Chiều 26/6, bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc Bệnh viện FV (TP.HCM) trực tiếp trả lời câu hỏi của báo giới xoay quanh phản ánh của chị N.T.M.C. về việc bị hư thai sau khi uống thuốc điều trị tình trạng ứ dịch trong lòng tử cung tại Bệnh viện FV. Thông tin này được chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của chị C.
Băng huyết ngay trong đêm
Theo phản ánh của chị C., sáng 19/6/2018, chị đến khám tại Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM). Sau khi được khám, siêu âm và thử nước tiểu, chị được bác sĩ kết luận: không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung. Buổi trưa cùng ngày, chị trở lại Bệnh viện FV để siêu âm tử cung và 2 bác sĩ kết luận: “Kinh nguyệt nhiều và bất thường không đúng chu kỳ kinh nguyệt". Theo chị C, đơn thuốc uống để đẩy dịch ứ ra ngoài gồm 10 viên Misoprostol tab 200 mcg. Uống 2 viên/lần, 2 lần một ngày, trong 2 ngày…
17h chiều 19/6, chị C. uống 2 viên Misoprostol 200 mcg và 1 viên Tranexamic acid 500mg. 18h, chị C. đau bụng, tử cung co thắt dữ dội, phải uống thuốc giảm đau. Sau đó, đi vệ sinh ra ra một cục khoảng 5cm và ra máu âm ỉ.
|
Toa thuốc bác sĩ Bệnh viện FV kê cho chị C. |
23h ngày 19/6, khi đang ngủ thì chị bị băng huyết. Chị C. được đưa vào Bệnh viện FV cấp cứu. Theo lời chị, bác sĩ Bệnh viện FV chẩn đoán chị bị băng huyết do sảy thai và tiến hành test nước tiểu. Kết quả dương tính, nghĩa là quả thật chị C. có mang thai.
Bệnh viện FV khẳng định hư thai do đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó
Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM vào ngày 24/6, Bệnh viện FV khẳng định chị N.T.M.C. bị hư thai gây ra chảy máu… Việc hư thai do đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó.
Chiều 26/6, Bệnh viện FV tái khẳng định chi tiết này. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Tiếp thị và phát triển kinh doanh, Bệnh viện FV từ chối cung cấp hồ sơ bệnh án của bệnh nhân N.T.M.C. Bà Thu lý giải việc đưa ra chi tiết này là một hành động tự vệ chính đáng của bệnh viện trước phản ánh của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện, của hơn 1.100 nhân viên đang làm việc tại đây.
|
Tổng giám đốc Bệnh viện FV trả lời báo chí chiều 26/6 |
Theo thông tin bà Lệ Thu cung cấp, bệnh nhân N.T.M.C. đến khám với bác sĩ Lê Thanh Hùng, khoa Sản, Bệnh viện FV vào lúc 8h45 phút ngày 19/6. Bệnh sử được ghi nhận như sau: “Kinh cuối không rõ; Rong kinh dài ngày (khoảng 1 tháng), Uống thuốc ngừa thai khẩn cấp sau quan hệ tình dục 2 lần trong 1 tháng. Sau đó ra huyết, không đau bụng”.
Chị C. được xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu (que thử thai), kết quả âm tính (xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu không có độ chính xác 100%). Sau đó, bác sĩ Ngô Trung Nam, chuyên gia siêu âm thai, thực hiện siêu âm cho chị C, có sự hiện diện của bác sĩ Hùng. Kết quả siêu âm cho thấy không có túi thai (dĩ nhiên không có phôi thai) mà có túi dịch, nhiều khả năng là máu đông.
Từ kết quả chẩn đoán này, bác sĩ Bệnh viện FV quyết định tháo lưu máu trong lòng tử cung (bằng phương pháp hút hoặc bằng thuốc Misoprostol, một loại prostaglandin, để tử cung co bóp tống máu ra ngoài). Bệnh nhân muốn dùng thuốc Misoprostol vì lo ngại phương pháp hút gây đau. Bệnh nhân đã được giải thích rõ, nếu tình trạng chảy máu vừa phải thì không cần quay lại bệnh viện, nếu chảy máu nhiều phải quay lại ngay. Misoprostol có tác dụng sau vài giờ. Bệnh nhân bắt đầu chảy máu nhiều vào tối muộn và quay lại bệnh viện lúc 11giờ 30 đêm cùng ngày (19/6).
Vì sao thai chết lưu nhưng lại ghi chẩn đoán ứ dịch trong lòng tử cung?
Theo phản ánh của chị C., bác sĩ Bệnh viện FV chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân là “ứ dịch trong lòng tử cung”. Nhưng vào đêm 19/6, khi nhập viện cấp cứu vì băng huyết, kết quả chẩn đoán của Bệnh viện FV lại là dương tính với que thử thai nhanh và được điều trị bằng cách hút lòng tử cung cầm máu.
Trả lời câu hỏi vì sao phát hiện ra tình trạng thai chết lưu, bác sĩ lại chẩn đoán là ứ dịch trong lòng tử cung, bà Lệ Thu cho biết nếu bác sĩ Hùng ghi thai chết lưu thì bác sĩ là người sai.
|
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh, Bệnh viện FV trả lời báo chí chiều 26/6 |
Theo bà, kết quả siêu âm cho thấy không có túi thai, không có phôi thai và sau đó kết quả test nhanh bằng que thử thai cho ra âm tính thì bác sĩ không thể chẩn đoán có thai chết lưu được. Bà Lệ Thu khẳng định hội đồng giám định y khoa họp vào sáng 26/6 cũng khẳng định bác sĩ Bệnh viện FV không sai, từ chẩn đoán cho đến điều trị.
Tại buổi họp báo chiều 26/6, Bệnh viện FV còn đưa ra thông tin vào ngày 22/6, chị C. yêu cầu bác sĩ xóa 2 dòng thông tin trong giấy xuất viện. Đó là dòng chữ: “Đã uống thuốc ngừa thai khẩn cấp sau quan hệ tình dục, sau đó rỉ rả ra máu bất thường”. Tuy nhiên, bác sĩ Bệnh viện FV đã từ chối thực hiện yêu cầu này với lý do đây là dữ kiện y khoa.
Trả lời câu hỏi vì sao lại sử dụng que thử thai để kiểm tra tình trạng có thai của bệnh nhân, Bệnh viện FV cho biết tỷ lệ chính xác của que thử thai lên đến 95 – 97% nên đây là test nhanh để gợi ý cho bác sĩ xác định tình trạng có thai hay không.
Hiện tại, bệnh nhân C. chưa đưa ra thông tin nào mới về câu chuyện của mình.
Hoàng Hoa