Sức khỏe tinh thần là quan trọng hàng đầu tại Thế vận hội

29/07/2021 - 20:18

PNO - Trong nhiều thập kỷ, các vận động viên (VĐV) được yêu cầu phải cứng rắn hơn để rũ bỏ những nghi hoặc, ám ảnh “ma quỷ”, và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt là hoàn thành cuộc thi và giành chiến thắng áp đảo. Không ai quan tâm đến sức khỏe tinh thần của họ.

 

VĐV Naomi Osaka của Nhật Bản, rời sân đấu sau khi bị Marketa Vondrousova (Cộng hòa Séc) đánh bại trong vòng thứ ba hôm 27/7 tại cuộc thi quần vợt Thế vận hội Tokyo 2020 - Ảnh: AP
VĐV Naomi Osaka của Nhật Bản rời sân đấu sau khi bị Marketa Vondrousova (Cộng hòa Séc) đánh bại trong vòng thứ ba hôm 27/7 tại cuộc thi quần vợt Thế vận hội Tokyo 2020 - Ảnh: AP

Trong nhiều năm, VĐV Mỹ Simone Biles là một trong những người giỏi nhất về lĩnh vực mà cô theo đuổi. Đột nhiên, nhiều người kinh ngạc nhận thấy, cô quyết định “không đứng đầu nữa”.

Trong cuộc gặp các VĐV thể dục dụng cụ Olympic đêm thứ Ba, cô phát biểu khi chiếc huy chương vàng còn chưa chắc chắn thuộc về mình, Biles rất có thể đã đánh giá lại cuộc thảo luận về sức khỏe tâm thần diễn ra trong các môn thể thao trong năm qua.

Michael Phelps, quán quân lập kỷ lục 23 huy chương vàng, và hiện đã rút khỏi đường bơi, từ lâu đã cởi mở về cuộc đấu tranh sức khỏe tinh thần của bản thân anh. Phelps cho biết anh từng có ý định tự tử khi bị trầm cảm sau Thế vận hội 2012. Hiện tại, trên cương vị nhà phân tích bản tin về bơi lội của NBC, Phelps nói rằng khi chứng kiến ​​sự vật vã của Biles, trái tim anh “đã tan nát”.

“Sức khỏe tâm thần được mọi người nói đến nhiều trong 18 tháng qua, chúng ta là con người, không ai có thể hoàn hảo, bởi vậy không tốt cũng không sao”, Phelps nói.

Biles tham gia cuộc gặp mặt cùng một số VĐV nổi tiếng khác trong không gian Olympic, phần lớn họ là nữ, họ đã trò chuyện cởi mở về một chủ đề dường như mãi mãi là điều cấm kỵ trong thể thao.

- Tay vợt Naomi Osaka đã rút lui khỏi giải tennis Pháp Mở rộng, không bao giờ cô tham dự giải Wimbledon và sau trận ra quân sớm ở Tokyo tuần này, cô thừa nhận rằng mình đã đuối sức.

- Vận động viên chạy nước rút người Mỹ Sha’Carri Richardson không giấu diếm những vấn đề cô phải đối mặt khi chuẩn bị cho một hành trình Olympic chưa từng xảy ra. Cô nói đã dùng cần sa để che lấp nỗi đau về cái chết của mẹ mình, mà không nói gì đến áp lực của cuộc thi 100 mét.

- Tay đua xe đạp người Hà Lan Tom Dumoulin đã rời trại huấn luyện vào tháng Giêng để giải tỏa đầu óc, anh nói rằng mình cảm thấy “rất khó tìm ra con đường cho VĐV đua xe đạp Tom Dumoulin”. Anh tiếp tục tập luyện trong tháng 5, và hôm 28/7 đã giành huy chương bạc cá nhân dành cho VĐV nam.

- Liz Cambage, một cầu thủ Liên đoàn bóng rổ nữ quốc gia (WNBA) thi đấu cho Úc, đã rút khỏi Thế vận hội một tuần trước khi khai mạc, vì cô lo lắng khi bước vào vành đai COVID-19 được kiểm soát (có tên gọi là bong bóng COVID) ở Tokyo, có thể khiến bạn bè và gia đình xa lánh cô vì sợ lây bệnh. “Dựa vào uống thuốc hàng ngày để kiểm soát sự lo lắng không phải là điều tôi muốn làm, đặc biệt là khi bước vào cuộc thi đấu trên sân khấu thể thao lớn nhất thế giới”.

Tuy nhiên, Biles đã đẩy mọi thứ lên một tầm cao mới, một cấp độ mà 24 giờ trước đây gần như không ai tưởng tượng nổi: Cô lùi lại, đánh giá tình hình và nhận ra rằng sẽ không tốt cho sức khỏe nếu tiếp tục thi đấu. Ngày 28/7, Biles rút khỏi các cuộc thi đấu để tập trung vào sức khỏe tinh thần của mình.

“Tôi phải làm những gì phù hợp với mình và tập trung vào sức khỏe tinh thần của tôi, và không gây nguy hiểm cho sức khỏe và tinh thần của mình”, Biles rơi nước mắt nói sau khi các VĐV Mỹ giành huy chương bạc đồng đội. Biles nói rằng cô nhận ra rằng mình đã không đứng mũi chịu sào chỉ mấy giờ trước khi cuộc thi bắt đầu.

Nhận thức được những khó khăn mà các VĐV trẻ phải đối mặt, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã tăng cường nguồn lực sức khỏe tinh thần trước Thế vận hội Tokyo. Các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần đã có mặt tại làng Olympic và thiết lập “Đường dây trợ giúp sức khỏe tinh thần” như một dịch vụ hỗ trợ sức khỏe bí mật trước, trong và ba tháng sau Thế vận hội.

Đường dây nóng 24 giờ là dịch vụ miễn phí cung cấp hỗ trợ lâm sàng với hơn 70 ngôn ngữ, tư vấn ngắn hạn, hỗ trợ thực tế và nếu cần, hướng dẫn các cơ chế báo cáo thích hợp của IOC, trong trường hợp VĐV bị quấy rối hoặc bị lạm dụng.

Trang web Athlete365 do IOC lập ra đã khảo sát hơn 4.000 VĐV vào đầu năm 2020 và kết quả đã giúp cho IOC chuyển hướng từ thành tích và kết quả thể thao sang sức khỏe tinh thần và nâng cao tiếng nói của VĐV.

Naoko Imoto, vận động viên bơi lội tại Thế vận hội Atlanta 1996, và là nhà tư vấn về bình đẳng giới cho Ủy ban Olympic Tokyo, nói: “Ở Nhật Bản, chúng tôi vẫn không nói về sức khỏe tâm thần. Tôi không nghĩ rằng mình có đủ hiểu biết về sức khỏe tâm thần, nhưng tôi nghĩ hiện tại có rất nhiều vận động viên lên tiếng và câu chuyện này đã trở nên phổ biến”.

VĐV bơi lội người Úc Jack McLoughlin đã nghẹn ngào rơi nước mắt sau khi giành huy chương bạc 400 mét tự do hôm Chủ nhật. Anh cho biết, áp lực tập luyện trong thời kỳ đại dịch rất lớn, trong khi anh phải theo đuổi tấm bằng kỹ sư. Điều này khiến anh suýt từ bỏ môn thể thao yêu thích.

Hoàng Diệu (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI