"Sức khỏe" doanh nghiệp bất động sản hiện tốt hơn giai đoạn suy thoái 10 năm trước

05/01/2023 - 08:36

PNO - Công ty chứng khoán VNDirect vừa có phân tích về bối cảnh thị trường bất động sản hiện tại so với chu kỳ suy thoái gần nhất vào năm 2011 - 2013.

Theo thống kê, doanh số ký bán trên thị trường bất động sản hiện nay sụt giảm từ quý 3/2022 khi lượng căn hộ tiêu thụ giảm mạnh 40% so với quý trước ở cả TPHCM và Hà Nội. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ bất động sản nghỉ dưỡng thấp tầng sụt giảm 70,4% so với quý trước. Giá sơ cấp nhà liền thổ xây sẵn giảm 10 - 15% so với quý trước do nhu cầu nhà ở suy yếu.

Nhóm chuyên gia của Công ty VNDirect nhận định, ngành bất động sản nhà ở đang đối mặt với nhiều thách thức như: chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà; nguồn cung mới có thể sụt giảm khi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật Đất đai sửa đổi. 

Thị trường
Nhóm chuyên gia VNDirect kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ giúp nguồn cung bất động sản phục hồi, giá căn hộ giảm 5 - 10%

Nếu bước vào giai đoạn “đóng băng”, nhóm chuyên gia cho rằng sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản (118 công ty niêm yết và 92 công ty chưa niêm yết) hiện tốt hơn so với giai đoạn suy thoái thị trường bất động sản 10 năm trước (giai đoạn 2011-2013), với tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn và khả năng thanh toán nhanh khỏe hơn.

Tỷ số thanh toán lãi vay hiện tại đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất tại giai đoạn 2011 - 2013, điều này cho thấy rủi ro xảy ra vỡ nợ cao như năm 2011. Dù hàng tồn kho đang tăng nhưng tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản thấp hơn cho thấy áp lực giải phóng hàng tồn kho thấp hơn so với giai đoạn 2011- 2013. Do đó, tình trạng “đóng băng” nếu xảy ra có thể ngắn hơn và ít thiệt hại hơn. 

Trước tình hình trên, Công ty VNDirect kỳ vọng giá căn hộ sơ cấp trung bình sẽ giảm 5 - 10% so với cùng kỳ và lượng căn hộ tiêu thụ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ trong năm 2023 (so với giá sơ cấp giảm 20 - 30% và lượng căn hộ tiêu thụ giảm 50% trong năm 2012- 2013). Đồng thời, kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi 2023 sẽ được ban hành như kế hoạch vào nửa cuối năm 2024, giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở phục hồi từ 2024 – 2025.

Thị trường bất động sản thế giới bước vào chu kỳ suy giảm trong năm 2022

Theo Knight Frank, giá nhà toàn cầu tại 56 quốc gia trên toàn thế giới đã tăng khoảng 10% vào năm 2021, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2004, chủ yếu được thúc đẩy bởi lãi suất vay mua nhà thấp lịch sử. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang đối mặt hàng loạt thách thức trong năm 2022 như áp lực lạm phát, lãi suất tăng vọt và chiến tranh Nga-Ukraine, khiến thị trường bất động sản toàn cầu lao dốc. Giá nhà đất tại một số thị trường từng tăng mạnh trong hai năm qua đang đối mặt với mức suy giảm hai con số.

Cũng theo VNDirect, cuộc khủng hoảng nợ của các công ty bất động sản tại Trung Quốc đã làm dấy lên những mối lo ngại trên toàn thị trường bất động sản tại châu Á. Nhiều nhà phát triển bất động sản tư nhân của Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức kép, rủi ro vỡ nợ và làn sóng tẩy chay trả nợ vay mua nhà. Khủng hoảng thanh khoản tại Trung Quốc có thể bắt nguồn từ chính sách “Ba lằn ranh đỏ” ban hành vào tháng 8/2020 nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy vào ngành bất động sản. Những khó khăn trong tái cơ cấu nợ, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và doanh số bán hàng sụt giảm mạnh đã khiến dòng tiền của các nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc cạn kiệt, gây ra các làn sóng vỡ nợ kể từ năm 2021 như Evergrande, Shimao, Fantasia hay Kaisa…

Ngọc Bích

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI