Sức hút của dòng sách viết về người lớn tuổi

02/04/2024 - 06:49

PNO - Dòng sách viết về người lớn tuổi với điểm chung là cốt truyện bất ngờ, văn phong hài hước và chứa đựng nhiều ý nghĩa về cuộc đời, sức mạnh nội tại... đang có sức hút mạnh mẽ với cả bạn đọc Việt Nam và thế giới.

Sự đón nhận tích cực của độc giả

Không chỉ trở thành “hiện tượng xuất bản” ở đất nước mình, các nhà văn Thụy Điển gồm Jonas Jonasson, Fredrik Backman và Hendrik Groen từ Hà Lan cũng nhanh chóng làm rúng động giới xuất bản với các tựa sách bán chạy, được tái bản liên tục. Tại Việt Nam, những tựa sách như Người đàn ông mang tên Ove, Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi, Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất... trong các năm qua cũng nhận được phản ứng tích cực từ độc giả.

Một số tác phẩm nổi tiếng viết có người lớn tuổi là nhân vật chính đã ra mắt tại Việt Nam
Một số tác phẩm nổi tiếng viết có người lớn tuổi là nhân vật chính đã ra mắt tại Việt Nam

Trong đó Fredrik Backman là một trong những tác giả được yêu thích nhất. Người đàn ông mang tên Ove là cuốn nổi tiếng nhất của ông, kể về ông Ove, 60 tuổi, lên kế hoạch tự sát khi người vợ Sonja qua đời. Thế nhưng mỗi khi ông định thực hiện thì lại có thứ gì đó “cản đường”. Một trong số đó là sự xuất hiện của cặp vợ chồng hàng xóm chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, qua quá trình tiếp xúc, ông Ove từng bước nhìn thấy ý nghĩa của cuộc sống này.

2 tác phẩm khác cũng thuộc dòng này của Fredrik Backman là Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗiBritt-Marie đã ở đây. Tất cả đều có nhân vật là những người lớn tuổi mà theo thời gian, họ dần đánh mất động lực sống. Thế nhưng, bằng những sắp đặt của số mệnh, họ lại thấy bản thân vẫn có ý nghĩa cho một ai đó, cho cộng đồng hay sứ mệnh nào đó, từ đó có lại sự yêu đời và tỏa sáng trở lại.

Nhân vật Allan Karlson trong cuốn Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất của nhà văn Jonas Jonasson thì rất năng động và thú vị bất ngờ. Trong lần rời khỏi nhà hưu trí ngay trước sinh nhật lần thứ 100, ông đã bị cuốn vào rắc rối khi vô tình cầm nhầm một chiếc vali chứa đầy tiền mặt. Từ đó, ông gặp được nhiều người thú vị và có khởi đầu mới. Với thành công của cuốn sách này, tác giả liên tục cho ra mắt câu chuyện của những nhân vật bên lề, làm nên thành công cho toàn bộ sách.

Mới đây, Nhà xuất bản Trẻ cũng giới thiệu thêm 2 tác phẩm của tác giả Hendrik Groen là Nhật ký bí mật của ông Hendrik Groen 83 1/4 tuổi Hãy yêu đời đi - Nhật ký bí mật mới của ông Hendrik Groen 85 tuổi. Đây là những dòng văn được ghi lại như những trang nhật ký của tác giả trong viện dưỡng lão, với những hoạt động cùng các bạn “đồng cư”. Không mang màu sắc hư cấu như 2 tác giả trên, ông Hendrik Groen chủ yếu ghi lại người thật việc thật, qua đó ta không chỉ thấy những tâm tư, nỗi niềm của người lớn tuổi, mà đồng thời là những tin tức, sự kiện xảy ra trên khắp đất nước, từ đó tác giả có cơ hội bộc lộ quan điểm, góc nhìn của mình.

Với thành tích ấn tượng về mặt số lượng cũng như nhiều tác phẩm liên tục được chuyển thể dưới nhiều hình thức, có thể thấy dòng tiểu thuyết này không chỉ thu hút đối tượng độc giả lớn tuổi mà cả những người trẻ, vì qua đó họ có thể học hỏi bài học: “chưa bao giờ là trễ để làm điều mình yêu thích’’.

Nhiều yếu tố rất riêng

Chia sẻ về sự “bùng nổ” của các tác phẩm đề tài người cao tuổi, đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết: “Ban đầu chúng tôi không chủ ý chọn dòng sách dành cho người lớn tuổi mà chỉ thực hiện vì đây là các tựa sách được nhiều độc giả trên thế giới quan tâm, chú ý. Sau khi ra mắt, sách được nhiều bạn đọc trong nước yêu thích. Chúng tôi nghĩ những tác phẩm này được đón nhận nồng nhiệt là vì góc nhìn của các nhân vật tương đối hiếm gặp, từ đó gây ra sự thích thú. Là đối tượng đặc biệt, họ có nhiều điều đúc kết từ cuộc sống mà lứa tuổi nào cũng thấy đồng cảm, tâm đắc”.

1
Hãy yêu đời đi - Nhật ký bí mật mới của ông Hendrik Groen 85 tuổi được ghi lại như những trang nhật ký của tác giả trong viện dưỡng lão

Một trong những điểm cuốn hút của dòng sách này là nhân vật chính được các nhà văn xây dựng độc đáo. Họ thường là những người gàn dở, cộc cằn như thể “thù hằn” với cả thế giới, thế nhưng ẩn đằng sau đó là sự nhạy cảm và những tổn thương. Chẳng hạn với ông Ove là sự qua đời của vợ, với bà Britt-Marie là sự phản bội của chồng hay ông Hendrik là sự thiếu quan tâm của giám đốc viện dưỡng lão dành cho các “cư dân”... Tuy vậy họ không xấu tính mà luôn dành cho những người yếu thế, những người chưa trưởng thành… sự bao dung và tha thứ đặc biệt, từ đó thắp lên ngọn lửa của sự thấu hiểu và sẻ chia.

Ngoài ra, yếu tố phiêu lưu, giả tưởng trong các tác phẩm cũng cho người đọc có hình dung khác về việc một khi bước qua vùng an toàn của một ai đó sẽ như thế nào. Đó có thể là cuộc phiêu lưu “huyền thoại” của ông Allan Karlson với những tình tiết ngoài sức tưởng tượng hay những chuyến đi chơi đến công viên chim, lớp học nấu ăn, sòng bài... đầy bất ngờ của hội “già nhưng không cỗi” của ông Hendrik Groen. Qua đó, độc giả được truyền cảm hứng, có thêm sức mạnh để đối diện với cuộc sống hiện đại vốn nhiều áp lực.

Đó cũng là sự chân thành khi nhiều người già trong tác phẩm này cũng phải trải qua rất nhiều bước ngoặt trong cuộc đời mình. Họ lo lắng về vấn đề phúc lợi, lương hưu. Họ cảm thấy cô đơn khi chuyến viếng thăm của con cái ngày càng thưa thớt và bị cho là những người vô dụng... Thế nhưng, một khi những người cùng chung cảnh ngộ có cơ hội gặp nhau, họ đã bổ khuyết và làm đầy thêm cuộc sống cho nhau, từ đó tạo nên một mối liên kết vững bền, truyền nhiều cảm hứng.

Những yếu tố mang tính đặc thù chính là lý do khiến dòng văn này ngày càng thu hút nhiều độc giả, mang đến cảm giác ấm áp và xoa dịu cho những tâm hồn mệt nhoài với cuộc sống thường ngày.

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI