Sức khỏe tâm thần và hạnh phúc trở thành ưu tiên toàn cầu

08/10/2022 - 06:00

PNO - COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần toàn cầu. Thông qua ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi mọi người nỗ lực trong việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe tâm thần.

Cứ tám người thì có một gặp vấn đề tâm thần

Trước đại dịch năm 2019, sức khỏe tâm thần vốn đã là một thử thách lớn lao cho nhân loại. WHO ước tính cứ tám người thì có một người đang sống với các chứng rối loạn tâm thần. Khi COVID-19 ập đến, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu tăng 25%.

Ngày 10/10 được WHO chọn là ngày Sức khỏe tâm thần thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề đáng lo ngại này - ẢNH: KW
Ngày 10/10 được WHO chọn là ngày Sức khỏe tâm thần thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề đáng lo ngại này - Ảnh: KW

Dịch bệnh cũng làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế - xã hội, xung đột kéo dài, bạo lực và tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng đã ảnh hưởng đến toàn bộ dân số thế giới. Ít nhất 84 triệu người phải sơ tán do xung đột và thiên tai năm 2021, đúng thời điểm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần bị ngưng trệ. Nhiều người mắc bệnh lý thần kinh đã tử vong sớm hơn 20 năm so với mức trung bình…

Mục tiêu phát triển bền vững với sức khỏe tốt và hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi đến năm 2030, có 80% quốc gia tích hợp vấn đề sức khỏe tâm thần vào chương trình chăm sóc y tế ban đầu. 

Theo khảo sát của WHO, gần 1/7 thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi đang mắc các dạng tâm thần khác nhau. Tự tử là nguyên nhân tử vong phổ biến xếp hàng thứ năm ở nhóm tuổi này, với 45.800 người chết/năm. Nghĩa là cứ 11 phút lại có một bạn trẻ tự kết liễu cuộc đời. Gần 1/5 thanh niên 15-24 tuổi cho biết họ thường cảm thấy chán nản, ít quan tâm đến việc làm. 50% bệnh lý thần kinh đã hình thành ở độ tuổi 14 và lên đến 75% ở độ tuổi 24.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang đi tìm cách thức mới để hỗ trợ người trẻ mang các hội chứng tâm thần. Tổ chức này đã thu hút 75 giải pháp và 14 sáng kiến, từ truyền thông qua điện thoại thông minh cho thanh niên cho đến dịch vụ tư vấn khủng hoảng cho người LGBTQI+… Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay mang chủ đề “Hãy để sức khỏe tâm thần và hạnh phúc cho mọi người trở thành ưu tiên toàn cầu”. 

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên

Tại Mỹ, cứ năm người trưởng thành thì có một người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Dù vậy, người ta vẫn tự hỏi liệu một doanh nghiệp có nên triển khai một kế hoạch nghiêm túc về vấn đề này?

Anne Krog Iversen - đồng sáng lập hãng phần mềm hàng đầu châu Âu TimeXtender - nói: “Khó tưởng tượng được một công ty không muốn tham gia vào bảo trợ nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Với tư cách lãnh đạo giới doanh nghiệp, chúng tôi có trách nhiệm giúp xóa bỏ sự kỳ thị về nó và hỗ trợ những nhân viên có nhu cầu”.

Bởi theo bà, vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc có thể khiến năng suất thấp hơn và tình trạng nghỉ phép tăng lên. Số liệu đáng báo động từ một báo cáo của tổ chức Headspace Health cho thấy, gần 1/3 nhân viên cảm thấy công việc đã tác hại đến sức khỏe tâm thần của họ.

“Chúng tôi tiên phong tổ chức các chương trình sức khỏe tâm thần như lấy tháng Mười là tháng nhận thức sức khỏe tâm thần, tập trung vào các nền tảng “mã gen và văn hóa doanh nghiệp”. Chúng tôi nói về mục đích sống, niềm tin, sự kết nối, khả năng phục hồi và lãnh đạo chính mình” - Iversen nói.

“Dù có những tiến bộ vài năm qua, nhưng mô hình của chúng tôi vẫn chưa như ý muốn về hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong kinh doanh. Hãy cho phép nhân viên nghỉ làm để tình nguyện phục vụ cộng đồng. Lựa chọn này có thể mang lại lợi ích cho nhiều bên, nhân viên, công ty và cộng đồng” - bà Anne Krog Iversen nói. 

Nam Anh (theo WHO, Forbes, WEF)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI