Sức hút bí ẩn của một hiệu may cổ truyền

03/04/2022 - 11:47

PNO - Cần mẫn theo đuổi dấu ấn thẩm mỹ truyền thống, một nhà may đã 466 năm tuổi ở Kyoto, Nhật Bản, lần nữa minh chứng cho câu chuyện “lửa thử vàng” kinh điển. Các giá trị bản sắc được âm thầm trui rèn qua gian khó càng hoàn thiện và tỏa sáng hơn.

Khi Yozaemon Chikiriya khai trương hiệu may Chiso tại Kyoto, nhóm khách hàng đầu tiên ông nhắm đến là những thầy tu cần sắm mới lễ phục. Bấy giờ là năm 1555. Sau vài thế kỷ, kiểu áo choàng đơn sắc của giới tu sĩ được chuyển hóa thành các thiết kế phục trang phức tạp. Ngày nay, Chiso - thương hiệu cổ truyền đã trụ vững trước vô vàn biến động kinh tế, xã hội - là một trong những nhà may kimono thủ công cuối cùng ở Nhật Bản.

Bộ Uchikake (lễ phục cưới) với hình ảnh vườn thượng uyển đặc biệt tinh xảo được làm riêng cho phu nhân gia tộc Nishimura - Iida Taka, vào dịp hôn lễ của bà năm 1913 - Ảnh: Worcester Art Museum
Bộ Uchikake (lễ phục cưới) với hình ảnh vườn thượng uyển đặc biệt tinh xảo được làm riêng cho phu nhân gia tộc Nishimura - Iida Taka, vào dịp hôn lễ của bà năm 1913 - Ảnh: Worcester Art Museum

Hiện vẫn được những hậu duệ gia đình Chikiriya điều hành, Chiso với phương châm giữ gìn nghề may truyền thống đã tiếp tục thể hiện sức sống bền bỉ hiếm thấy giữa một kỷ nguyên nhiều đổi thay của ngành công nghiệp thời trang nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. 

Tôn sùng cái đẹp 

Ưu tiên chất lượng hơn số lượng, kimono mang thương hiệu Chiso có mức độ tinh xảo cao đến mức công ty chỉ sản xuất khoảng 25 bộ mỗi năm. Một bộ kimono thường mất ba tháng để hoàn tất, nhưng các đơn hàng đặc biệt có thể tốn thời gian hơn, đến cả năm. Từng thiết kế kimono thành hình thông qua đa dạng kỹ thuật truyền thống: dệt, hấp, nhuộm vải và thêu trang trí. 
Một đội ngũ hùng hậu gồm hơn 600 nghệ nhân đang làm việc cho Chiso, vài người trong số họ là những bậc thầy sau cùng còn thành thạo một kỹ thuật dệt may đặc thù. “Chúng tôi rất may mắn. Muốn tạo ra kimono cao cấp, bạn cần nguyên liệu vải chất lượng cùng nhóm thợ lành nghề. Giờ đây, không còn nhiều hiệu may như chúng tôi tồn tại” - Haruyo Naka, đại diện phát ngôn của công ty, chia sẻ.

Bên ngoài showroom của Chiso ở Kyoto. Tại Nhật, Chiso là một trong số ít thương hiệu may kimono thủ công vẫn đang duy trì được mối liên kết bền chặt với giới nghệ nhân, nghệ sĩ thiết kế và những nhà bán lẻ uy tín - ẢNH: CHISO CO., LTD
Bên ngoài showroom của Chiso ở Kyoto. Tại Nhật, Chiso là một trong số ít thương hiệu may kimono thủ công vẫn đang duy trì được mối liên kết bền chặt với giới nghệ nhân, nghệ sĩ thiết kế và những nhà bán lẻ uy tín - Ảnh: CHISO CO., LTD

Buổi đầu lịch sử, kimono (nghĩa đen là “đồ để mặc”) ám chỉ loại thường phục dân dã với chi tiết cắt may đơn giản. Đến giữa thế kỷ XX, danh từ này bắt đầu được nâng cấp để mô tả quốc phục của nước Nhật. Vivian Li, chuyên gia giám tuyển chuyên ngành mỹ thuật đương đại, cho biết: “Hậu Thế chiến thứ hai, thời điểm Nhật Bản bước vào giai đoạn tái thiết, khi hoạt động giao thương với thị trường nước ngoài được tích cực xúc tiến, hình ảnh kimono mới dần được nâng tầm thành biểu tượng quốc gia”.

Cuối năm ngoái, Li cùng đồng nghiệp Christine Starkman tại Bảo tàng Nghệ thuật Worcester (bang Massachusetts, Mỹ), đã tổ chức dự án triển lãm đầu tiên về Chiso bên ngoài nước Nhật. Chương trình được tổ chức trực tuyến, phác họa sống động vẻ đẹp cổ điển lẫn hiện đại của kimono. Song song đó, dự án cũng giúp người xem khám phá sức hút độc đáo nơi một thương hiệu may mặc lâu đời.

Một thiết kế Furisode - kiểu kimono có ống tay áo rộng đặc trưng thường được các thiếu nữ mặc trong nghi lễ, với họa tiết sóng biển và chim hạc, năm 1938 (trái) và thiết kế Kosode - phong cách kimono cổ điển, ống tay ngắn và cổ áo rộng hơn, với hình ảnh chiếc bình nước trút ngược trên nền lụa satin, khoảng cuối thế kỷ XVII -  Ảnh: Worcester Art Museum
Một thiết kế Furisode - kiểu kimono có ống tay áo rộng đặc trưng thường được các thiếu nữ mặc trong nghi lễ, với họa tiết sóng biển và chim hạc, năm 1938 (trái) và thiết kế Kosode - phong cách kimono cổ điển, ống tay ngắn và cổ áo rộng hơn, với hình ảnh chiếc bình nước trút ngược trên nền lụa satin, khoảng cuối thế kỷ XVII - Ảnh: Worcester Art Museum

Như số đông doanh nghiệp gia đình có lịch sử phát triển dày dặn, Chiso nỗ lực thích nghi trước từng thử thách, trong khi vẫn kiên định giữ vững nguyên tắc làm nghề. Tiêu chí cốt lõi của công ty nằm ở khẩu hiệu truyền cảm: “bi hitosuji” hay “tôn sùng cái đẹp”.

Một “viên ngọc” bí ẩn

Đối với các thương hiệu truyền thống, vấn đề tài chính thường gây khó khăn hơn cả. Đầu thời Minh Trị (1868 - 1912), khi chính sách chống Phật giáo được thi hành, hàng loạt đền chùa bị phá hủy, không ít tu sĩ bị ép hoàn tục, Chiso buộc phải tìm kiếm khách hàng mới. Mong muốn gìn giữ lối dệt may cổ điển đậm chất thẩm mỹ, họ chuyển hướng sản xuất trang phục cho giới quý tộc, hoàng thân và cả một số người nước ngoài. Hiện tại, nhóm khách hàng lâu năm nhất của họ là những gia đình đã gắn bó với hiệu may qua nhiều thế hệ. 

Ở mỗi thiết kế kimono Chiso, không khó nhận ra sự tận tâm, chăm chút nơi bàn tay người thợ thủ công. Ngược lại, họ không chú trọng khuếch trương thương hiệu, vốn gần như biến Chiso thành một “viên ngọc” quý nhưng đầy ẩn số trong ngành kinh doanh thời trang. Nhà giám tuyển Starkman khẳng định: “Trong thế giới kimono, người am hiểu chắc chắn biết về Chiso”.   

Sự quyến rũ riêng biệt Chiso tạo nên còn từ việc đây là hiệu may truyền thống đầu tiên ở Nhật cộng tác cùng những nghệ sĩ mỹ thuật nổi tiếng, bắt đầu từ thập niên 1870. Tiêu biểu trong số này có nhóm họa sĩ nihonga (phong cách mỹ thuật cổ điển ưu ái chất liệu thuần tự nhiên như màu vẽ làm từ bột gỗ, lụa và sợi gai). Các nghệ sĩ khéo léo chuyển dời cảm hứng sáng tạo từ giữa khung tranh lên bề mặt vải, phác họa vô số biểu tượng, hoa văn cuốn hút, mang tính gợi tả đặc trưng. 

“Lúc bấy giờ, ý tưởng liên kết với những nhà thiết kế thuộc lĩnh vực khác còn rất mới mẻ. Hiện thời, bạn có thể thấy đông đảo hãng mốt, nhà may hợp tác với nghệ sĩ đa ngành. Ở Chiso, chúng tôi đã làm thế hơn 150 năm qua”, phát ngôn viên Haruyo Naka cho biết. Ngày nay, Chiso vẫn tiếp tục làm việc cùng các nghệ sĩ, nhà mốt danh tiếng. Mới nhất phải kể đến Dior và Yohji Yamamoto.  

Khi bản sắc định hình sức hút 

Đến năm 1940, hiệu may đối mặt cuộc khủng hoảng lớn nhất từng thấy. Chính sách mới trong thời chiến yêu cầu ngành may mặc cắt giảm lượng lớn mặt hàng quần áo cao cấp khiến hoạt động kinh doanh của Chiso rơi vào bế tắc. May thay, giai đoạn đóng cửa kéo dài không lâu. Đến năm 1943, nhằm mục đích hỗ trợ nghệ nhân, phát huy truyền thống dệt may tại địa phương, chính quyền Kyoto cho phép Chiso xây dựng một xưởng dệt và nhuộm vải, giúp hiệu may được phép tái vận hành.  

Mỗi bộ kimono được nhóm nghệ nhân tỉ mỉ hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ - ẢNH: CHISO CO., LTD
Mỗi bộ kimono được nhóm nghệ nhân tỉ mỉ hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ - Ảnh: CHISO CO., LTD

Hồi sinh qua bao biến cố nhưng giữa kỷ nguyên hiện đại hóa, Chiso càng chú tâm lưu giữ những kỹ thuật dệt may cổ điển thay vì xuôi theo làn sóng sản xuất đại trà, tư duy “thời trang nhanh”. 

Những thiết kế kimono hiện đại mang thương hiệu Chiso ra đời bên trong chuỗi xưởng may gần trụ sở chính của công ty ở cố đô Kyoto, phản ánh tổng hòa bảy kỹ thuật dệt may cổ truyền. Đặc sắc hàng đầu là kỹ thuật thêu trang trí, dát vàng lên vải và nhuộm yūzen (sử dụng một dạng keo nhuộm tách lớp làm từ bột gạo tạo hiệu ứng họa tiết thanh nhã, mềm mại). 

Dẫu vậy, một số kỹ thuật truyền thống đang trên đà biến mất hoàn toàn, khi nhóm nghệ nhân đương thời không thể tìm được học trò đủ khả năng nối nghiệp. “Nếu nghệ nhân cuối cùng qua đời, một kỹ thuật dệt hoặc nhuộm vải cổ điển sẽ biến mất cùng họ. Thế nhưng Chiso vẫn sẽ không ngừng linh hoạt thích nghi, trong khi duy trì tiêu chí chất lượng và thẩm mỹ” - Vivian Li 
nhận định.   

Thị trường dành cho kimono đang thu hẹp lại, gây nên mối quan ngại khác. Naka lý giải: “Thời nay, không còn nhiều người mặc kimono và đây là kiểu trang phục đặc biệt bạn cần học cách mặc. Trong khi đó, việc mua sắm quần áo đã trở nên rất giản tiện. Song, tôi tin có một sức hút bất tử ở nghệ thuật dệt may truyền thống. Đưa thêm sắc thái hiện đại vào kimono cổ điển, chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục lôi cuốn mọi người”. 

Như Ý (Theo Atlas Obscura

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI