|
Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn bị ngập khi mưa lớn |
Nghị quyết 03 gây khó khăn?
Ngày 1/10/2017, tất cả bệnh viện công của TPHCM thực hiện tự chủ về tài chính, tự cân đối thu – chi để trả lương cho nhân viên, không còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Đây cũng là thời điểm TPHCM điều chỉnh giá dịch vụ y tế có tính thêm tiền lương của nhân viên y tế vào giá viện phí.
Đến 16/3/2018, Hội đồng Nhân dân TP.HCM ra Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/4/2018. Thu nhập tăng thêm được chi trả từ một phần nguồn thu của bệnh viện được giữ lại sau khi trừ hết mọi chi tiêu thường xuyên.
Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm giai đoạn 2018 - 2020 theo lộ trình. Nếu năm 2018 hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ thì năm 2019 là 1,2 lần, năm 2020 lên 1,8 lần.
Ví dụ, một nhân viên diện biên chế nhận 5 triệu đồng/tháng lương cơ bản nếu được nhận thêm tối đa hệ số điều chỉnh thu nhập 0,6 thì người này sẽ nhận được 5 x 0,6 + 5 = 8 triệu đồng (năm 2018), 5 x 1,2 + 5 = 11 triệu đồng (năm 2019).
|
Bệnh nhân đăng ký khám tại Bệnh viện Quận 1 TP.HCM |
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm – Giám đốc Bệnh viện Quận 1 - cho rằng, trước đây khi chưa thực hiện tự chủ tài chính, các bệnh viện được phép giữ lại 35% số tiền thu mỗi năm để lập nguồn cải cách tiền lương. Nhưng số tiền này không được sử dụng mà để dự phòng cho việc tăng lương, biến động về lương…
Và từ khi thực hiện tự chủ tài chính, Nghị quyết 03 có ưu điểm là cho phép các bệnh viện sử dụng nguồn dư này để tăng thêm thu nhập cho các bộ, công nhân, viên chức.
Tuy nhiên, với những bệnh viện công không thu hút được bệnh nhân sẽ không đảm bảo thu – chi và khó tạo ra nguồn kết dư này. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào lượt bệnh nhân đến khám và buộc bệnh viện công phải cải cách, giữ bác sĩ giỏi, tăng cường đầu tư để cạnh tranh khốc liệt với bệnh viện tư.
Thu nhập tăng thêm được tính dựa trên căn cứ hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị. Chi trả thu nhập tăng thêm của năm nào thì căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng quý, hàng năm.
Bác sĩ T. - một trong những người nộp đơn xin nghỉ việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cho rằng, trước đây thu nhập đã khó khăn, phải làm thêm bên ngoài mới đủ sống, nay Nghị quyết 03 được áp dụng khiến thu nhập tăng thêm của bác sĩ trở nên eo hẹp, việc nhiều bác sĩ phải xin nghỉ việc là chuyện đương nhiên. Và sau 6 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, bác sĩ T. cũng xin nghỉ việc.
|
Một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn mang ủng do bệnh viện ngập nước mưa |
Theo bác sĩ Tâm, Nghị quyết 03 chỉ cho phép bệnh viện chi thêm thu nhập cho đối tượng là nhân viên thuộc biên chế; còn với những nhân viên làm dạng hợp đồng tạm, chưa vô biên chế… thì không được nhận thêm số tiền này.
“Tại Bệnh viện Quận 1, giữa bác sĩ có biên chế hay bác sĩ chưa vô biên chế đều cống hiến và giỏi như nhau. Do những năm gần đây có chủ trương tinh giản biên chế nên chưa thể xét kịp cho nhân viên bệnh viện. Vì vậy, tùy cách làm của mỗi bệnh viện mà đảm bảo sự công bằng trong thu nhập và giữ chân nhân viên.
Tỷ lệ nhân viên diện biên chế và không biên chế của Bệnh viện Quận 1 hiện nay là 50 – 50. Với những nhân viên thuộc diện biên chế, bệnh viện sẽ thực hiện theo Nghị quyết 03, còn nhân viên chưa thuộc biên chế sẽ tăng thêm thu nhập từ Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp có thu.
Nhưng để tránh những hiểu lầm và thấu hiểu từ nhân viên khi nhận thu nhập, bệnh viện phải làm công tác tư tưởng để tất cả mọi người gắn kết với bệnh viện. ” - bác sĩ Nguyễn Thành Tâm chia sẻ.
|
Bệnh viện Quận 1 cho biết vẫn "giữ chân" được nhiều bác sĩ giỏi nhờ cách tạo công bằng trong việc tăng thu nhập cho nhân viên |
Nhờ tự chủ, nhiều bệnh viện “giàu” lên
Năm 2016, nhiều bệnh viện tại TPHCM đã tự chủ hoàn toàn, bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện quận Bình Thạnh. Các bệnh viện này tăng thu nhập đáng kể cho nhân viên bệnh viện.
Điển hình, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, trong năm 2017, số lượt bệnh nhân đến khám không ngừng tăng; tổng thu hơn 227,6 tỷ đồng, tăng 131% so với 2016. Hiện thu nhập bình quân đầu người từ 16 - 28 triệu đồng/tháng, tùy ngạch bậc, chức vụ.
Nhiều bác sĩ cho rằng, việc thực hiện tự chủ tài chính rất dễ thực hiện với các bệnh viện chuyên khoa và rất khó thực hiện với bệnh viện tuyến quận/huyện nhưng nếu biết cách “lèo lái”, bệnh viện quận/huyện cũng làm được.
Đơn cử như Bệnh viện Quận 2, nếu trước năm 2016 khi mới tự chủ một phần chỉ có 1.800 bệnh nhân đến khám/ngày và có 350 nhân viên. Nhưng hiện nay, bệnh viện có đến 2.600 – 2.800 lượt khám mỗi ngày với 800 nhân viên và thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Thành công này nhờ bệnh viện thay đổi cách giao tiếp bệnh nhân, tăng cường nhiều máy móc hiện đại điều trị bệnh, mở rộng khoa phòng, trồng cây xanh, mời các chuyên gia hàng đầu về chăm sóc cho người bệnh...
|
Người bệnh đang chờ tới lượt khám tại Bệnh viện Quận 2 TP.HCM |
Hay như Bệnh viện Quận 1, trước năm 2016 chỉ tự chủ một phần. Lúc đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho bệnh viện đến 5,8 tỷ đồng mỗi năm trong số 65 giường bệnh (dù thực kê 107 giường). Và hiện nay, sau khi bệnh viện tự chủ hoàn toàn không còn nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngược lại còn đảm bảo thu nhập cho hơn 230 nhân viên bệnh viện.
Bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Quận 2 – cho rằng: Mô hình tự chủ tài chính giúp các bệnh viện ý thức được việc cải tiến chất lượng dịch vụ để phục vụ người bệnh. Các bệnh viện sẽ có điều kiện tuyển chọn được nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, thu nhập của cán bộ viên chức được tăng thêm…
Hiện nay cơ cấu giá viện phí mới chỉ thực hiện được 4/7 khâu nên bệnh viện công chưa thu đúng thu đủ và chấp nhận gánh những khó khăn này với người bệnh. Việc chưa thu đủ cũng là cơ hội để bệnh viện công cạnh tranh với bệnh viện tư. Tuy nhiên, các bệnh viện công mong nhà nước hỗ trợ trong việc vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thu hút bệnh nhân.
"Các bệnh viện công muốn vốn kích cầu được kéo giãn đến 10 năm, chứ không ngắn hạn 7 năm như hiện nay, bệnh viện sẽ khó trả lãi. Hoặc bệnh viện muốn mua một loại máy móc 10 tỷ đồng buộc phải có sẵn vốn đối ứng 20% (2 tỷ đồng) mới được mua cũng gây khó khăn không nhỏ. Nếu thành phố có những chính sách hỗ trợ thuận lợi thì đảm bảo các bệnh viện quận/huyện tự chủ tài chính sẽ sớm thoát nghèo. Lúc đó, người bệnh đến khám nhiều hơn, bác sĩ cũng ít rời bệnh viện công" - bác sĩ Khanh nhận định.
Văn Thanh