|
Tôi cũng từng thích gây hấn, tranh cãi đúng - sai, khiến gia đình luôn căng thẳng (Ảnh minh họa) |
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp gặp lại Thúy, cô bạn cá tính nhất lớp cấp III. Tôi phát hiện, từ gu ăn mặc, phong thái đến cách Thúy tư duy về cuộc sống đều rất khác xưa.
Trước đây, khi cùng nhau tranh cãi về một vấn đề gì đó, Thúy sẽ rõ ràng đưa ra 1 trong 2 lựa chọn, đúng hoặc sai. Với Thúy, không có điều gì vừa sai vừa đúng. Cũng vì sự cực đoan đó, nên Thúy từng rất ít bạn. Ai đã thích thì chơi với Thúy cực thân, còn nếu không hợp, họ sẽ không bao giờ bắt chuyện.
Lần gặp lại này, Thúy diện trang phục ngọt ngào, nói năng từ tốn. Bạn muốn kể về công việc, gia đình và những niềm vui nhỏ bé hàng ngày.
“Công nhận, chỉ Tiến mới chịu được cậu”, tôi buột miệng. Thúy cười: “Có một sự nhầm lẫn không hề nhẹ ở đây. Không phải Tiến mới là người chịu đựng hay chiều chuộng mình đâu. Ngược lại đấy”.
Gia đình với bạn bây giờ không thể nuôi dưỡng bằng tâm hồn thơ mộng, hẹp hòi, nhiều đòi hỏi như thuở đang yêu. Cuộc sống gia đình theo đúng nghĩa của nó không liên quan đến sự hoàn hảo, mà cần lòng kiên trì, nhẫn nại, sự độ lượng.
Thúy kể: “Mấy năm đầu hôn nhân, Tiến là người đàn ông ham vui, nhiều tật xấu. Thế nhưng mình không chỉ trích, cũng không thích tranh cãi, căng thẳng với chồng. Nếu chồng không hợp tác, chủ động nhận ra cái sai để điều chỉnh thì mình quay vào “điều hòa” lại nhu cầu và kỳ vọng của bản thân. Và may mắn, sự bao dung, chờ đợi ấy đã mang đến kết quả. Khi thấy vợ hiền hòa, chu đáo, anh ấy dần dần nhận ra sức hấp dẫn, sự an toàn của một mái ấm để trở về. Bây giờ, Tiến đã giảm bớt được nhiều thói tật, cùng mình nuôi dạy các con khôn lớn”.
Chia sẻ của Thúy khá trùng khớp với cách giữ lửa hôn nhân ở gia đình tôi. Trước đây, tôi cũng hơn thua với chồng, nhưng sau một vài lần cãi thắng, thấy chồng dần lãnh đạm, chỉ muốn giữ khoảng cách, tôi buộc phải từ bỏ "chứng đôi co" để giảm căng thẳng.
“Trong gia đình, điều chúng ta nên trao nhau nhiều nhất là gì?”, tôi hỏi Thúy.
“Là thời gian. Thời gian để bên cạnh nghe người này cằn nhằn, người kia thổ lộ mong muốn hay sự mệt mỏi. Thời gian để hỗ trợ khi đối phương mở lời nhờ làm giúp cái này cái kia. Thời gian để cùng nhau quan sát sự lớn lên của con cái, để thấu hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau sự đổi thay tích cực hơn hay tiêu cực hơn ở người bạn đời”.
Lời bạn nói giúp tôi nghiệm lại, thời buổi này, dù cùng nhau dưới một mái nhà nhưng vì nhiều lý do nên các thành viên thường lướt qua nhau hơn là sống cùng nhau. Chúng ta không dành thời gian trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhau, dành cho nhau sự quan tâm, chia sẻ nhưng khi gia đình rời rạc, nhàm chán, không hạnh phúc, mỗi người lại rất dễ dàng quay sang đổ lỗi, trách cứ đối phương.
Để nói về mối gắn kết thâm tình, một nhà thơ đã từng viết: “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Tôi tự hỏi, tại sao lại nhớ tiếng cơm sôi, âm thanh đó có gì hay để mà nhớ? Nhưng sau này, khi chính tôi rơi vào tình cảnh phải rời xa quê hương, rời xa vòng tay cha mẹ, tôi mới hiểu, đằng sau tiếng cơm sôi đó là một bức tranh sinh hoạt gia đình rất ấm cúng và đầy đủ.
Đó là bóng dáng thân thuộc của người bà, người mẹ với bộ quần áo bà ba, đó là hình ảnh người cha vừa đi làm đồng về đang cất dọn nông cụ, í ới réo gọi đàn con thơ, đó là căn bếp nhỏ nép mình dưới hàng tre già kẽo kẹt, chiều nào, cứ đến khung giờ đó cũng bảng lảng sương khói và tỏa ra mùi thơm ngào ngạt của mắm muối, dưa cà…
|
Chúng ta sẽ nhớ điều gì nhất khi xa gia đình? (Ảnh minh họa) |
Khi đủ thời gian bên nhau, bất cứ điều gì, dù bình thường, nhỏ bé bao nhiêu cũng sẽ trở thành kỷ niệm. Chúng ăn sâu trong tâm hồn và nuôi dưỡng chúng ta lớn lên, dạy cho ta biết rằng, được trở về bên gia đình, sống cùng người thân là điều vô cùng hạnh phúc, ấm áp.
Thúy kể, mỗi ngày của bạn đều trôi qua nhẹ nhàng. Sau giờ làm, bạn trở về nhà để nấu nướng, chăm sóc con cái, lau dọn nhà cửa. Mọi đồ đạc bên trong ngôi nhà sẽ được tối giản, đồng hóa màu sắc, tạo cảm giác gọn gàng, thư thái cho mọi thành viên khi bước về nhà.
Với bạn, nhà - mặc dù chỉ là một không gian nhỏ hẹp, nhưng bên trong đó là bao la bận rộn và cả những yêu thương. Bạn bận lắng nghe, chia sẻ, bận đồng hành. Thúy cũng chủ động tìm tòi, thay đổi để ngôi nhà mỗi ngày thêm ấm áp.
Thúy nói :"Gia đình chính là nơi mà ta càng cho đi thì điều ta nhận lại càng nhiều".
Minh Thi