Sức ép cạnh tranh công nghệ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

15/05/2019 - 10:00

PNO - Những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ảnh hưởng trực tiếp lên thị trường với những phiên chứng khoán lao dốc. Thực chất, phía sau những đòn “hơn thua” ấy là gì?

Mỹ chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc cùng với việc vòng đàm phán thương mại song phương kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Chưa hết, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ còn tuyên bố rắn sẽ bắt đầu lấy ý kiến về việc đánh thuế lên khối hàng hóa xấp xỉ 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Suc ep canh tranh cong nghe trong cuoc chien thuong mai My - Trung
Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành cường quốc công nghệ của thế giới vào năm 2049

Trung Quốc ngay lập tức có động thái đáp trả, tuyên bố sẽ áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ ngày 1/6 tới. Thị trường thế giới những ngày qua không ngừng xáo trộn với những dự đoán xấu ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng. 

Phía sau những đòn “hơn thua” ấy chính là nỗ lực từ Mỹ nhằm kìm chân ngành công nghệ Trung Quốc đang phát triển với tham vọng thâu tóm thị trường toàn cầu.

Bắc Kinh không ngừng nỗ lực giữ cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức ổn định mặc dù xuất khẩu sang Mỹ giảm bằng cách kích cầu trong nước. Số liệu từ Trung Quốc cho thấy, trong tháng Tư (ở thời điểm lo lắng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang), xuất khẩu từ Trung Quốc giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 13%. Một thực tế không thể phủ nhận là xuất khẩu các mặt hàng công nghệ từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 40%. Đây là tin xấu với giới phát triển sản phẩm công nghệ của Trung Quốc vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực nghiên cứu công nghệ vốn được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem là mũi nhọn của nước này. 

Từ năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã công bố mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ của thế giới vào năm 2049. Những thể hiện vượt trội của Bắc Kinh thời gian gần đây trong ngành sản xuất robot, trí tuệ nhân tạo, xe điện, công nghệ bán dẫn cũng như hàng loạt sản phẩm công nghệ khác đều cho thấy rõ tham vọng của quốc gia này. 

Mặc cho Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản không ngừng lên tiếng chỉ trích việc các công ty Trung Quốc “mượn nhầm” công nghệ hiện đại bậc nhất của họ, Trung Quốc vẫn không khoan nhượng trong cuộc đua này. Bởi đơn giản, Trung Quốc không thể mãi là công xưởng giá rẻ của thế giới khi các nhà sản xuất đã tìm thấy nơi có nguồn nhân công giá rẻ hơn ở các quốc gia đang phát triển khác. Chính phủ và các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang tập trung rót tiền vào nghiên cứu. Trong năm 2018, Huawei chi đến 15,3 tỷ USD cho nhiệm vụ phát triển sản phẩm, mức chi đậm hơn cả Microsoft (14,7 tỷ USD) hay Apple (14,2 tỷ USD).

Cách của Tổng thống Trump nhắm vào trừng phạt thuế nghe có vẻ đao to búa lớn nhưng thực chất lại thiếu một lộ trình cụ thể. Việc áp thuế thực tế chỉ là biện pháp “chữa cháy”. 

Cái mà chính quyền Tổng thống Trump thiếu hụt là có một chính sách lâu dài hỗ trợ nghiên cứu công nghệ trong bối cảnh các nghiêu cứu công nghệ ở Trung Quốc chưa bao giờ rầm rộ như hiện nay. 

Trong Thông điệp liên bang tháng 2/2019, Tổng thống Trump khá mơ hồ khi chỉ nhắc “đầu tư cho các ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai”. Mọi người hiểu điều ông Trump muốn là tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy sản xuất dầu, khí đốt. Nhưng, Tổng thống Mỹ đã quên nhắc đến từ khóa rất quan trọng, chính là “công nghệ”. Đó mới là thứ mà Mỹ cần trang bị nếu không muốn Trung Quốc vượt mặt.

Anh Thông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI