Sự trỗi dậy của các thị trường cấp 2
Theo giới trong ngành, sau một thời gian liên tục tăng trưởng nóng, các thị trường bất động sản nghỉ dưỡng quen thuộc như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đã dần bình ổn. Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển về các khu vực khác đã và đang phát triển nhằm đón đầu cơ hội.
Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung cho biết, đối với bất động sản du lịch biển, các thị trường có tiềm năng phát triển gần như nhau vì có ưu đãi về thiên nhiên trải dài rất đồng đều. Đặc biệt là các thị trường ở phía Nam Việt Nam, nơi có khí hậu phù hợp với du lịch biển. Tuy nhiên, một vài thị trường nối trội hơn như Đà Nẵng hay Nha Trang do có sự kết nối về giao thông, đặc biệt là có sân bay quốc tế, nên thu hút được nhiều khách quốc tế. Đó cũng là lý do những năm qua sản phẩm nghỉ dưỡng bán tập trung nhiều hơn ở các thị trường này.
|
Rất đông khách hàng, nhà đầu tư dành sự quan tâm đến “điểm nóng” thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng Mũi Né, Phan Thiết |
Bên cạnh các khu vực đã phát triển khá nóng trong thời gian qua, bà Dung cũng cho biết, hai năm qua bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến sự trỗi dậy của các thị trường cấp 2 như Phú Quốc, Phan Thiết, Hạ Long. Công suất phòng khách sạn ở các thị trường này đang có kết quả tốt hơn do chưa chịu nhiều áp lực về nguồn cung.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, các thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang phát triển nói chung và Mũi Né – Phan Thiết nói riêng hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng so với các thành phố khác trong khu vực. Năm 2017, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt du khách quốc tế. Đến tháng 9/2018 đã là hơn 12 triệu lượt, và điểm đến ưa thích là các thành phố du lịch biển khu vực duyên hải miền Trung.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, thị trường Việt Nam đang được nhìn nhận khác đi đối với khách du lịch quốc tế. Nếu như trước đây họ chỉ xem Việt Nam như một địa điểm du lịch trải nghiệm, tỷ lệ quay lại ít thì hiện nay Việt Nam được xem là một điểm đếm cho những chuyến du lịch nghỉ dưỡng dài ngày hơn, và đáng quay trở lại nhiều lần.
|
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại buổi hội thảo “Điểm nóng thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Mũi Né, Phan Thiết” cuối tuần qua |
Bên cạnh đó, thu nhập của người dân đang gia tăng, nên du khách nội địa có khả năng chi trả nhiều hơn. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của Việt Nam đứng thứ 2 ở Đông Nam Á. Khả năng chi tiêu tăng tác động đến nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, thay vì tìm khách sạn 2-3 sao, người ta sẵn sàng tìm đến các khách sạn cấp hơn hơn. Đồng thời, phát sinh nhu cầu mua bất động sản nghỉ dưỡng để khai thác cho thuê lại vì nhìn thấy tiềm năng lớn cho phân khúc này.
Tiềm năng từ vùng Mũi Né, Phan Thiết
Thực tế, từ những năm 2005 đã có những căn biệt thự biển để bán đầu tiên ở Mũi Né. Song trước sự phát triển rầm rộ của các điểm nóng mới, Mũi Né “chậm chân” hơn một bước. Nguyên nhân chính là vì khu vực này chưa đầu tư phát triển hạ tầng đúng tầm. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông đến các thị trường tiệm cận TP.HCM và có nhiều tiềm năng như Phan Thiết hay Hồ Tràm, Vũng Tàu đã thuận tiện hơn rất nhiều.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh tháng 4/2017 và định hướng quy hoạch phát triển đến năm 2020, Bình Thuận định hướng sẽ trở thành trung tâm du lịch, thể thao biển mang tầm quốc gia. Với đường bờ biển dài cùng với các danh thắng độc đáo, Mũi Né – Phan Thiết thuộc Bình Thuận đã trở thành địa chỉ du lịch thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Bình quân mỗi năm, lượng du khách đến Bình Thuận tăng từ 12 - 14%, doanh thu từ du lịch cũng tăng từ 19 - 20%. Trước tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy, Bình Thuận đặt mục tiêu thu hút 7 triệu lượt khách mỗi năm. Trong đó có 850.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân khách nội địa từ 10 - 12%/năm, khách quốc tế từ 12 - 14%/năm.
|
Mũi Né, Phan Thiết là địa danh giàu tiềm năng để phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng |
Để hiện thực hóa mục tiêu này, hệ thống hạ tầng giao thông đang phát triển hoàn thiện, giúp kết nối liên vùng một cách nhanh chóng và thuận tiện. Tuyến giao thông dọc bờ biển kết nối Phan Thiết với các trung tâm du lịch đã được đầu tư hoàn chỉnh. Tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ còn hơn tiếng. Dự kiến vào năm 2019 khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng đi vào hoạt động, thời gian này được rút ngắn chỉ còn khoảng 1,5 tiếng chạy xe. Cùng với dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 113 km dự kiến hoàn thành vào năm 2021 sẽ mở ra cơ hội lớn cho bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây.
Ngoài các tuyến cao tốc, dự án sân bay Phan Thiết với tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng đã được khởi công, dự kiến giai đoạn 1 sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2021-2022. Khi sân bay đi vào hoạt động, lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Phan Thiết được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ là tín hiệu tốt cho ngành du lịch mà còn mở ra nhiều cơ hội cho ngành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Một yếu tố tiềm năng nữa cho thị trường Phan Thiết chính là số lượng resort hiện hữu ở Phan Thiết không có nhiều như các thị trường khác, nếu có thì hầu hết dự án này đều đã được xây dựng từ khoảng năm 2005, gần đây nhất cũng chỉ có 1-2 dự án và các dự án quy mô lớn hay 5 sao hầu như không có.
Đón đầu tiềm năng này, “ông lớn” địa ốc Novaland đã nhanh chân hiện diện ở Mũi Né với dự án NovaHills Mũi Né resort & villas - khu biệt thự nghỉ dưỡng nằm trên cung đường “thủ phủ resort” với 2 mặt tiền đường Huỳnh Thúc Kháng - Võ Nguyên Giáp. Với việc được đầu tư bài bản, NovaHills Mũi Né hứa hẹn sẽ là tâm điểm khuấy động bất động sản nghĩ dưỡng Mũi Né khi chính thức ra mắt thị trường.
|
NovaHills Mui Ne Resort & Villas với vị trí và thiết kế đẹp được kỳ vọng là một điểm đến hấp dẫn tại Mũi Né, Phan Thiết |
Nguồn: Báo Tuổi trẻ