Bệnh nhân tố Bệnh viện Việt Đức mổ sỏi thận, cắt phăng cả quả thận trái

27/08/2019 - 10:31

PNO - 4 năm sau mổ sỏi thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bà Lê Thị N. xuất hiện triệu chứng tiểu buốt, ra máu. Sau khi thăm khám, bà tá hỏa khi phát hiện một bên thận trái của mình đã… biến mất.

4 năm sau mổ sỏi thận, khám lại mới biết mình… mất thận

Bức xúc gửi đơn tới Báo Phụ nữ TP.HCM, bà Lê Thị N. (sinh năm 1964, ở Thanh Hóa) cho biết, cuối tháng 7/2019, bà đi tiểu buốt, tiểu ra máu, nghi bị sỏi thận nên đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám. Bệnh nhân cũng từng mổ sỏi thận cách đây 4 năm tại bệnh viện này.

Trong quá trình thăm khám tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang và chụp cắt lớp, tuy nhiên, kết quả khiến gia đình bà tá hỏa. “Hình ảnh chụp chiếu cho thấy, ngoài việc đài bể thận giãn không đều, có sỏi… thì không thấy thận trái”, bà N. vẫn chưa hết bàng hoàng.

Không hiểu vì sao bỗng dưng... mất thận trái, ngày 25/7, gia đình bệnh nhân N. đã tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thắc mắc và được bác sĩ siêu âm lại. Kết quả vẫn như cũ, không quan sát thấy thận trái của bệnh nhân.

Benh nhan to Benh vien Viet Duc mo soi than, cat phang ca qua than trai
Bệnh viện Việt Đức, nơi xảy ra vụ việc

Theo bà Nga, cách đây 4 năm, vào tháng 12/2015, bà được phẫu thuật mổ mở để lấy sỏi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Gia đình được bác sĩ bệnh viện giải thích là mổ để lấy sỏi và đã ký cam kết theo đúng quy trình, sau đó bệnh nhân về quê mà không hề hay biết mình mất đi một quả thận.

Quá sốc trước vụ việc, gia đình bà N. đã có buổi làm việc với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được biết, quả thận bị mất này đúng là đã bị bệnh viện này cắt bỏ trong lần phẫu thuật lấy sỏi 4 năm trước đây.

Phải cắt vì thận đã mất chức năng?

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM liên quan đến vấn đề này, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, hồ sơ của bệnh nhân này được bệnh viện lưu lại rất rõ ràng. Trường hợp của bà N. có chỉ định mổ và đánh giá thận đã mất chức năng.

“Có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận với mỗi chỉ định khác nhau và có thể thay đổi từng ngày từng giờ theo tiến triển của bệnh. Sỏi thận có thể không mổ nếu chức năng thận còn tốt, không đau, không chảy máu…

Tuy nhiên, khi thận mất chức năng thì phải xử lý, một trong những phương pháp điều trị là phải cắt thận vì không thể tán sỏi và điều trị được nữa. Bệnh nhân này rơi vào trường hợp phải cắt thận”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn giải thích.

Benh nhan to Benh vien Viet Duc mo soi than, cat phang ca qua than trai
Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (giữa) khẳng định, bệnh nhân N. nằm trong trường hợp phải cắt thận khi mổ lấy sỏi vì thận đã mất chức năng.

GS Trịnh Hồng Sơn cũng khẳng định, trước khi thực hiện phẫu thuật các bác sĩ đã giải thích với người bệnh và gia đình về những biến chứng trong phẫu thuật, gia đình bà N. đã ký cam kết. Trong đó, biến chứng chính là phải cắt thận hoặc nặng nhất là tử vong.

Bên cạnh đó, trong giấy ra viện của bệnh nhân cách đây 4 năm đã ghi rõ việc phải cắt bỏ thận, cũng như có giấy chứng nhận cách thức phẫu thuật.

“Thậm chí quả thận bị cắt cũng phải gửi xuống khoa Giải phẫu bệnh để đánh giá xem quả thận ấy có đáng bị cắt không. Tôi là bác sĩ có chuyên môn tiết niệu, không bao giờ khẳng định cắt thận ngay với trường hợp sỏi thận. Đây là bệnh lành tính và phải cứu trước, cứu không được mới buộc lòng phải cắt", bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - nói.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, bà N. khẳng định sự việc không đúng như vậy. “Trong ca phẫu thuật gần 4 năm trước, chúng tôi chưa bao giờ được thông báo phải cắt thận. Nếu tại thời điểm phẫu thuật, bác sĩ không thể thông báo, vậy sau đó sao không giải thích cho gia đình? Như vậy, việc bác sĩ tự ý cắt thận trong ca phẫu thuật mà không thông báo cho gia đình là vi phạm quy trình của ngành y”, bà N. bức xúc.

Liên quan tới giấy cam đoan, bệnh nhân N. cho rằng, do bác sĩ đã giải thích từ trước là phẫu thuật lấy sỏi nên người nhà không xem xét lại.

Phía bệnh viện thì giải thích, trong quá trình phẫu thuật mới phát hiện thận của bệnh nhân yếu, ứ nước nên đã cắt thận mà không thông báo cho gia đình.

Bà N. nghi ngờ sau khi phẫu thuật, bệnh viện đã chỉnh sửa hồ sơ để mọi việc trở nên hợp lý.

Do đó, bà N. cho biết đã tiếp tục gửi đơn lên Bộ Y tế và đề nghị làm rõ vụ việc bởi bà không chấp nhận những lời giải thích từ phía bệnh viện.

Hiện bà N. chưa hết bàng hoàng và lo ngại với những tổn hại sức khỏe khi một bên thận đã bị cắt bỏ mà không hay.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI