Sức khỏe tâm thần, vấn đề quan trọng của gen Z

29/07/2023 - 06:09

PNO - Theo kết quả khảo sát của ZenBusiness - công ty cung cấp nền tảng khởi nghiệp ở Texas, Mỹ - với 1.000 người trẻ tuổi từ 18-25, có 84% người cho biết muốn tự mình khởi nghiệp, 75% dự định trở thành doanh nhân. Nghiên cứu này còn chỉ ra thái độ không hài lòng của gen Z (thế hệ sinh từ 1997-2012) với công việc truyền thống.

Theo đó, khoảng 72% người được hỏi chia sẻ rằng “con đường sự nghiệp truyền thống của cha mẹ họ không còn rộng mở với họ nữa”. 86% nói họ “không thể dựa vào phương pháp cũ để tiến tới”. 90% cho biết họ muốn “tạo ra điều gì đó mới mẻ và tốt đẹp hơn cho thế giới”.

Người trẻ gen Z coi trọng văn hóa công sở và sẵn sàng rời đi nếu cảm thấy không phù hợp - Nguồn ảnh: Yahoo Finance
Người trẻ gen Z coi trọng văn hóa công sở và sẵn sàng rời đi nếu cảm thấy không phù hợp - Nguồn ảnh: Yahoo Finance

Các bạn trẻ thế hệ Z sẵn sàng nghỉ việc để bảo vệ quan điểm, khiến những người ở thế hệ trước đôi khi không có thiện cảm. Alyx Ang - một bạn nữ gen Z - kể với Insider về trải nghiệm làm thực tập sinh mùa hè năm ngoái. Theo đó, chỉ trong 1 tháng từ lúc vào làm, Ang đã cảm thấy hoài nghi về cách bản thân lựa chọn sự nghiệp, cô đã “ngồi trên sàn phòng và khóc”. Ang cho biết có lúc mình lo lắng đến suy nhược. Khi Ang thấy không thể tiếp tục chịu đựng, cô đã nói chuyện với người quản lý. 2 tuần sau đó, Ang chuyển chỗ ở để kết thúc sớm kỳ thực tập. Cô chia sẻ: “Tôi sợ phải biện hộ cho sức khỏe tâm thần của mình. Nhiều người ở đó cũng sợ hãi”.

Davina Ramkissoon - nhà tâm lý ở Dublin, Ireland - nhận định: gen Z khác với các thế hệ trước, được giáo dục nhiều về tâm lý bản thân. Cô nói: “Điều thực sự quan trọng là chúng ta phải nói chuyện thẳng thắn về sức khỏe tâm thần vì chúng ta cần nó để tồn tại”.

Lana Ivory - nhân viên ở Amazon, Mỹ - cho biết lý do quan trọng nhất để cô đấu tranh bảo vệ quan điểm cá nhân là để được giao công việc có ý nghĩa, sự giao tiếp và chế độ đãi ngộ công bằng. Đó là những điều có ý nghĩa nhất với sự thành công của cô. Ivory chia sẻ: “Bạn phải đặt ra ranh giới và ưu tiên các nhiệm vụ của bản thân, nếu không, bạn sẽ phải làm việc không ngừng nghỉ, kiệt sức mà vẫn bị đánh giá thấp”.

Theo nghiên cứu của công ty Ogilvy, 70% người thuộc gen Z tham gia khảo sát cho biết sức khỏe tâm thần của họ cần được quan tâm hoặc cải thiện. Dữ liệu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cũng cho thấy gen Z có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào khác.

Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2025, gen Z sẽ chiếm 1/3 lực lượng lao động. Tara Salinas - giáo sư đạo đức kinh doanh tại Đại học San Diego, Mỹ - lưu ý việc thu hút, quản lý và giữ chân những lao động trẻ tuổi này cần cách tiếp cận khác so với hiện nay. Giáo sư Salinas nói: “Thế hệ Z là những người lớn lên cùng công nghệ kỹ thuật số và họ luôn giao tiếp trực tuyến, vì vậy các kỹ năng giao tiếp hoặc kỹ năng mềm của họ đều bị ảnh hưởng. Rất nhiều công ty coi văn hóa công sở là thứ yếu, nhưng với gen Z thì đó là trung tâm. Nếu văn hóa của một công ty không phù hợp với những gì nhân viên gen Z mong đợi, họ sẽ rời đi. Việc chăm sóc bản thân, sức khỏe tâm thần và các vấn đề chung rất quan trọng đối với họ”. Những nhân viên gen Z cũng ưu tiên những công việc linh hoạt và cho phép làm việc từ xa.

Theo Business Insider, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống theo kiểu châu Âu là cảm hứng cho gen Z ở Mỹ. Lily Rakow - người dẫn chương trình truyền thanh và sáng tạo nội dung ở Annapolis, bang Maryland, Mỹ - nói cô tìm hiểu “lối sống” châu Âu, nơi ngày làm việc thường kết thúc lúc 4g chiều để học cách loại bỏ dần áp lực trong công việc. 

Trường An (theo Business Insider, CNN, Forbes, CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI