Hoảng loạn vì vi khuẩn 'ăn thịt người' tấn công trở lại

18/09/2019 - 20:00

PNO - Mặc dù cảnh báo căn bệnh whitmore đặc biệt nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng, hoảng loạn vì bệnh này ít gặp và khó thành dịch.

Rụng rời vì con bị chốc lở nhưng nghi mắc Whitmore

Dù đang đi công tác nhưng ngay trong đêm, anh N.V.M. (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) vội vàng đáp chuyến bay về Hà Nội vì gia đình nghi ngờ con trai mắc phải "vi khuẩn ăn thịt người” whitmore. Anh M. cho hay, khoảng một tuần nay, cả hai con của anh xuất hiện nhiều vết lở cạnh môi.

Đặc biệt là vùng đùi và bắp chân có những nốt to bằng đồng xu. Ngoài những triệu chứng này, trẻ vẫn khỏe mạnh, không có dấu hiệu sốt, quấy khóc… Khi đọc thông tin chia sẻ từ một bác sĩ trên mạng xã hội cùng nhiều bài báo nói về vi khuẩn whitmore bùng phát trở lại, vợ anh M. bỗng rụng rời chân tay vì lo sợ con mình đã mắc căn bệnh này.

Đưa con vào Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, kết quả cho thấy cả hai cháu đều bị bệnh chốc, một nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da, đặc trưng bởi mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. 

Hoang loan vi vi khuan 'an thit nguoi' tan cong tro lai
Những vết chốc lở khiến gia đình anh M. “đứng tim” vì lo sợ con mắc whitmore

Liên tục xuất hiện những ca bệnh whitmore trong thời gian qua đã khiến không ít người lo lắng. Đặc biệt, sự xuất hiện của cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người” càng khiến căn bệnh này trở thành nỗi ám ảnh. 

Quản lý của một trường mầm non tư thục tại Hà Đông cho biết, mấy ngày nay, chị liên tục nhận được ý kiến của phụ huynh học sinh, trong đó đề nghị nhà trường tăng cường sát khuẩn để tiêu diệt và làm giảm nguy cơ lây nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”.

Có phụ huynh còn đề nghị dừng hoạt động đưa trẻ ra công viên tập thể dục buổi sáng bởi lo ngại trẻ có thể ngã, nghịch đất cát bẩn khiến lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.

Trên mạng xã hội, không khó để thấy những thông tin về whitmore được chia sẻ với tốc độ “chóng mặt” cùng nỗi hoang mang, lo lắng của nhiều bậc phụ huynh. 

Nguy hiểm nhưng khó thành dịch

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng, chuyên khoa Nhi tại Mỹ, cho biết vài ngày nay, bác sĩ này liên tục nhận được nhiều tin nhắn hỏi về “con vi khuẩn ăn thịt người” gây ra bệnh whitmore. Hầu hết những câu hỏi đều tỏ ra khá hoang mang, lo lắng. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hưng, bệnh whitmore do khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei) gây ra. Cũng giống như bất cứ vi khuẩn nào, B. pseudomallei gây viêm nhiễm trong cơ thể. “Nếu ở da thì viêm loét da hay áp xe, trong phổi thì viêm phổi, trong máu thì nhiễm trùng máu, chứ không có chuyện gọi là vi khuẩn ăn thịt người”, bác sĩ Hưng khẳng định.

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho hay: “Trong y khoa từng bàn tới khuẩn ăn thịt người có tên là Aeromonas hydrophila, tiết ra độc tố gây thối rữa thịt. Tuy nhiên, bệnh whitmore mà chúng ta đang nhắc tới là do vi khuẩn B. pseudomallei gây nên. Do đó, mọi người không nên hoang mang, lo lắng quá”.

Hoang loan vi vi khuan 'an thit nguoi' tan cong tro lai
Hai bệnh nhi được phát hiện nhiễm bệnh Whitmore sau một thời gian chữa quai bị tại nhà

Liên quan tới căn bệnh này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), khuyến cáo đây là căn bệnh nguy hiểm. Bệnh cảnh thường tiến triển rất nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính.

Bệnh nhân có thể nhiễm khuẩn do uống nguồn nước nhiễm khuẩn hay tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn nhiễm khuẩn, đặc biệt qua các trầy xước nhỏ trên da. Tuy nhiên, ông Phu cũng phân tích, bệnh này khó lây truyền từ người qua người. Bên cạnh đó, bệnh ít gặp và không gây thành dịch.

Bác sĩ Hưng cũng phân tích thêm, ở các khu vực thành thị, nguy cơ nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei thấp hơn bởi vi khuẩn này thường có trong đất nông nghiệp và nước ao tù.

“Hơn nữa, không phải cứ tiếp xúc là sẽ mắc bệnh, có khoảng 10-15% người phát hiện có kháng thể với vi trùng này mà không hề có bệnh. Do đó, người dân nên cẩn trọng, tới bệnh viện thăm khám khi có vấn đề sức khỏe bất thường. Tuy nhiên, cũng không nên lo lắng thái quá vì hoàn toàn có thể phòng ngừa”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh. 

Để chủ động phòng bệnh whitmore, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.

Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI