Kêu gọi sinh viên hiến tinh trùng vì 'ngân hàng' kiệt quệ

15/07/2019 - 06:44

PNO - Trước tình trạng “kiệt quệ” tinh trùng khiến nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có thể mất cơ hội làm cha mẹ, một trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Hà Nội phải vận động sinh viên ngành y để giải quyết vấn đề này.

Mất cơ hội làm cha mẹ vì không có tinh trùng hiến

Lấy nhau hơn 10 năm, dù chạy chữa đủ nơi nhưng vợ chồng chị N.T.D. (tỉnh Bắc Giang) vẫn không có con. Chồng chị được các bác sĩ chẩn đoán không có tinh trùng trong tinh dịch. Muốn có con, vợ chồng chị chỉ có cách xin tinh trùng. Thế nhưng, tại thời điểm vợ chồng chị tìm đến các ngân hàng tinh trùng, hầu hết đều trong tình trạng cạn kiệt. 

Keu goi sinh vien hien tinh trung vi 'ngan hang' kiet que
Bác sĩ xét nghiệm mẫu tinh trùng để đảm bảo chất lượng trước khi đưa vào ngân hàng lưu trữ

Tại ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vợ chồng chị được yêu cầu “đổi mẫu” do lượng tinh trùng dự trữ quá ít ỏi. Tức muốn lấy mẫu tinh trùng để thụ tinh nhân tạo thì gia đình cần vận động một người khác hiến tinh trùng đạt tiêu chuẩn vào ngân hàng. 

Nhiều lần chị D. định mở lời nhờ bạn bè, người thân hiến tinh trùng nhưng chồng chị ngăn cản. Bởi anh lo ngại khi nói ra câu chuyện thầm kín này, những người xung quanh sẽ cười chê “bản lĩnh đàn ông” của mình. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), trường hợp của vợ chồng chị D. chỉ là một trong số nhiều cặp vợ chồng gặp khó khi tới xin tinh trùng tại thời điểm mà ngân hàng này chỉ có một vài mẫu lưu.

Việc “đổi mẫu” cũng là một vấn đề vô cùng nhạy cảm bởi vấn đề này đánh vào tâm lý của người đàn ông, không muốn thổ lộ chuyện của mình ra bên ngoài. “Chính vì vậy, vận động “một đổi một” là vấn đề mà ngay cả các trung tâm cũng không hề muốn nếu như không bị rơi vào tình thế ép buộc”, bác sĩ Hà nói.

Việc liên kết giữa các ngân hàng tinh trùng - giới thiệu khách hàng có nhu cầu sang đơn vị khác khi nguồn dự trữ tại trung tâm cạn kiệt, theo bác sĩ Hà hiện cũng chưa thể thực hiện vì đa phần các trung tâm hỗ trợ sinh sản đều khó khăn như nhau. Tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của đơn vị này cho biết, số lượng mẫu tại ngân hàng tinh trùng thường xuyên chỉ dừng lại ở con số ba, mang tính chất duy trì. 

Báo cáo mới đây từ nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội công bố, tại 21 trung tâm trên cả nước, hiện chỉ có 518 khách hàng hiến tinh trùng. Đa số trung tâm hỗ trợ sinh sản tuy có ngân hàng tinh trùng nhưng số lượng chỉ có 1-3 mẫu gửi ngân hàng để phục vụ “đổi mẫu”.

Trông cậy vào nguồn hiến của sinh viên ngành y

Chính sự thiếu hụt nguồn tinh trùng đã dẫn tới sự phát triển nóng của thị trường chợ đen. Nhiều gia đình, bà mẹ đơn thân vì muốn có con phải bỏ ra từ 10-20 triệu đồng để mua tinh trùng rao bán sôi động trên các “chợ online”.

Keu goi sinh vien hien tinh trung vi 'ngan hang' kiet que
 

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Nghị định 10/2015 của Chính phủ quy định, tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Tức một người chỉ được hiến tinh trùng một lần.

Đây là biện pháp chặt chẽ mà Việt Nam đưa ra nhằm hạn chế tối đa, hay nói cách khác gần như không để xảy ra xác suất hôn nhân, quan hệ cùng huyết thống. Nhưng với sự phát triển của thị trường chợ tinh trùng mất kiểm soát, trong khi nguồn hiến của ngân hàng khó khăn như hiện nay thì vấn đề này không dễ quản.

Để khắc phục tình trạng người đến xin thì nhiều mà ngân hàng chỉ có một vài mẫu, thời gian gần đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tổ chức các cuộc giao lưu, chiến dịch gặp gỡ cùng sinh viên để vận động hiến tinh trùng.

“Trước khi tổ chức, chúng tôi cũng không dám kỳ vọng nhiều nhưng kết quả đạt được trong thời gian gần đây khá bất ngờ. Nhiều sinh viên đã cởi mở hơn và sẵn sàng hiến tinh trùng. Hiện trung tâm đang có khoảng 70 mẫu tinh trùng và không cần “đổi mẫu” như trước nữa”, bác sĩ Hà thông tin.

Dù vậy, theo bác sĩ Hà, việc vận động này mới chỉ dừng lại ở những sinh viên trong Trường đại học Y Hà Nội, những người trẻ có nhận thức rõ hơn trong vấn đề sức khỏe sinh sản. Hơn nữa, đây cũng chỉ là giải pháp “tình thế” của một trung tâm, chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng ở các đơn vị trên toàn quốc.

Mỗi năm, đơn vị này có hàng trăm cặp vợ chồng có nguyện vọng xin tinh trùng. Như vậy, 70 mẫu đang có tại ngân hàng cũng chỉ đủ dùng trong thời gian 3-4 tháng. Khi nguồn tinh trùng này dần cạn kiệt, trung tâm sẽ lại phải tiếp tục tổ chức những cuộc vận động để sinh viên tham gia…

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần vận động để người dân hiểu và cởi mở hơn trong vấn đề hiến tinh trùng, xem đây là hành động cũng giống hiến máu, hiến mô. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc các trường hợp mua bán tinh trùng trên chợ đen để không xảy ra những hệ lụy đáng tiếc. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI