Bệnh viện hết thuốc điều trị ung thư, bệnh nhân mua thuốc Trung Quốc cầm cự

09/08/2018 - 06:38

PNO - Các bệnh viện tại TP.HCM rơi vào tình trạng thiếu thuốc, thậm chí hết thuốc điều trị ung thư máu (dòng M3); người bệnh phải tự tìm thuốc để mua, kể cả thuốc chỉ có tiếng Trung.

Benh vien het thuoc dieu tri ung thu, benh nhan mua thuoc Trung Quoc cam cu
Bệnh nhân ung thư đang nhận thuốc ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Sợ ung thư, “săn” cả thuốc xách tay Trung Quốc

Phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, anh H.N.V. (38 tuổi, nhà ở Cần Thơ) cho biết mình bị ung thư máu – bệnh bạch cầu dạng tủy cấp (dòng M3). Hai năm nay, anh điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nhưng khi kê toa, bác sĩ đều đặn ghi: “Tự túc Atra 10mg – 90 viên”, trong khi mỗi ngày anh V. phải uống đến 6 viên. Theo giải thích của bệnh viện, do loại thuốc này đứt hàng và cũng không trúng thầu vào bệnh viện từ nhiều năm nay.

Để có thuốc điều trị, anh V. tự lùng tìm trên thị trường các thuốc có hoạt chất tretinoin giống như  thuốc Atra 10mg. May mắn, anh mua được thuốc Vesanoid của Thụy Sĩ có đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Thế nhưng mua được khoảng 3-4 tháng, thuốc này cũng trở nên khan hiếm. Cuối cùng, anh nhờ bạn bè mua thuốc Trung Quốc sản xuất, xách tay về Việt Nam. Nghịch lý ở chỗ, giá thuốc Trung Quốc đến 53.000 đồng/viên, trong khi thuốc của Thụy Sĩ bán ở Việt Nam khoảng 48.000 đồng/viên.

Benh vien het thuoc dieu tri ung thu, benh nhan mua thuoc Trung Quoc cam cu
 

Loại thuốc duy nhất biến tế bào ung thư phát triển bình thường

PGS.TS.BS Trần Văn Bình - Cố vấn Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM - cho biết: Lần đầu tiên trong lịch sử y học, thuốc chứa hoạt chất tretinoin là loại thuốc biến tế bào ung thư trở về gần như dạng bình thường. Người bệnh đẩy lùi bệnh ngay lập tức và 90% trường hợp khỏi bệnh trong 2 năm.

Sau một thời gian khan hiếm thuốc, đến ngày 26/6/2018, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông báo Công ty F.Hoffmann-La Roche  (Thụy Sĩ) rút giấy đăng ký lưu hành thuốc Vesanoid khỏi Việt Nam với lý do không có nhu cầu kinh doanh.

Thế nhưng, ngày 30/7/2018, khi anh V. tái khám, bác sĩ tiếp tục chỉ định toa thuốc: "Tự túc Atra 10mg". Anh bức xúc: “Thuốc không trúng thầu vào bệnh viện, người bệnh có thể tìm mua bên ngoài, chứ thuốc rút khỏi Việt Nam thì biết tìm đâu? Người bệnh như tôi sợ ung thư hơn sợ thuốc Trung Quốc”.

Nếu như Bệnh viện Chợ Rẫy không còn thuốc chứa hoạt chất tretinoin từ 2 - 3 năm nay thì Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cũng đang khan hiếm thuốc này.

Bác sĩ CK2 Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM - cho biết bệnh viện còn rất ít thuốc tretinoin. Hiện số lượng thuốc chỉ đủ cho 1-2 tháng nữa. Để có được nguồn thuốc và duy trì tới thời điểm này, trước đó bệnh viện phải thu gom trên thị trường, trả ngay tiền mặt cho nhà cung cấp thuốc. Tuy nhiên, bệnh viện đang lo lắng khi công ty phân phối thuốc Vesanoid của Thụy Sĩ rút khỏi Việt Nam sẽ không biết tìm nguồn thuốc ở đâu điều trị cho bệnh nhân. 

Tại TP.HCM, chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu Huyết học tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư máu dòng M3, buộc phải dùng thuốc này.

Không có thuốc, bệnh nhân có đổi phác đồ điều trị?

Benh vien het thuoc dieu tri ung thu, benh nhan mua thuoc Trung Quoc cam cu
 

Trước tình trạng bệnh nhân ung thư máu thiếu thuốc đặc trị, tiến sĩ dược sĩ Nguyễn Quốc Bình – Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết, thuốc Atra hay Vesanoid chứa hoạt chất tretinoin. Với bệnh nhân ung thư máu (dòng M3) được điều trị theo 2 phác đồ gồm: dùng đơn thuần hoặc phối hợp với thuốc chứa chất Arsenic, thuốc chứa Anthracycline (dạng kháng sinh như thuốc Daunorubicin, Doxorubicin).

Ngoài chỉ định chính thống này, ngành y tế hiện không còn chỉ định nào khác với thuốc Atra hay Vesanoid. Vì không có thuốc tương tự thay thế vai trò của hoạt chất tretinoin nên Bệnh viện Chợ Rẫy phải sử dụng phác đồ không đầy đủ.

Cũng theo dược sĩ Bình, những năm qua, vì không mua được Atra hay Vesanoid nên bệnh viện chỉ còn cách cho bệnh nhân ra ngoài tìm mua thuốc. Thậm chí ngay cả thuốc anthracycline, có những giai đoạn bệnh viện cũng gặp khó khăn khi thiếu thuốc.

Benh vien het thuoc dieu tri ung thu, benh nhan mua thuoc Trung Quoc cam cu
Công ty đăng ký phân phối thuốc Vesanoid của Thụy Sĩ cũng rút khỏi Việt Nam.

PGS.TS.BS Trần Văn Bình - Cố vấn Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM - phân tích, ở bệnh nhân ung thư máu (dòng M3), các tế bào blast (dòng tế bào non trong máu) sẽ không bao giờ trưởng thành và cứ thế nhân rộng. Trong tế bào này sẽ phóng ra các hạt gây đông máu nội mạch, khiến bệnh nhân tử vong.

Do đó, khi bệnh nhân vừa được phát hiện ung thư máu thì buộc phải có thuốc tretinon ngay để biến tế bào non phát triển lên gần như tế bào trưởng thành và người bệnh thường khỏi bệnh sau 1 tháng điều trị. Nếu không có thuốc tretinoin, bác sĩ tuyệt đối không cho bệnh nhân dùng đơn thuần thuốc Daunorubicin, Doxorubicin (chứa chất Anthracycline) vì thúc đẩy các hạt trong tế bào non phóng thích nhiều hơn, dẫn đến thời gian đông máu sớm diễn ra và bệnh nhân tử vong sớm hơn. 

Với bệnh nhân đã điều trị ổn định, nếu không có thuốc đặc trị có thể thay thế bằng hoạt chất Arsenic, kết hợp với Anthracycline cũng giúp bệnh nhân ổn định hơn. Theo PGS Trần Văn Bình, nhiều nghiên cứu phát hiện thuốc chứa hoạt chất Arsenic có hiệu quả tương đương Atra, tuy nhiên các nghiên cứu này còn mới, do đó các cơ sở y tế thường cho thuốc này kết hợp với Atra. 

Tóm lại, với những ca bệnh vừa phát hiện ung thư máu dòng M3 hay đang điều trị đều cần thuốc đặc trị, nếu không tính mạng của người bệnh sẽ nguy hiểm. Nếu muốn thay đổi phác đồ thì ít nhất phải có thuốc mới, lúc đó việc xây dựng phác đồ mới khả thi.

Benh vien het thuoc dieu tri ung thu, benh nhan mua thuoc Trung Quoc cam cu
Nhiều bệnh nhân phải tìm mua thuốc điều trị ung thư của Trung Quốc.

Có hay không việc số lượng bệnh nhân mắc dạng ung thư máu dòng M3 quá ít nên cơ sở kinh doanh không có lời và rút khỏi Việt Nam? Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện chỉ có 8 ca mắc ung thư máu dòng M3, chiếm khoảng 5% tổng số bệnh nhân ung thư máu.

Trả lời Báo Phụ Nữ lý do rút khỏi thị trường Việt Nam, Văn phòng đại diện Hoffmann – La Roche tại TP.HCM cho biết, công ty này đã chuyển nhượng quyền sản xuất và tiếp thị sản phẩm thuốc Vesanoid cho Công ty dược phẩm Cheplapharm nên rút số đăng ký.

Theo tìm hiểu của phóng viên, loại thuốc điều trị ung thư máu này do Công ty Catalent Germany Eberbach GmbH của Đức sản xuất, Công ty F.Hoffmann-La Roche Ltd. đóng gói tại Thụy Sĩ. Sau khi công ty này rút khỏi Việt Nam, loại thuốc này cũng do công ty của Đức sản xuất nhưng được đóng gói tại Pháp. Hiện Công ty Dược phẩm Cheplapharm đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép số đăng ký cho sản phẩm này theo công bố vào ngày 4/7/2018. Tuy nhiên, khi nào thuốc này được nhập về Việt Nam và đến khi nào các bệnh viện mới mua được thuốc, Báo Phụ Nữ đã gửi công văn đến Cục Quản lý Dược nhiều tuần nay nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn sẽ sớm trả lời. 

Thuốc khan hiếm kéo dài là lỗi của Cục Quản lý Dược.

PGS.TS.BS Trần Văn Bình bật mí: thuốc Atra, Vesanoid chứa hoạt chất tretinoin được điều chế từ phân tử rất nhỏ của vitamin A là acid retinoic. Chất này được chiết xuất rất dễ dàng bởi những nhà hóa học và thường có trong các sản phẩm làm đẹp. Thế nhưng, những sản phẩm kinh doanh có lời, nhiều người sử dụng thì được sản xuất tràn lan. Còn người bệnh ung thư máu dòng M3 chỉ chiếm 10% ca bệnh ung thư máu (xét theo hình thái từ M0 – M7) nên bị thiếu thuốc?

Bệnh nhân chỉ biết trông cậy vào bệnh viện để có thuốc uống. Cục Quản lý Dược phải biết điều phối nguồn thuốc. Bộ Y tế không thể để người bệnh tự tìm mua thuốc, đặc biệt khi đó là bệnh ung thư! Bộ Y tế nên có cơ sở sản xuất thuốc này vì đây là hoạt chất điều chế không quá khó.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI