tấm lòng thơm thảo chúng tôi muốn dành tặng mẹ cũng chẳng thể nào tới kịp…

Trao truyền sức mạnh 

Chúng tôi tới thăm mẹ Kiều Thị Nông, sinh năm 1936 (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng). Ngắm dáng gầy gò nhưng còn nhanh nhẹn của mẹ, tôi thầm khâm phục sức sống của con người ấy. Mẹ sống trong ngôi nhà gạch 4 gian được giữ gìn sạch sẽ. Hiên nhà và sân lát gạch đỏ au ngời lên trong nắng. Mẹ mặc áo hoa nhỏ nền nã, mái tóc cắt ngắn bạc phơ, nụ cười móm mém. Mẹ sống một mình trong ngôi nhà này, với 4 bức tường được phủ gần kín bởi các tấm bằng Tổ quốc ghi công và ảnh chồng cùng các con của mẹ đã hy sinh. 

Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông cho khách xem cuốn album ảnh các con của mẹ và đồng đội
Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông cho khách xem cuốn album ảnh các con của mẹ và đồng đội

Trong gia đình mẹ Kiều Thị Nông có tới 4 người là mẹ VNAH. Ngoài mẹ Nông, mẹ ruột, mẹ chồng và em ruột mẹ cũng là những mẹ VNAH. Chồng và 4 con trai mẹ Nông đã hy sinh, con trai út của mẹ cũng đã qua đời vì bệnh. Cháu ruột mẹ hiện làm việc tại TPHCM, thỉnh thoảng về thăm bà. Mẹ Nông lấy tập ảnh cũ chụp các con và đồng đội của mẹ cho chúng tôi xem.

Mẹ kể: “Hồi chiến tranh, mẹ đi dân công hỏa tuyến, làm nhiệm vụ đưa xác những người hy sinh về tuyến sau. Ban ngày, mẹ và đồng đội giấu xác anh em trong bụi tre, tối đến mới đưa ra chôn lén. Thương lắm!”. “Được các con đến thăm, mẹ vui nhưng rồi cũng tủi. Các con đến rồi đi, mẹ lại một mình, chỉ còn biết trò chuyện với các anh đây…” - mẹ gạt nước mắt, chỉ tay lên những tấm ảnh liệt sĩ treo trên tường. Chúng tôi ai nấy nhìn nhau nghẹn ngào.

Như để xua tan không khí đang chùng xuống, mẹ Nông vào buồng lấy ra giỏ ổi, mời chúng tôi ăn. Rồi mẹ nhẹ nhàng bảo: “Mẹ già rồi, giờ không làm gì được nhưng các con còn trẻ, phải phấn đấu. Nhà nước giao việc gì phải cố gắng hoàn thành. Bây giờ không còn bom đạn, không còn phải sợ gì nữa, cố gắng làm việc cho tốt. Đừng vì tham hoặc so sánh với người ta mà xúi chồng con làm bậy nghen”.

Còn mẹ Trương Thị Trắng, sinh năm 1934 (ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng) thì không được khỏe như mẹ Kiều Thị Nông. Chồng mẹ Trắng mất vì trúng bom năm mẹ 30 tuổi. Con trai lớn của mẹ là Tô Văn Bờ trốn nhà đi bộ đội năm 16 tuổi. Mẹ không biết tìm con ở đơn vị nào. Sau 4 tháng anh ra đi, mẹ nhận được giấy báo con trai hy sinh.

Gắng gượng vượt qua đau thương, mẹ tham gia hoạt động hội phụ nữ trong ấp, cùng chị em trong ấp vận động bà con chở che cán bộ cơ sở, đóng góp tiền, gạo cho quân du kích… Ban ngày, mẹ làm việc ngoài đồng; ban đêm, mẹ hoạt động bí mật. 

Thế rồi một lần mẹ Trắng bị địch bắt, đem ra Trảng Bàng giam cầm, tra tấn, đánh đập, hòng ép mẹ khai ra cơ sở cách mạng. Chúng chích điện khiến mẹ ngất đi. Nhưng, khi hồi tỉnh, mẹ vẫn một mực nói không biết. Chúng tra khảo, chích điện cả chục lần, mẹ cứ thế chết đi sống lại. Cho đến khi mẹ chỉ còn như tàu lá héo, chúng cho phép người nhà đón về. Về nhà đến ngày thứ 20, mẹ vẫn không thể ăn được cơm, chỉ húp một chút cháo loãng. Hơn tháng sau, khỏe hơn một chút, mẹ liền trốn hẳn vào căn cứ hoạt động.

Giờ đây, ở tuổi 90, bởi di chứng vì những lần địch tra tấn, mẹ Trương Thị Trắng rất yếu, khi đi lại phải dùng khung đẩy. Trước khi chia tay, mẹ dặn chúng tôi: “Phụ nữ các con thời nay khỏe hơn xưa rồi, cố gắng mà phấn đấu, chịu khó học tập, làm việc là sẽ giỏi, đóng góp cho đất nước được nhiều lắm”. 

Còn mẹ Lê Thị Xứ, sinh năm 1917 (ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng) thì luôn động viên chúng tôi hãy sống sao cho trọn vẹn, hạnh phúc, phát triển thật tốt, xứng đáng với giá trị của hòa bình mà thế hệ cha anh và các mẹ đã từng chiến đấu để có được.

Những điều các mẹ chia sẻ khiến chúng tôi suy tư rất nhiều. Xưa kia, con trai các mẹ vào chiến trường, chẳng ngại hy sinh; các mẹ cũng không bao giờ trông chờ con gửi tiền bạc về cho gia đình. Chưa kể, các mẹ còn quyên góp tiền, thực phẩm, đồ dùng gửi ra chiến trường. Vì sao các mẹ có thể làm được như vậy? Chỉ có thể là bởi tình thương bao la và sự tận hiến của người vợ, người mẹ cho chồng, cho con, cho đất nước. Các mẹ đã đồng nhất đất nước với chồng, với con, với chính bản thân. Tình thương ấy của các mẹ đã hun đúc thành sức mạnh, khiến Củ Chi thành đất thép thành đồng, không kẻ thù nào chiếm đoạt nổi. 
Và sức mạnh ấy hôm nay được các mẹ trao truyền cho chúng tôi… 

 Ghi chép của Kiều Bích Hậu

Ảnh: Đức Tín, Phùng Hiệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI