Chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia: tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Văn Dũng - Phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP.HCM và tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyên Quý, làm việc tại Khoa Ung thư Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản.
* Phóng viên: Theo các chuyên gia, người bệnh ung thư có nên sử dụng vắc xin để điều trị ung thư?
- Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Ngay tại Nhật Bản, người bệnh ung thư được các bác sĩ khuyên điều trị theo các phương pháp đã được khoa học chứng minh tốt nhất và hiệu quả nhất, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, thuốc đích, liệu pháp miễn dịch… tùy theo tình trạng bệnh và được bảo hiểm chi trả.
Đây là yếu tố rất quan trọng vì đó chính là phương pháp tốt cho người bệnh về mặt bằng chứng khoa học lẫn chi phí điều trị (mà người bệnh chi trả) thấp nhất. Việc vắc xin Hasumi này không nằm trong danh sách bảo hiểm ở Nhật đủ cho thấy nó chưa phải là phương pháp tốt cũng như tiêu chuẩn hiện nay và Việt Nam cần thận trọng với các số liệu từ phía kinh doanh cung cấp.
- Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Văn Dũng: Hiện nay chỉ có duy nhất vắc xin sipuleucel-T (dùng cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến xa kháng với cắt tinh hoàn) điều trị được chứng minh là có hiệu quả.
* Phải chăng vắc xin Hasumi còn ở giai đoạn thử nghiệm?
- Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh: Thế giới đang mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới để điều trị ung thư. Riêng ở Nhật đang đẩy mạnh theo hướng vắc xin điều trị ung thư. Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu phải trải qua nhiều giai đoạn.
Nếu một phương pháp mới điều trị ung thư được công bố thành công (cụ thể là vắc xin tự thân) thì trước hết nhà nghiên cứu phải thử nghiệm loại vắc xin này trên bệnh nhân ung thư điều trị không thành công với phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Nếu sau khi điều trị bằng vắc xin mà người bệnh hoàn toàn thay đổi cục diện sức khỏe như: thời gian sống kéo dài thêm hai tháng, 6-8 tháng - và mở rộng đối tượng nghiên cứu trên cả bệnh nhân ung thư đang chữa trị các phương pháp truyền thống. Lúc đó mới thừa nhận loại vắc xin đó có khả năng góp phần trong điều trị ung thư.
- Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Việc hiểu đúng khái niệm “số liệu lâm sàng” và “nghiên cứu lâm sàng” rất quan trọng trong nghiên cứu. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần có sử dụng trên người và ghi lại số liệu sẽ đủ để gọi là bằng chứng lâm sàng, nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Vì sự may mắn luôn có thể xảy ra, có thể lúc nghiên cứu bệnh chưa tái phát, không xấu đi nên việc nghiên cứu cần phải thiết kế kỹ lưỡng để đánh giá hiệu quả của điều trị là thật hay do “ăn may”.
Để thử nghiệm kỹ lưỡng, tác giả nghiên cứu phải thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, thường được sử dụng trong việc thẩm định mức độ hiệu nghiệm của một phương pháp điều trị, trên một nhóm bệnh nhân cụ thể.
Khi đó sẽ phải có nhóm chứng (điều trị theo cách thông thường) để so sánh với nhóm điều trị và cần có cơ quan đánh giá chuyên nghiệp, độc lập chứ không phải vừa sản xuất vừa điều trị và báo cáo là kết quả tốt.
* Nói như vậy thì số liệu nghiên cứu mà bác sĩ người Nhật đưa ra còn… lấn cấn?
- Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyên Quý: Việc điều trị ung thư giai đoạn sớm, ở nhiều mặt bệnh thì bản thân việc cắt bỏ qua phẫu thuật đã giúp bệnh nhân chữa lành bệnh, không tái phát sau mổ với cơ may khá cao (70-90%). Vì thế, nói “dùng vắc xin ngay từ đầu thì có khoảng 70% bệnh nhân được chữa khỏi” là chưa chính xác.
Phương pháp này chưa có số liệu như yêu cầu nên chưa được bảo hiểm y tế tại Nhật Bản chi trả và cũng chưa được các cơ sở y tế hàng đầu của Nhật sử dụng trên bệnh nhân ung thư. Hệ thống bảo hiểm ở Nhật được cho là rộng rãi mà còn chưa cấp phép sử dụng, thì không lý gì người Việt chúng ta lại đầu tư chạy theo phương pháp này.
- Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh: Từ trước đến nay, có nhiều loại ung thư giai đoạn sớm chỉ cần cắt bỏ khối u thì người bệnh vẫn sống khỏe mà không cần hóa trị, xạ trị. Đơn cử như: ung thư da hay ung thư vú, ung thư tuyến giáp tỷ lệ sống vẫn trên 90%, thậm chí hoàn toàn có cuộc sống như người bình thường.
* Việc hỗ trợ chích vắc xin điều trị cho người bệnh mang từ nước ngoài về có đúng luật?
- Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh: Không ít bệnh nhân ung thư xách tay thuốc điều trị ung thư đắt tiền ở nước ngoài về nhờ bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hướng dẫn sử dụng nhưng các bác sĩ vẫn từ chối. Nguyên nhân do chúng tôi không biết đó là thuốc thật hay giả và thời gian vận chuyển, cách bảo quản có giữ được chất lượng của thuốc hay không.
Riêng với vắc xin điều trị ung thư vẫn còn trong phòng thử nghiệm và thế giới cũng chưa công nhận. Bộ Y tế vẫn chưa cấp phép đưa vắc xin vào điều trị ung thư nên việc bác sĩ “chích giúp” cho bệnh nhân sẽ nguy hiểm.
Đặt trường hợp, bệnh nhân sốc phản vệ hoặc môi trường nhiễm khuẩn của bệnh viện ảnh hưởng đến vắc-xin sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh và trách nhiệm lúc này thuộc về bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện.
* Xin cảm ơn các chuyên gia.
Nhóm phóng viên y tế thực hiện