Dùng thuốc miễn dịch trị ung thư, kéo dài sự sống thêm được bao lâu?

05/10/2018 - 05:00

PNO - Thuốc miễn dịch được sản xuất từ công trình đoạt giải Nobel 2018 được coi là phương pháp trị ung thư mới nhất và đang được nhiều bệnh nhân gửi gắm hy vọng sẽ trở lại cuộc sống bình thường.

Việc phát hiện ra cơ chế chữa ung thư bằng liệu pháp miễn dịch của hai nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản vừa nhận giải Nobel Y Sinh 2018 dẫn đến sự ra đời của nhiều loại thuốc miễn dịch (thuốc ức chế điểm kiểm soát) như nivolumab (Opdivo), pembrolizumab (Keytruda), atezolizumab (Tecentriq)...

Chỉ dành cho bệnh nhân giai đoạn cuối?

Tại Việt Nam, tới thời điểm hiện nay chỉ có thuốc Keytruda được phép sử dụng. Thuốc Keytruda được chỉ định cho ung thư phổi và ung thư hắc tố nhưng đang mở rộng ra ung thư dạ dày, ung thư bàng quang.

Tại TP.HCM, loại thuốc miễn dịch trị ung thư này vừa được sử dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu trong năm 2018. Đây là hai bệnh viện tiếp nhận số ca bệnh ung thư nhiều nhất miền Nam. Thế nhưng, số bệnh nhân ung thư sử dụng thuốc miễn dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Chợ Rẫy) thống kê khoảng 10 bệnh nhân được sử dụng loại thuốc này. Còn tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chỉ có 3 trường hợp.

Dung thuoc mien dich tri ung thu, keo dai su song them duoc bao lau?
Thuốc ức chế điểm kiểm soát Keytruda trị ung thư

Vì số lượng người bệnh sử dụng quá ít nên các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chưa thể nói gì về hiệu quả điều trị của Keytruda.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - phân tích: “Thật khó để khẳng định dùng thuốc miễn dịch, bệnh nhân ung thư sẽ sống thêm được bao lâu. Bởi lẽ, tại Việt Nam, loại thuốc này được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối – khi mà các biện pháp điều trị khác gần như thất bại”.

Cùng trăn trở này, tiến sĩ bác sĩ Lê Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu (thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy) - nhận định: “Ngoài thuốc Keytruda, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng được phép thử nghiệm dùng thuốc Opdivo cho bệnh nhân ung thư và kéo dài sự sống được 3 năm. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân còn quá ít và thời gian sử dụng ngắn nên chưa có thống kê khoa học nào về hiệu quả điều trị.

Sắp tới các loại thuốc miễn dịch trị ung thư mở rộng cho cả bệnh nhân ở giai đoạn di căn. Thế nhưng, các loại thuốc này vẫn hứa hẹn đem lại kết quả tốt trong tương lai và ít nhất là có thêm vũ khí để chiến đấu lại ung thư”

Dung thuoc mien dich tri ung thu, keo dai su song them duoc bao lau?
Bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Ung bướu, BV Chợ Rẫy

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wale, Australia - nhận định: “Một số bệnh viện ở Việt Nam đã triển khai miễn dịch trị liệu cho bệnh nhân ung thư, nhưng số liệu cụ thể về chi phí và hiệu quả điều trị vẫn chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế.

Ở nước ngoài, nhiều nghiên cứu về hiệu quả của miễn dịch trị liệu có kết quả khả quan, nhưng số liệu báo cáo còn khiêm tốn. Người Việt Nam đừng quá kỳ vọng vào những thuốc mới điều trị ung thư. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta có quyền hy vọng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư sẽ kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.”

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng đưa ra một kết quả khảo sát vào năm 2017 tại Úc. Theo đó, số bệnh nhân ung thư được điều trị hiệu quả từ liệu pháp miễn dịch chỉ dao động trong khoảng 20% - 30%. Đối với vài bệnh ung thư như thận, bao tử, ruột, gan, tuỵ…thì tỉ lệ thành công còn thấp hơn nữa.

Chi phí tiền tỷ nhưng không có khả năng được bảo hiểm thanh toán

Hiện Việt Nam gần như đi cùng với các nước trên thế giới về sử dụng thuốc ức chế điểm kiểm soát. Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, khoảng đầu năm 2019, sẽ có thêm 1 loại thuốc miễn dịch nữa có thể sẽ được lưu hành tại Việt Nam là loại atezolizumab (Tecentriq).

Các bác sĩ cho biết, ngoài lý do các loại thuốc miễn dịch trị ung thư còn quá mới, chỉ vừa được phép lưu hành nên lượng người sử dụng ít, giá thành quá đắt đỏ của loại thuốc này cũng là nguyên nhân khiến rất ít người chọn lựa.

Giá một lọ thuốc Keytruda 100mg/4ml tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là 61.640.000 đồng/lọ. Giá thuốc này cũng tương tự tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Dung thuoc mien dich tri ung thu, keo dai su song them duoc bao lau?
Một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Chợ Rẫy), người bệnh được điều trị theo phác đồ trung bình dùng 2 lọ trong 3 tuần. Như vậy, để điều trị trong 1 năm, riêng tiền thuốc đã 2,1 tỷ đồng, chưa kể các chi phí điều trị khác.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Riêng về chi phí của miễn dịch trị liệu thì ít ai muốn nói đến, vì nó quá mắc tiền. Theo thông tin trên Tập san Nature, các thuốc trong nhóm miễn dịch trị liệu thường tốn hơn 100.000 USD (2,3 tỷ đồng). Nếu tính thêm các dịch vụ y tế hỗ trợ để thực hiện các liệu pháp này thì tổng chi phí lên đến 850.000 USD (20 tỷ đồng) cho mỗi bệnh nhân. Số bệnh nhân ở Việt Nam có khả năng chi số tiền này chắc chắn không nhiều”.

Chi phí điều trị cao nhưng tại Việt Nam, loại thuốc miễn dịch Keytruda chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Một bác sĩ điều trị ung bướu nhận định: “Với cơ chế bảo hiểm y tế như hiện nay, thuốc miễn dịch trị ung thư rất khó được chi trả vì giá thuốc quá cao và chưa có báo cáo về hiệu quả của thuốc trên số đông bệnh nhân sử dụng. Vì vậy, người bệnh muốn được bảo hiểm chi trả còn phải chờ rất lâu.

Ngay cả với các loại thuốc nhắm trúng đích điều trị ung thư đến nay vẫn còn chưa được thanh toán bảo hiểm. Khả năng để bảo hiểm y tế thanh toán các loại thuốc đắt tiền chỉ xảy ra khi có nhiều mức đóng tiền bảo hiểm y tế. Khi đó, người tham gia mức tiền cao có thể sẽ được thanh toán các loại thuốc đắt tiền”.

Dung thuoc mien dich tri ung thu, keo dai su song them duoc bao lau?
Chăm sóc cho người thân bị ung thư tại Việt Nam

Nhưng với giải Nobel Y Sinh 2018 vừa qua trao cho công trình nghiên cứu về liệu  pháp miễn dịch điều trị ung thư, dù cho thuốc đắt đỏ, khó tiếp cận nhưng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam một lần nữa lại được thắp lên niềm hy vọng. Bởi tế bào ung thư sợ nhất ý chí của con người.

Bệnh ung thư nào mới dùng đến thuốc miễn dịch?

Hiện Bộ Y tế đã cấp visa lưu hành cho thuốc Pembrolizumab (Keytruda) tại Việt Nam. Thuốc này được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân người lớn bị ung thư hắc tố - melanoma tiến triển (không thể cắt bỏ hoặc di căn); điều trị bước đầu ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn ở người lớn có khối u biểu hiện PD-L1 với điểm số tỷ lệ khối u ≥ 50% và không có đột biến khối u EGFR hoặc ALK dương tính; điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến triển tại chỗ hoặc di căn ở người lớn có khối u biểu hiện PD-L1 với điểm số tỷ lệ khối u ≥ 1% và những người đã nhận được ít nhất một phác đồ hóa trị liệu trước đó.

Trung Tâm Ung Bướu - Bệnh Viện Chợ Rẫy đã áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi, ung thư hắc tố. Ngoài ra Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia nhiều nghiên cứu đa quốc gia - đa trung trên thế giới trong việc sử dụng các liệu pháp miễn dịch điều trị các bệnh ung thư đầu cổ, ung thư phổi, ung thư bàng quang…

(TS.BS  Lê Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy)

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI