Sức lan tỏa của phán quyết hôn nhân đồng giới ở Mỹ

28/06/2015 - 19:04

PNO - PN – Phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án tối cao Hoa Kỳ về việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới không có hiệu lực pháp lý bên ngoài nước Mỹ, nhưng các nhà hoạt động quyền đồng tính nhiều nơi trên thế giới tin rằng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Suc lan toa cua phan quyet hon nhan dong gioi o My

Suc lan toa cua phan quyet hon nhan dong gioi o My

Ăn mừng phám quyết của tòa án Mỹ tại Washington D.C. và Dublin (Ireland) - Ảnh: AP, Getty Images

Tại Philippines, Ấn Độ, Australia và các nơi khác, những người ủng hộ quyền đồng tính nghĩ rằng phán quyết của Mỹ có thể giúp thay đổi thái độ của các nhà hoạt động nhân quyền, cũng như các thẩm phán, các nhà giáo dục và các nhà lập pháp, về một trong các quyền cơ bản của con người - quyền được kết hôn.

Trong thế giới nối mạng hiện nay, các phong trào chính trị vượt qua biên giới quốc gia trong chớp mắt, và xu hướng chấp nhận pháp lý hôn nhân đồng giới dường như được tăng tốc độ tại một số nơi, mặc dù vẫn bị từ chối thẳng thừng tại những nơi khác trên thế giới. Tính lan tỏa của sự kiện tại Mỹ được dự kiến sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực ở nhiều nơi khác.

Tại Philippines, các nhà hoạt động tìm cách giành được sự công nhận pháp lý đối với hôn nhân đồng tính, họ tin rằng phán quyết của Mỹ sẽ là hữu ích, đặc biệt do hệ thống lập pháp của nước này chủ yếu xây dựng theo mô hình của Mỹ. Giáo sư Đại học Philippine Sylvia Estrada Claudio, một người ủng hộ quyền về giới cho biết: "Phán quyết này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến phong trào của chúng tôi ở đây”.

Bộ luật dân sự của Philippines định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, nhưng tính hợp hiến của điều khoản này đang bị luật sư Jesus Nicardo Falcis III thách thức.

Suc lan toa cua phan quyet hon nhan dong gioi o My

Tin tốt lành cho người đồng tính ở Philippines - Ảnh: Reuters

Các quốc gia đi những con đường khác nhau đến cùng một đoạn kết: Con đường của Mỹ dựa trên phán quyết của Tòa án tối cao để xác lập quyền kết hôn theo Hiến pháp của các cặp đồng tính, trong khi Ireland tháng trước đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý đế giành sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, bất chấp cội nguồn Công giáo sâu sắc ở nước này.

Ảnh hưởng là một con đường hai chiều. Năm năm trước, Argentina trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ Latin hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Các nhà hoạt động ở đó nói họ tin rằng việc làm của họ đã giúp tác động đến Mỹ, và phán quyết hôm thứ Sáu của Mỹ đến lượt nó sẽ lại định hình thái độ và hành động ở các nước Mỹ Latin khác.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, hiện nay có 21 nước trên thế giới cho phép hôn nhân đồng giới, riêng Mexico mới chỉ cho phép một số bang.

Tại Australia, nơi Quốc hội có thể bỏ phiếu về luật hôn nhân đồng giới vào cuối năm nay bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Tony Abbott, các nhà lập pháp ủng hộ biện pháp này nói phán quyết của Mỹ đã bỏ lại một mình Australia trong số các nước phát triển, nói tiếng Anh, từ chối hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ cho biện pháp bỏ phiếu đã tăng lên ở Australia kể từ khi Ireland ủng hộ hôn nhân đồng giới.

Suc lan toa cua phan quyet hon nhan dong gioi o My

Suc lan toa cua phan quyet hon nhan dong gioi o My

Đón nhận tin mừng ở Nam Dakota (Mỹ) và Berlin (Đức) - Ảnh: AP, Getty Images

Ấn Độ đón nhận tin phán quyết của tòa án Mỹ có chút khác biệt. các nhà hoạt động ở đất nước Nam Á này tin rằng phán quyết của Mỹ có thể làm cho các thẩm phán và các nhà lập pháp Ấn Độ cảm thấy bị cô lập và khó chịu bởi quyết định phục hồi một luật thời thuộc địa coi quan hệ đồng tính là một tội ác vào năm 2013 của Tòa án tối cao Ấn Độ.

Luật này gọi quan hệ đồng tính là một "hành vi phạm tội phi tự nhiên" có thể bị phạt 10 năm tù giam. Trước đây, cảnh sát Ấn từng sử dụng luật này để sách nhiễu người dân và đòi hối lộ từ những người đồng tính. Ashok Row Kavi, người đứng đầu nhóm vận động Humsafar Trust, cho biết phán quyết của Mỹ có thể buộc tòa án tối cao của Ấn Độ phải có một cái nhìn mới về vấn đề này.

Tại các cuộc diễu hành biểu dương lực lượng của người đồng tính ở Dublin, Paris và các thành phố khác hôm 27/6, phán quyết của Mỹ đã được nhiều người ca ngợi như là một bước ngoặt.

Trong thế giới bảo thủ sâu sắc của các nước Ả Rập và châu Phi, nơi quan hệ đồng tính bị coi là một tội phạm ở nhiều quốc gia, một số giáo sĩ đã lên tiếng cảnh báo rằng phán quyết của Mỹ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh. Tuy vậy, phán quyết của Mỹ vẫn thắp lên ở Jordan, Cameroon ngọn lửa hy vọng một ngày nào đó, hôn nhân đồng giới sẽ được coi là hợp pháp ở các nước châu Phi vốn hà khắc này.

THANH HẢI
(Theo AP, AFP)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI