Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã tìm gặp chính nơi có liên quan cũng như trao đổi với các chuyên gia ở lĩnh vực dược, ung thư đang làm việc tại Việt Nam lẫn Nhật Bản.
Vắc xin Hasumi loại bỏ ung thư khỏi cơ thể?
Những ngày qua, bác sĩ ở nhiều bệnh viện nghe bệnh nhân ung thư xôn xao về loại vắc xin được quảng cáo là chữa ung thư.
|
Quảng cáo vắc-xin Hasumi loại bỏ được ung thư |
Trước đó, Bệnh viện Gia An 115 TP.HCM tổ chức hội thảo: “Cập nhật liệu pháp phòng ngừa và điều trị ung thư bằng vắc-xin hệ miễn dịch HITV - Vaccine Hasumi” với diễn giả là tiến sĩ - bác sĩ người Nhật Kenichiro Hasumi.
Bác sĩ Kenichiro Hasumi công bố loại vắc xin do ông bào chế cứu được nhiều bệnh nhân ung thư, kể cả giai đoạn cuối. Thông tin này khiến nhiều bác sĩ chuyên ngành ung thư sửng sốt.
Tại hội thảo, bác sĩ Kenichiro Hasumi nói về việc chế tạo hơn 30 loại vắc xin phòng ngừa và điều trị ung thư. Vắc xin Hasumi được tiêm dưới da, có tác dụng miễn dịch và loại bỏ ung thư khỏi cơ thể, đặc biệt khả năng kéo dài sự sống cho cả bệnh nhân ung thư giai đoạn 4.
Vắc xin Hasumi được giới thiệu là tạo ra bằng cách lấy máu hoặc nước tiểu của chính bệnh nhân để tạo ra vắc xin điều trị ung thư, sau đó chích lại cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hasumi, trong phẫu thuật hoặc xạ trị, dù loại bỏ được khối u cũng không thể loại trừ sự hiện diện của tế bào ung thư nhỏ trong cơ thể qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Chính nhờ vắc xin mà có thể ngăn chặn sự di căn và tái phát. Còn với những bệnh nhân ung thư giai đoạn 4, nếu tiêm vắc-xin điều trị sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhân.
Để tìm hiểu thêm về vắc xin Hasumi trị ung thư, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM hẹn được tư vấn với Bệnh viện Gia An 115 sáng 23/7 cho người chị ruột N.S.T. bị ung thư vú di căn xương đã thực hiện hóa trị và người chị họ N.M.T. ung thư vú giai đoạn 1 (có thụ thể Her2 dương tính, đã hóa trị và đang duy trì điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích Herceptin).
|
Chị H. xưng bác sĩ tâm lý Bệnh viện Gia An 115 tư vấn về vắc xin Hasumi điều trị ung thư |
Vừa bước đến khu khám bệnh theo lịch hẹn, phóng viên được chị N.T.D.H. giới thiệu là giám đốc phụ trách khách hàng và bắt đầu tư vấn. Khi chúng tôi thắc mắc sao không có bác sĩ tư vấn, chị H. xưng là bác sĩ tâm lý và chuyên về mảng thuốc (vắc-xin điều trị ung thư) nên sẽ tư vấn trước.
Chị H. cho biết, để qua Nhật điều trị vắc xin Hasumi, trước hết người bệnh được bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 chụp chiếu phim, hội chẩn cùng bác sĩ Hasumi. Mỗi thứ năm hàng tuần, Bệnh viện Gia An 115 sẽ họp trực tuyến với bác sĩ Hasumi để xác định trường hợp nào điều trị được bằng vắc xin ung thư.
Cầm hồ sơ bệnh án, chị H. liên tục trấn an chúng tôi rằng chỉ có ung thư gan là không điều trị được, chứ ung thư vú điều trị dễ nhất và chắc chắn bác sĩ sẽ tư vấn chích vắc xin.
Bác sĩ Kenichiro Hasumi cho biết, vắc xin này được nghiên cứu từ năm 1931 và có thể giúp điều trị trên 28 chứng bệnh như ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung…
Số lượng bệnh nhân đã sử dụng trong các năm từ 2000-2016 là 22.549 người ở 42 quốc gia (Trung Quốc: 259 người, Hàn Quốc: 242 người, Mỹ: 257 người, Đài Loan: 2.007 người; Iran, Úc, Ý, Canada, Đức, Malaysia, Nga, Đức… là 636 người).
Vì sao Bệnh viện Gia An 115 tư vấn dùng vắc xin ung thư?
Theo chị H., Bệnh viện Gia An 115 không được phép nhập vắc-xin về điều trị mà hỗ trợ người bệnh qua Nhật gặp bác sĩ Hasumi. Tuy nhiên, nếu mỗi tuần bệnh nhân qua Nhật chích vắc xin sẽ tốn kém nên sau khi bệnh nhân mang vắc-xin Hasumi về Việt Nam thì đem đến Bệnh viện Gia An 115 để hỗ trợ chích miễn phí.
Chúng tôi thắc mắc Bệnh viện Gia An 115 không có lợi ích gì trong này thì tại sao lại làm không công cho bác sĩ Hasumi? Chị H. cho biết giữa Bệnh viện Gia An 115 và phòng khám bác sĩ có ký kết hỗ trợ về chuyên môn. Riêng bệnh nhân ung thư khi chích vắc xin Hasumi thì sau mỗi sáu tháng sẽ được Bệnh viện Gia An 115 chụp PET/CT (dạng chụp CT toàn thân, giá hơn 30 triệu đồng một lần chụp) để gửi kết quả sang bác sĩ Hasumi xem tiến triển của bệnh.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - nhận định: một loại vắc-xin muốn lưu hành tại Việt Nam buộc phải có Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y kiểm tra an toàn trên động vật thí nghiệm của vắc-xin. Trước khi đưa ra thị trường phải kiểm định từng lô trước khi chích cho người bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn kiểm tra giấy phép xuất xưởng của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại hoặc cơ quan tương đương kèm theo từng lô hàng nhập (bản sao có đóng dấu xác nhận của giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu); hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm định của lô vắc xin, sinh phẩm y tế nhập khẩu; bằng chứng đảm bảo về dây truyền lạnh trong quá trình vận chuyển lô hàng nhập khẩu.
Rõ ràng, trong trường hợp này, Bệnh viện Gia An 115 chưa nhập về nhưng “hỗ trợ” chích cho bệnh nhân tại bệnh viện là trái với luật pháp Việt Nam.
|
Vừa tư vấn, chị H. vừa khuyên chúng tôi nên nói với người thân bệnh nhân N.M.T. - có gen di truyền ung thư nên đến Bệnh viện Gia An 115 tầm soát ung thư với gói 5,9 triệu đồng (giá hợp tác với bệnh viện công - Bệnh viện Nhân dân 115), chứ các bệnh viện khác đến mười mấy triệu đồng.
Với những loại vắc xin không phải của Hasumi hoặc thuốc xách tay thì Bệnh viện Gia An 115 sẽ không chích “giúp” bệnh nhân. Theo chị H., những thuốc này không được Bộ Y tế cho phép. Sau đó, chị H. hẹn cho chúng tôi gặp bác sĩ N.N.A. - nguyên Trưởng khoa Ung Bướu Bệnh viện Nhân dân 115, để được tư vấn về điều trị vắc xin Hasumi. Trả lời qua điện thoại, bác sĩ A. hẹn tôi quay lại lúc 14g15 ngày 23/7.
Vừa gặp chúng tôi, bác sĩ A. phát giác: “Hình như bác sĩ có gặp em ở đâu rồi? Nếu em bên báo chí đến lấy thông tin thì bác sĩ cũng nói rõ luôn: vắc-xin điều trị ung thư chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ cùng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… để giúp bệnh nhân ung thư tốt hơn, chứ vắc-xin không thể điều trị ung thư một mình. Việc điều trị vắc xin cho bệnh nhân ung thư chỉ kéo dài sự sống chứ không khỏi hẳn”.
Cầm hồ sơ bệnh án, bác sĩ A. cho biết, hai bệnh nhân ung thư vú tôi nhờ tư vấn vẫn điều trị được vắc xin Hasumi. Tuy nhiên, bác sĩ A. khuyên tôi nên cho người nhà tiếp tục điều trị theo chỉ định của bác sĩ đang điều trị, đặc biệt là bệnh nhân N.M.T. tiếp tục dùng thuốc Herceptin duy trì chứ không bỏ giữa chừng. Việc điều trị vắc-xin vẫn có thể dùng cho hai bệnh nhân này nhưng phối hợp với các biện pháp khác.
Khi chúng tôi thắc mắc mới nghe Bệnh viện Gia An 115 tổ chức hội thảo về vắc-xin Hasumi chữa ung thư nên nhiều bệnh nhân đang hoang mang có nên bỏ các biện pháp truyền thống như mổ, hóa trị, xạ trị không? Và có phải nghiên cứu của bác sĩ Hasumi còn trong giai đoạn thử nghiệm? Bác sĩ A. chỉ trả lời chung chung: “Mỗi hiệp hội ung thư ở các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật còn chênh nhau, chưa thống nhất về số liệu. Chưa kể, điều trị ung thư là điều trị cá thể. Tóm lại, điều trị ung thư cần phải có niềm tin”.
Vậy người bệnh đổi niềm tin đó bằng điều gì? Theo chị N.T.D.H. - người tư vấn điều trị vắc xin Hasumi - cho biết, khi điều trị, bệnh nhân ung thư được chích một mũi vắc-xin sau mỗi năm ngày và kéo dài 18 tháng (với ung thư giai đoạn sớm) và 36 tháng (ung thư giai đoạn trễ). Chưa kể chi phí xin visa, vé máy bay đi Nhật, ăn ở tại Nhật thì chi phí vắc-xin cho 18 tháng hết 600-700 triệu đồng, còn 36 tháng khoảng 1,4 tỷ đồng.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyên Quý, làm việc tại Khoa Ung thư Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản - khuyến cáo: người dân cẩn trọng trước các thông tin thổi phồng về vắc-xin chữa ung thư như: “chữa được rất nhiều loại ung thư, hoặc ngừa tái phát”, “được chính phủ Nhật công nhận” hay “được cấp phép đặc biệt để chữa cho người Việt Nam”… Đó là những thông tin không chính xác và cần hỏi thêm ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ ở các đơn vị khác để tránh tiền mất tật mang.
|
Nhóm phóng viên y tế