Cao điểm sốt xuất huyết, bệnh viện nháo nhào mượn thuốc điều trị

18/09/2019 - 07:00

PNO - Sốt xuất huyết vào mùa cao điểm, số ca mắc lẫn ca nặng có sốc đều tăng cao. Nhưng, nhiều bệnh viện phải mượn dịch truyền cao phân tử điều trị, còn công ty trúng thầu hết hàng cung ứng, thậm chí không 'thèm' dự gói thầu mới.

Cao diem sot xuat huyet, benh vien nhao nhao muon thuoc dieu tri
Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm

Những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước tăng từ 5.000-10.000 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 130.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 16 trường hợp tử vong. Sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm, số ca mắc lẫn ca nặng có sốc đều tăng cao.

Thế nhưng, nhiều bệnh viện phải mượn dịch cao phân tử điều trị, còn công ty trúng thầu hết hàng cung ứng, thậm chí không “thèm” tham gia dự gói thầu mới.

Các bệnh viện mượn thuốc lẫn nhau

Sáng 16/9, Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM có 121 trẻ đang điều trị sốt xuất huyết (SXH), trong đó có bốn ca nặng. Bên cạnh những trẻ truyền dịch thông thường như NaCl 0,9%, Ringer Lactate thì những ca không cải thiện với dịch truyền này phải dùng đến dịch truyền cao phân tử

Cao diem sot xuat huyet, benh vien nhao nhao muon thuoc dieu tri
Trong 1 giờ đầu nhập viện, bệnh nhân sẽ được thay thế lượng huyết tương mất đi bằng cách truyền loại dịch thông thường như nước muối sinh lý

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết, hiện Việt Nam chỉ có một loại dịch truyền cao phân tử HES (Hydroxyethyl starch) để điều trị cho bệnh nhân.

Đây là dung dịch chủ lực trong trường hợp chống sốc, nhất là sốc kéo dài của bệnh sốt xuất huyết. Nếu chi phí cho loại dịch truyền thông thường từ 7.000-15.000 đồng thì giá một chai HES (dạng 500ml) là 138.000 đồng. Một bệnh nhân cần truyền từ 10-20ml/kg cân nặng cơ thể trong 1 giờ.

“Những ngày qua, BV Nhi đồng 1 nhận được nhiều cuộc gọi từ các BV khác mượn dịch truyền HES 200 (tên thương mại Refortan 6%, dạng tinh bột este hóa 6% trọng lượng phân tử 200.000 Da) về điều trị cho những ca sốt xuất huyết nặng. Mới đây, chúng tôi cho BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) mượn vài chục chai HES 200”, bác sĩ Lê Bích Liên nói.  

Tại TP.HCM, những ngày qua, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã không còn dịch truyền cao phân tử, phải mượn 50 chai HES 200 từ BV quận 2.

Thạc sĩ - dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng khoa Dược BV Bệnh nhiệt đới, cho biết: ở gói thầu năm 2018, BV có đấu thầu rộng rãi 2.000 chai Refortan 6% (HES 200) nhưng ngày 17/7/2019, khi gói thầu năm 2018 kết thúc thì Công ty cổ phần dược phẩm Việt Hà là đơn vị duy nhất phân phối cũng chỉ cung ứng được 1.200 chai và nợ khoảng 800 chai. Ngày 13/9/2019, công ty thông báo hết hàng và chưa biết thời điểm có lại. Do đó, với gói thầu mới diễn ra tháng 9/2019, BV cũng đang lo thiếu HES 200. 

Cao diem sot xuat huyet, benh vien nhao nhao muon thuoc dieu tri
Nhiều bệnh viện không còn dịch truyền HES 200 

BV Nhi Đồng 2 TP.HCM hiện còn 50 chai HES 200 để dành cho các ca nặng, những ca nhẹ hơn thì BV tìm nguồn thuốc khác thay thế. Hay tại BV quận 2 cũng chỉ còn khoảng 36 chai HES 200, BV quận Thủ Đức cũng còn chừng 50 chai HES 200. Các BV cho biết, HES 200 do Công ty Berlin Chemie Ag của Đức sản xuất được Công ty Việt Hà nhập khẩu và phân phối đến các BV.

Riêng gói thầu mới đang triển khai cho năm 2019 thì Công ty Việt Hà - đơn vị có nguồn hàng HES 200 duy nhất cũng không tham gia đấu thầu. Các BV cho rằng, với vài chục chai HES 200 dự trữ thì các BV sẽ hết sạch dịch cao phân tử trong một tuần, lúc đó điều trị SXH sẽ vô cùng khó khăn.

Tại sao đứt hàng đột ngột?

Các BV cho rằng, theo phác đồ mới ban hành của Bộ Y tế ngày 22/8/2019 về việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue đã thay thế loại dịch truyền cao phân tử HES 200 (trọng lượng phân tử 200.000 Da) cho loại dịch truyền cao phân tử HES 130 (trọng lượng phân tử 130.000 Da).

Nhiều năm qua, phác đồ điều trị cũ của Bộ Y tế (năm 2011) không quy định rõ loại dịch cao phân tử nào trong điều trị chống sốc sốt xuất huyết. Do đó, hầu hết BV sử dụng loại HES 130.

Cao diem sot xuat huyet, benh vien nhao nhao muon thuoc dieu tri
Dịch truyền cao phân tử HES 200 thay cho loại HES 130 theo phác đồ mới của Bộ Y tế

Trong thực tế điều trị, dịch truyền HES 130 vẫn xảy ra tình trạng thoát mạch (khi truyền thuốc, hóa chất vào khoang mạch máu bị rỉ hoặc thấm ra ngoài mạch máu) do dung dịch này còn loãng.

Do đó, Bộ Y tế quy định trong phác đồ mới: “Trong 1 giờ đầu nhập viện, bệnh nhân sẽ được thay thế lượng huyết tương mất đi bằng cách truyền loại dịch thông thường như nước muối sinh lý. Nếu tình trạng bệnh diễn tiến tốt như mạch giảm, huyết áp bình thường… sẽ tiếp tục truyền các loại dịch này.

Nhưng nếu tình trạng không cải thiện như mạch vẫn nhanh, nhẹ, huyết áp vẫn tụt, kẹt hiệu áp giữa tâm thu và tâm trương dưới 20mmHg thì buộc phải chuyển sang truyền dịch cao phân tử như: 6% Hes 200 hoặc Dextran 40, Dextran 70”. Tuy nhiên, tại Việt Nam chủ yếu sử dụng nhóm HES vì nhóm Dextran tác dụng phụ nhiều hơn và cũng ít công ty sản xuất nên việc tìm nguồn thuốc khó khăn.

Vậy với dịch truyền HES 130 các BV đã mua phải tiêu hủy hết? Một dược sĩ chia sẻ: “Trước khi Bộ Y tế ban hành phác đồ mới, BV tôi mua quá nhiều HES 130, nay BV sẽ dùng cho những trường hợp mất máu. Trong tình huống không còn HES 200, bắt buộc BV phải dùng loại HES 130 cứu người. Nhưng nếu chẳng may xảy ra rủi ro thì bác sĩ, BV phải chịu trách nhiệm, vì Bộ Y tế dựa theo luật, HES 130 không có trong phác đồ của Bộ”. 

Cao diem sot xuat huyet, benh vien nhao nhao muon thuoc dieu tri
Chai dịch truyền HES 200 (Refortan) hết hàng, chờ Bộ Y tế cấp số visa mới để nhập về Việt Nam

Đại diện Công ty Việt Hà cho rằng, nguyên nhân không có hàng là công ty hết hạn đăng ký (visa) để nhập khẩu thuốc và đã nộp hồ sơ cho Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xin nhập dịch truyền cao phân tử HES 200 để sớm cung ứng cho các BV.

Các BV cho biết, sắp tới nguy cơ các nước châu Âu sẽ không sản xuất dịch truyền cao phân tử HES nữa vì ở các nước này không có bệnh SXH như Việt Nam, Thái Lan. Dịch truyền HES được châu Âu sản xuất với mục đích dùng điều trị choáng mất máu, nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc phẫu thuật nhưng tác dụng phụ gây rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận nên có thể ngưng sản xuất. 

“Bệnh sốt xuất huyết rất cần HES. Bệnh nhi nặng 20kg thường dùng 4-6 chai cho một đợt điều trị là có thể xuất viện. Nhưng nếu HES không sản xuất nữa, buộc Bộ Y tế phải cho nhập mặt hàng dịch truyền cao phân tử Dextran của Thái Lan sản xuất. Loại này dù nhiều tác dụng phụ hơn, nhưng do Việt Nam chưa sản xuất được thì cần phải nhập khẩu để cứu người”, một bác sĩ kiến nghị. 

Dấu hiệu sốc do sốt xuất huyết 

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết BV Nhi đồng 1, cảnh báo: trung bình có khoảng 30% trẻ bị SXH Dengue phải nhập viện điều trị, trong số đó có 30% trẻ (10% trẻ SXH nặng, 20% SXH có dấu hiệu cảnh báo) cần phải truyền dịch để điều trị. 

Những dấu hiệu cho thấy trẻ có thể đang bị sốc do SXH như: lừ đừ, vật vã, kích thích, tay chân mát lạnh, mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp tụt hoặc kẹt hiệu áp giữa tâm thu và tâm trương dưới 20mmHg, kèm một số triệu chứng đau bụng, ói nhiều. Tình trạng này thường diễn ra từ ngày thứ 3-6 của bệnh SXH.

Với những trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nhẹ, được chỉ định điều trị tại nhà, cần cho trẻ uống nước đầy đủ như: nước lọc, dung dịch oresol, nước trái cây, nước dừa, nước cam và ăn thức ăn lỏng dễ tiêu.  

Cha mẹ đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện triệu chứng lừ đừ, mệt nhiều hơn, đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, ói nhiều, dịch ói có màu nâu đen, phân đen, xuất huyết âm đạo ở bé gái tuổi dậy thì…

Nhiều ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin trong những tuần gần đây, số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn cả nước tăng từ 5.000-10.000 ca bệnh/tuần. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc SXH, 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc SXH tăng hơn ba lần, tăng nhanh tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước thông báo chiều 16/9, địa phương này vừa có thêm một ca tử vong do SXH ở H.Lộc Ninh, nâng số trường hợp tử vong toàn tỉnh từ đầu năm đến nay lên ba ca. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, TP.HCM khẩn trương triển khai ba chiến dịch theo chỉ thị 07 của Bộ Y tế và các kế hoạch liên tịch giữa Sở Y tế với các sở ngành trong phòng chống SXH nhằm kéo giảm số ca mắc trong cộng đồng. Hiện số ca mắc bệnh hằng tuần được giữ ở mức ngang bằng, không tăng thêm.

Tổng số ca mắc bệnh SXH (nội và ngoại trú) trong tháng Tám là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng Bảy; trong đó có 4.477 ca nội trú và 3.356 ca ngoại trú. Số ca tích lũy trong tám tháng qua là 39.814 ca (gồm 22.894 ca nội trú và 16.920 ca ngoại trú); tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018. Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM có chín ca tử vong do SXH.

Nhóm phóng viên Y tế

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI