Hai lần mất con và nỗi ám ảnh chuyển phôi, kích trứng
Lấy chồng từ năm 2010, thế nhưng phải đến đầu năm 2017, chị Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1984, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) mới hiện thực được giấc mơ làm mẹ. Ít ai biết được, trong suốt bảy năm dài dằng dặc, người mẹ này đã phải trải qua biết bao thăng trầm, khổ đau. Chị nói, nếu không có một người bạn đời luôn nắm chặt tay mình trên con đường gian truân ấy, chắc hẳn chị đã chẳng thể vượt qua.
Sau khi kết hôn, do tuổi khá cao nên vợ chồng chị Hương đều mong muốn có con sớm. Đợi chờ một năm, hai năm… đến năm thứ ba chị mới mang thai lần đầu, dù bác sĩ nói chị không hề có vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản. Vậy mà hạnh phúc chẳng tày gang, chị chỉ giữ được thai nhi đến tuần thứ 18 và buộc phải sinh non.
Nỗi đau chồng nỗi đau khi tới năm 2014, chị mang thai lần thứ hai và mất con khi mới 22 tuần tuổi. “Lúc đó, mình có cảm giác trời đất sụp đổ. Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu ngóng đợi tưởng chừng như sắp thu được trái ngọt lại vụt mất trong tích tắc”, chị Hương chưa thoát khỏi những ám ảnh như mới xảy ra ngày hôm qua.
Lần sinh non thứ hai không chỉ tiếp tục tước đi giấc mơ làm mẹ mà còn khiến chị đối mặt với hàng loạt rắc rối. Lúc này, tử cung của chị bị dính lại, các bác sĩ phải tiến hành tách ra, nhưng không thành công. Năm 2015, chị quyết định lên bàn mổ lần thứ hai, dù đã được các bác sĩ cảnh báo đây là ca phẫu thuật khó và có thể để lại sẹo lớn, thậm chí có thể phải cắt tử cung nếu xảy ra băng huyết.
Lý giải về quyết định của mình, chị Thanh Hương chia sẻ: “Vào thời điểm đó, rất nhiều người đã khuyên mình nên thuê dịch vụ mang thai hộ vì tử cung quá yếu và ngắn. Nhưng với mình, đó có lẽ là phương án cuối cùng. Mình vẫn phải tiếp tục cố gắng hết sức để không phải ân hận. Có người mẹ nào lại không muốn sinh con từ chính cơ thể của mình, để đồng cảm cùng con, chia sẻ với con những điều tốt đẹp nhất”…
Ca phẫu thuật thành công, chị Thanh Hương tiếp tục bước vào hành trình tìm con, triền miên với thuốc thang, với những lần chuyển phôi và kích trứng, thế nhưng kết quả đều thất bại. Đau đớn cả về thể xác và tinh thần, chị Thanh Hương thừa nhận, mình hoảng sợ mỗi dịp sinh nhật, lễ, tết. Câu nói quen thuộc nhất mà mọi người thường chúc “năm nay có tin vui nhé” vô tình làm chị thêm nặng nề và ám ảnh…
Nước mắt làm mẹ
Tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec năm 2016, khi đã trải qua ba lần kích trứng, bảy lần chuyển phôi và hai lần sinh non, trường hợp của chị Thanh Hương khiến các bác sĩ lo ngại và trăn trở. Nhưng bản thân chị Hương dường như chưa bao giờ hết kiên trì. Chị bảo, mình đã đánh cược cả công việc của mình, ưu tiên tất cả cho con đường tìm con nên không thể dừng lại khi chưa thành công. Và may mắn, hạnh phúc đã mỉm cười. Một sinh linh bé nhỏ được hình thành, lớn dần trong bụng mẹ và dần dần đủ hình hài, biết giao tiếp với thế giới bên ngoài qua những cú hích tay, những cái đạp chân tinh nghịch...
Tuy nhiên, đến tuần thứ 27-28, chị Hương lại hoảng loạn khi phải đối mặt với nguy cơ sinh non - biến cố đã từng cướp đi hai cơ hội làm mẹ của chị. Mặc dù hạn chế đi lại hết mức có thể, nhưng do tử cung của chị Hương quá ngắn nên em bé có thể bị đẩy ra bất cứ lúc nào. Sau khi khâu tử cung, hai mẹ con chị phải nằm viện để theo dõi suốt 100 ngày, trải qua hàng trăm mũi tiêm cùng tâm trạng nơm nớp lo lắng… cho tới khi em bé chào đời.
Tới bây giờ, chị Hương vẫn không quên được cảm giác háo hức, hồi hộp trước ngày thông báo sinh mổ. “Hôm đó là ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch năm 2017, cả nhà mình vừa trải qua một cái tết trong bệnh viện, các bác sĩ thông báo sẽ tiến hành mổ vào ngày hôm sau, khi em bé được 37 tuần 3 ngày. Cả đêm hôm đó, mình không thể ngủ nổi. Hai vợ chồng nắm tay nhau, cầu nguyện trong lòng tới tận 8g sáng. Khi nghe bác sĩ thông báo thai phụ Nguyễn Thanh Hương chuẩn bị, mình khóc như mưa từ giường lên tới bàn mổ”.
Khỏi phải nói, người mẹ ấy đã vỡ òa hạnh phúc như thế nào khi đón nhận một em bé đỏ hỏn và khỏe mạnh. Niềm vui của chị không chỉ khiến những người thân mà các bệnh nhân cùng phòng, y tá, thậm chí những nhân viên dọn phòng của bệnh viện khi ấy cũng chạy ào tới để chúc mừng. Hơn ba tháng trời ở bệnh viện, câu chuyện của chị đã khiến không ít người phải rưng rưng vì thương cảm và nể phục.
Em bé Hạnh phúc
Cậu con trai kháu khỉnh của vợ chồng chị Thanh Hương đã kỷ niệm sinh nhật tròn 1 tuổi vào đầu tháng Hai vừa qua. Em bé ở nhà được gọi tên là “Py”, cách gọi tắt của chữ “happy” - hạnh phúc, đúng như những gì mà em đã mang đến cho gia đình nhỏ. Py có đôi mắt trong veo, miệng cười tươi và đặc biệt lúc nào cũng hiếu động, nghịch ngợm không ngừng. Mắt không rời khỏi cậu con trai chập chững đi, chị Hương vừa xua tay cười: “Trước đây, một ngày ở bệnh viện không biết lúc nào mới trôi qua hết. Còn bây giờ thì lúc nào cũng cảm thấy mình bận rộn, quay cuồng mà vẫn không xong việc”.
Cũng giống như bao bà mẹ có con mọn, luôn thèm một đêm ngủ ngon giấc, “toát mồ hôi” khi con ốm sốt, lười ăn… nhưng có lẽ, với chị Thanh Hương - người mẹ đã từng trải qua cả một hành trình gian nan, nhiều khi tưởng chừng như gục ngã… trong từng nỗi vất vả ấy đều ánh lên niềm vui, hạnh phúc. Câu chuyện không ngừng hy vọng của chị còn là cảm hứng cho không ít bà mẹ hiếm muộn, ngày ngày mong ngóng tin vui.
Chị Hương hào hứng khi nhắc tới một group của các mẹ thực hiện IVF trên Facebook mà chị là một thành viên tích cực. Ở đó, chị thường xuyên cùng ban quản trị tổ chức các buổi offline chia sẻ về hành trình làm mẹ, động viên nhau vượt qua những ám ảnh, tuyệt vọng… Cứ mỗi khi nghe thông tin một bà mẹ hồi hộp chờ kết quả chuyển phôi, chị lại có cảm giác xốn xang như mình đã từng trải qua một vài năm trước.
“Kể từ khi sinh Py, cánh cửa nhà mình luôn đón chào nhiều mẹ hiếm muộn, trong đó có những người chưa từng gặp mặt, những người đến từ nơi rất xa như Lai Châu hay Điện Biên… Mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi câu chuyện của mình góp thêm được chút nào động lực cho các mẹ. Bởi chữa hiếm muộn, quan trọng nhất là người trong cuộc phải đủ niềm tin và không bao giờ ngừng hy vọng”, chị Hương tâm sự.
Huyền Anh
ĐỒNG HÀNH CÙNG CHƯƠNG TRÌNH