Đón bệnh nhân với băng ca ‘cởi trần’
Băng ca là phương tiện vận chuyển người bệnh không thể thiếu, nhất là những bệnh nhân nặng cần cấp cứu hoặc mới chuyển từ phòng mổ ra… Hiện nay, tại các bệnh viện, bệnh nhân được vận chuyển bằng băng ca "cởi trần" (không có tấm trải trên băng ca).
|
Ngủ say sưa trên băng ca không drap ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM ngày 22/9 |
|
Nhiều giường bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM không có drap |
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết, trước khi để bệnh nhân nằm lên băng ca, bệnh viện phải lau chùi, phun xịt dung dịch khử khuẩn lên băng ca, sau đó trải tiếp một lớp vải mới lên trên để bệnh nhân nằm.
Không để người bệnh nằm trực tiếp lên băng ca không có lớp vải trắng lót bên dưới. Nếu không dễ nhiễm các vi sinh vật kháng thuốc như: Clostridium difficile, Enterococci, Staphylococcus, Acinetobacter baumannii… thì bệnh nhân kéo dài thời gian nằm viện lên 7-10 ngày và nguy cơ nhập viện lại tăng gấp 5 lần.
Đặc biệt vi sinh vật như Clostridium difficile có thể tồn tại từ 4 tháng - 5 tháng trên băng ca nếu không được diệt khuẩn đúng quy trình, còn nhiều loại khác có thể sống đến vài tuần. Nếu môi trường băng ca ẩm ướt càng dễ nhiễm khuẩn hơn bề mặt nhẵn, khô.
Chưa kể, nếu người bệnh đang có vết thương hở, chảy máu ở ngoài da… vô tình chạm vào bề mặt hay tay cầm kim loại của băng ca, cũng dễ dính vi khuẩn gây nhiễm trùng vết thương, viêm phổi hậu phẫu.
|
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, môi trường bề mặt (như sàn nhà, tường, trần nhà, trang thiết bị chăm sóc người bệnh trong đó có giường bệnh) nếu bị ô nhiễm là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự lan truyền mầm bệnh, gây ra các vụ dịch trong bệnh viện.
Bởi các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện có thể tồn tại một thời gian dài trên môi trường bề mặt không được làm sạch đúng quy trình.
Thế nhưng, sáng thứ Sáu (21/9), dù là ngày cuối tuần nhưng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM chật kín người ngồi chờ khám.
Chỉ trong 30 phút, chúng tôi chứng kiến ít nhất 5 lần băng ca vận chuyển bệnh, nhưng không hề có lớp drap trải trên băng ca.
Chẳng hạn, ở trước cửa phòng đo điện tim và siêu âm màu, một nam bệnh nhân được người nhà và hộ lý đẩy đến nằm chờ tới lượt vào phòng.
Trên băng ca không hề có lớp drap trải, nên người đàn ông này phải dùng chiếc quần dài của bộ quần áo bệnh nhân lót tạm dưới lưng.
Chân trái của bệnh nhân này đang được bó bột; phần bột này tiếp xúc trực tiếp với lớp nệm cao su "trần trụi" của băng ca.
|
Bệnh nhân được chuyển trên băng ca "cởi trần" đi chụp phim ở BV Chấn thương Chỉnh hình |
Chúng tôi còn chứng kiến nhiều hình ảnh băng ca "cởi trần" khác như trước phòng chụp MRI 1, nơi có rất đông bệnh nhân và người nhà. Một nam bệnh nhân đứng tuổi nằm duỗi 2 chân trên chiếc băng ca màu nâu có lớp drap trải giường nhưng nhàu nhĩ, luộm thuộm, không che hết lớp băng ca màu nâu bên dưới. Thi thoảng, vì quá đau nên ông duỗi thẳng chân ra bên ngoài lớp ga giường để chạm hẳn vào lớp băng ca.
Trên hành lang gần sát nhà thuốc bệnh viện, bé trai khoảng 5 tuổi đang bó bột chân phải cũng nằm trên băng ca nhưng không có lớp drap trải giường. Thay vào đó, cậu bé được lót một lớp vải mềm là chiếc mền của gia đình.
|
Một bệnh nhi lót mền nằm thay cho drap băng ca |
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chúng tôi cũng diện kiến tình trạng nhiều bệnh nhân được vận chuyển trên băng ca không có lớp drap lót. Còn tại Bệnh viện An Bình, một người đàn ông nằm ngủ ngay trên những thanh kim loại của băng ca, không có cả lớp nệm.
Nước rửa tay trước mặt nhưng không ai rửa
Nguy cơ nhiễm khuẩn ở các bệnh viện còn báo động tại Bệnh viện Quận Bình Thạnh. Quần áo sạch để thay cho bệnh nhân lại để dọc lối đi gần hành lang khu xét nghiệm. Nhiều người bệnh trong lúc đứng chờ tới lượt xét nghiệm đã đứng dựa vào khay đựng đồ sạch này.
|
Xe đẩy đồ sạch của bệnh nhân được để bên cạnh đồ dơ ở BV Quận Bình Thạnh |
PGS.TS.BS Trần Văn Bình - Cố vấn Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM – khuyến cáo: Thói quen của không ít nhân viên y tế lẫn bệnh nhân là quên rửa tay khi ra – vào thăm bệnh. Trong khi ổ dịch từ chính bàn tay! Nếu nhân viên y tế không rửa tay, khi vào phòng bệnh cầm hồ sơ bệnh án, máy đo huyết áp, ống nghe hay sờ vào người bệnh, cầm nắm cánh cửa… lúc này vi khuẩn đã lan đi khắp nơi. Chưa kể, nếu điều dưỡng không rửa tay khi ăn vặt hoặc khi hắt xì hơi… có thể truyền các bệnh sởi, tay chân miệng, tiêu chảy, hô hấp… cho người bệnh. |
Hay ở khoa Ngoại 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các cô y tá còn gộp chung 2 bệnh nhân vừa mới mổ ra, với dây nhợ khắp người nằm chung trên một chiếc băng ca để đẩy về phòng.
Cả nhân viên y tế lẫn người bệnh đều “lười” rửa tay dù chai sát khuẩn nằm ngay trước mặt.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tầm 12 giờ thứ Năm (ngày 19/9), bệnh nhi đến khám bắt đầu thưa dần, một cô y tá thanh thản lấy máu xét nghiệm.
Dù cô y tá liên tục thay găng tay sau mỗi lần lấy máu, nhưng lại không rửa tay để rủ sạch vi khuẩn tiếp xúc với người bệnh trước khi mang đôi găng tay mới để lấy máu cho bệnh nhi tiếp theo. Thậm chí, cô y tá không thay găng tay cũ đã cầm sổ bệnh nhân tiếp theo để ghi chép trước khi lấy máu.
|
Cô y tá thay găng nhưng không rửa tay sát khuẩn ở BV Nhi đồng 1 |
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương, khi một bệnh nhân nữ khoảng 42 tuổi đang nằm trên băng ca được hai bác sĩ đến khai thác bệnh sử cũng không rửa tay trước và sau khi sờ vào bụng bệnh nhân. Dù chị này cho biết, chị đau bụng đi lỏng, có phân đen nhưng đi không thường xuyên. Trong khi ở giường kế bên, một bác sĩ sau khi sờ lên trán bệnh nhân rồi vội vã ấn nút rửa tay nhanh để sát khuẩn bàn tay.
Không chỉ có nhân viên y tế, ngay cả bệnh nhân cũng không tuân thủ các bảng hướng dẫn của bệnh viện. Ở khu nhận mẫu nước tiểu của Bệnh viện Quận 1 có dán tờ giấy ghi rõ, to: “Nước rửa tay nhanh mời bệnh nhân rửa tay”; thế nhưng trong hơn một tiếng đồng hồ quan sát, chúng tôi không thấy bất cứ ai rửa tay. Họ thản nhiên cầm mẫu nước tiểu của mình đặt gần mẫu nước tiểu của người khác rồi đi tìm chỗ ngồi chờ kết quả.
|
Vận chuyển bệnh nhân sau khi mổ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM |
PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM – cho biết: Hầu hết nhân viên y tế đều đã được tập huấn về 5 thời điểm cần vệ sinh tay: trước khi tiếp xúc bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật sạch hoặc vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân, sau khi tiếp xúc bệnh nhân, và sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh bệnh nhân.
Bên cạnh đó, việc vệ sinh tay phải thực hiện đúng 6 bước như theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, các báo cáo tại các bệnh viện cho thấy khoảng 50% - 70% nhân viên y tế có tuân thủ các thời điểm cần rửa tay, nhưng rửa tay đúng cách vẫn còn rất thấp.
Chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm đáng kể khả năng lây truyền các nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện. Trong cộng đồng, việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy là 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45%...
|
Bài 3: Khi bệnh viện cũng là ‘ổ dịch’
Có hơn 50.000 vụ dịch do nhiễm khuẩn bệnh viện đã được báo cáo trên y văn. Tại Việt Nam, nhiều vụ dịch tập thể trong bệnh viện đã xảy ra...
Nhóm phóng viên