Sức hấp dẫn của kịch lịch sử về Tả quân Lê Văn Duyệt

10/04/2024 - 07:03

PNO - Tối 10/4, nhà hát kịch IDECAF sẽ ra mắt vở kịch lịch sử Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử. Khán giả đang chờ đợi, ê kíp vở diễn cũng đang hồi hộp chờ đến giờ công diễn.

Nhiều áp lực

Ra đời trong thời điểm này, Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (kịch bản: Phạm Văn Quý, chỉnh lý: Võ Tử Uyên, đạo diễn: Hoàng Duẩn) mang một ý nghĩa đặc biệt với nhà hát kịch IDECAF. Sau 5 năm, từ đợt tái diễn cuối của vở nhạc kịch Tiên Nga (năm 2019), nhà hát mới lại có một tác phẩm kịch lịch sử bề thế và chỉn chu. Vở diễn sẽ chính thức khởi động chương trình sân khấu Sử Việt học đường đã được ấp ủ trong nhiều năm. Càng khó khăn hơn khi vở ra đời trong giai đoạn nhà hát kịch IDECAF cải tổ toàn diện, không còn một số nghệ sĩ trụ cột là “ngôi sao bán vé”.

Đình Toàn (giữa) trong vai Tả quân Lê Văn Duyệt
Đình Toàn (giữa) trong vai Tả quân Lê Văn Duyệt

Tuy nhiên, áp lực từ “bài toán kinh tế” không thể so được với việc “giữ thương hiệu” một sân khấu với bề dày 27 năm. IDECAF phải tiếp tục tạo ra những tác phẩm chất lượng. “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn đặt trọn niềm tin vào những người đã ở lại, cũng như những người mới đến cùng mình trong giai đoạn khó khăn.

Từ ý nghĩa đó, dàn diễn viên - những người trực tiếp đưa tác phẩm đến công chúng đã “mất ăn mất ngủ”. Gắn bó với nhà hát kịch IDECAF suốt 27 năm, Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Duyên vẫn xem đây như “tác phẩm tốt nghiệp”, nôn nao chờ ngày chính thức ra mắt khán giả. Căng thẳng nhất là Đình Toàn khi anh không chỉ đảm nhận vai chính - Tả quân Lê Văn Duyệt - mà còn là người chịu trách nhiệm nghệ thuật của nhà hát.

Ở vai trò nào, áp lực cũng nặng nề. Theo Đình Toàn, khác các nhân vật trong truyền thuyết lịch sử hay từ triều đại xa xôi không rõ nhân dạng, Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời chưa đến 200 năm, còn nguyên lăng mộ và đền thờ, rất nhiều sử liệu để lại. Hình ảnh được họa lại của ông cũng đã định hình trong mắt người dân Gia Định - TPHCM bao đời nay. Chưa bàn tới thần thái hay diễn xuất, ngay nhân dạng có giống hay không đã là áp lực…

Đạo diễn Hoàng Duẩn lại đối mặt với áp lực phải “tự làm mới chính mình”. Đây đã là lần thứ ba anh dàn dựng kịch bản này, cả kịch nói lẫn cải lương.

Vượt lên chính mình

1 năm trước khi lên sàn tập, đội ngũ sáng tạo của IDECAF đã lặn lội ra Huế tìm chất liệu thiết kế bối cảnh, phục trang, đạo cụ… Toàn bộ phục trang được đặt may từ xưởng chuyên chế tác cổ phục triều Nguyễn ở Huế sẽ mang đến hiệu ứng thị giác rất cao cho vở diễn. Với chương trình sân khấu Sử Việt học đường, nhà hát kịch IDECAF chủ trương bám sát không gian lịch sử - văn hóa cụ thể với tiêu chí “đúng rồi mới đẹp”.

Lê Văn Duyệt vấn tội Huỳnh Công Lý là lớp diễn rất hấp dẫn.
Lê Văn Duyệt vấn tội Huỳnh Công Lý là lớp diễn rất hấp dẫn

Với một kịch bản đậm tính chính luận như Người mang 9 án tử, không dễ để đẩy kịch tính nhưng đạo diễn Hoàng Duẩn đã tìm được “chìa khóa”. Được sự hỗ trợ của tác giả Võ Tử Uyên, kịch bản được chỉnh lý nhiều, giúp đào sâu cá tính, tâm lý, suy nghĩ và hành động của từng nhân vật; từ đó, tô đậm đường dây câu chuyện và nêu bật hình ảnh vị tổng trấn tài ba của thành Gia Định. Chân dung Lê Văn Duyệt không chỉ hiện lên qua công trạng, hành động được khắc họa trong vở diễn mà còn qua hàng loạt cuộc đối thoại với các nhân vật: vua Minh Mạng, Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý, sứ giả Chân Lạp, phu nhân Đỗ Thị Phận, con nuôi Lê Văn Khôi… Mỗi cuộc đối thoại giúp người xem khám phá một phần nội tâm, cá tính, tư tưởng của người đã để lại di sản đồ sộ cho vùng đất mới phía Nam.

Huỳnh Công Lý vốn là nhân vật phản diện một chiều, hoàn toàn không phải là vai khó với Đại Nghĩa. Nhưng anh đã tìm cách thể hiện để không rơi vào lối mòn của các vai gian thần thông thường. “Huỳnh Công Lý xuất thân là quan võ cho nên vẫn phải có sự mạnh mẽ, dũng lược về ngoại hình. Trước khi trở thành người có tội với nhân dân, ông ta cũng từng có công. Làm sao thể hiện cái ranh giới của một ông tướng dũng mãnh ngày trước và bây giờ bị tha hóa cũng làm tôi trăn trở nhiều” - Đại Nghĩa chia sẻ.

Vai Tả quân Lê Văn Duyệt chắc chắn là dấu ấn lớn trong sự nghiệp của Đình Toàn. Anh trăn trở nhất là làm sao thể hiện được trọn vẹn nhân vật mình ngưỡng mộ, lại rất quen thuộc. Nhà ở gần Lăng Ông Bà Chiểu, từ nhỏ, anh thường qua chơi và nghe kể nhiều giai thoại về sự linh thiêng của Tả quân Lê Văn Duyệt.

“Lê Văn Duyệt của Người mang 9 án tử là nhân vật có nhiều nỗi niềm. Tôi cũng chọn cách diễn trầm tĩnh hơn. Từng câu thoại, bước đi, động tác tay chân đều phải tính toán để thể hiện một người cân nhắc, đong đếm thâm sâu từng vấn đề, nhưng đã quyết là không ai cản được, kể cả nhà vua” - Đình Toàn phân tích.

Đặc biệt, “cái tình” giữa Lê Văn Duyệt và vợ - điều khá mờ nhạt ở các vở diễn cùng đề tài - cũng được chú tâm khai thác. “Tôi thích lớp diễn ông bà tâm sự cùng nhau. Ông cảm nghĩa ân tình của bà và hẹn “những thiệt thòi của kiếp này, xin nguyện đền đáp ở kiếp sau”. Tôi muốn khắc họa sâu cái tình đậm đà này, vì một người yêu nước thương dân như ông thì phải rất yêu người ở bên cạnh mình” - Đình Toàn chia sẻ.

Với các vai Lê Văn Duyệt và Huỳnh Công Lý, Đình Toàn và Đại Nghĩa tiếp tục bổ sung cho mình vai diễn hay trong sự nghiệp, khẳng định vai trò trụ cột, là điểm tựa truyền cảm hứng cho lớp diễn viên mới tại nhà hát kịch IDECAF. Bên cạnh đó, các diễn viên Quang Thảo, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Hòa Hiệp, Quốc Thịnh… cũng hóa thân với tất cả sự chuyên nghiệp lẫn tình yêu đối với lịch sử nước nhà.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI