Sức khỏe người dân bị đe dọa vì “thắt lưng buộc bụng”

07/10/2022 - 06:33

PNO - Nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều quốc gia đã chọn chính sách “thắt lưng buộc bụng”, người dân thì phải tiết kiệm chi phí, duy trì cuộc sống ở mức cơ bản. Hậu quả của điều này là sức khỏe và cả sinh mạng của không ít người bị đe dọa.

85% dân số thế giới bị ảnh hưởng

143 quốc gia - bao gồm 94 quốc gia đang phát triển - đã quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế chi tiêu công. Báo cáo “Chấm dứt thắt lưng buộc bụng: Báo cáo toàn cầu về cắt giảm ngân sách và những cải cách xã hội có hại” của tổ chức Mạng lưới Nợ và Phát triển châu Âu cho thấy: 85% dân số thế giới sẽ phải sống trong áp lực của các biện pháp thắt lưng buộc bụng vào năm 2023.

Lạm phát và thiếu hụt hàng hóa khiến người dân nhiều quốc gia trên thế giới đau đầu vì kế hoạch chi tiêu - ẢNH:  Getty Images
Lạm phát và thiếu hụt hàng hóa khiến người dân nhiều quốc gia trên thế giới đau đầu vì kế hoạch chi tiêu - Ảnh: Getty Images

Cụ thể là các chính phủ thu nhỏ chương trình bảo trợ xã hội cho phụ nữ, trẻ em, người già và những người dễ bị tổn thương khác, chỉ để lại một mạng lưới an toàn nhỏ cho một bộ phân những người nghèo nhất. Chúng cũng bao gồm cắt giảm hoặc giới hạn tiền lương, số lượng giáo viên và nhân viên y tế, xóa bỏ trợ cấp, tư nhân hóa hoặc thương mại hóa các dịch vụ công như năng lượng, nước và giao thông công cộng, đồng thời giảm lương hưu và quyền của người lao động. 

Nabil Abdo - cố vấn chính sách của tổ chức Chống đói nghèo và bất công Oxfam International - nhận định: “Việc lựa chọn thắt lưng buộc bụng thay vì nhiều cách khác để giảm thâm hụt hoặc thậm chí tăng thu ngân sách, như đánh thuế tài sản và lợi nhuận thu được, không chỉ là thảm họa về kinh tế mà còn là thảm họa chết người”. Đáng chú ý, phụ nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi các kế hoạch tiết kiệm chi tiêu của chính phủ. 

Khi Agnes Wachira bắt đầu cảm nhận những cơn đau ở ngực gần sáu tháng trước, bà mẹ ba con người Kenya không nghĩ rằng đó là hậu quả của nhiều giờ làm việc hằng ngày và giặt quần áo bằng tay trong những ngõ hẹp của khu định cư Kawangware, Nairobi. Qua nhiều tháng, triệu chứng phát triển thành cơn đau thắt dai dẳng khắp ngực, khiến cô khó thở. Tuy nhiên, với lạm phát của Kenya đang ở mức 8,5%, người mẹ đơn thân 48 tuổi cho biết cô không đủ khả năng tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Chi phí sinh hoạt tăng cao đang làm gia tăng bất bình đẳng giới. Phụ nữ buộc phải bỏ bê sức khỏe của bản thân để đáp ứng các nhu cầu của gia đình khi lạm phát siết chặt ngân sách, với tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Tác động chết người

Khi Beth nghĩ về cuộc sống trước đại dịch của mình, cô gần như không thể nhận ra bản thân mình hiện nay khi nhớ lại các bữa tiệc tối, các lần xem phim, tụ họp ở nhà bạn bè. Nữ y tá 28 tuổi đến từ Anh từng có một thời gian biểu đầy ắp các kế hoạch. Điều đó đã thay đổi trong đại dịch.

Nhưng ngay khi các hạn chế được nới lỏng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lại bắt đầu. Tài chính của Beth trở nên eo hẹp, buộc cô chỉ gặp bạn bè một hoặc hai lần mỗi tháng. Một phần, điều này là do Beth bận làm thêm giờ để trang trải các hóa đơn và khoản vay mua căn hộ một phòng ngủ của mình. Nhưng ngay cả khi không làm việc, cô cũng  chọn từ chối các lời mời vì chi phí giao tiếp xã hội ngày càng trở nên đắt đỏ. Từ đó, các mối quan hệ bạn bè của Beth trở nên thu hẹp, cuộc sống tinh thần của cô cũng dần tệ hơn. 

Một nghiên cứu mới do Trung tâm Sức khỏe dân số Glasgow (GCPH) và Đại học Glasgow (Anh) dẫn đầu, công bố trên tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe cộng đồng, cho biết: So với dự báo trước đây, đã có thêm 335.000 ca tử vong trên khắp Scotland, Anh và xứ Wales từ năm 2012-2019 do tác động từ “thắt lưng buộc bụng”.

Các chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” của Anh bao gồm cắt giảm hàng tỷ bảng Anh cho dịch vụ công cộng và hệ thống an sinh xã hội. Nếu không được hỗ trợ thêm, người dân dễ bị cuốn theo làn sóng nghèo đói gia tăng và thu nhập giảm, thiếu nhà ở, dinh dưỡng kém, sức khỏe kém và cô lập xã hội. Tất cả đều có thể dẫn đến tử vong sớm. 

Tiến sĩ David Walsh - tác giả chính của nghiên cứu và Giám đốc Chương trình Y tế công cộng tại GCPH - cho biết: “Những con số này không chỉ gây sốc mà còn đáng xấu hổ bởi đây không chỉ là số liệu thống kê, chúng đại diện cho hàng trăm ngàn người bị tước đoạt sinh mạng, cùng hàng trăm ngàn gia đình đối mặt với nỗi đau ly biệt. Những cái chết này đáng lẽ không nên xảy ra”. 

Ngọc Hạ (theo GLA, Guardian, Reuters, Oxfam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI