Rộ phẫu thuật thẩm mỹ phong thủy
Tự nhận mình là “người chơi hệ tâm linh” nên khi thấy việc kinh doanh không suôn sẻ, chị T.A.D. (38 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM) liền tìm cách “hóa giải”. Ngoài trồng thêm cây, đặt đá lửa bên trong nhà, chị còn tìm đến người xem tướng số. Thầy nói chị buôn bán trục trặc là vì đôi tai đang… chuyển biến nhỏ đi. Chị D. tin ngay, bởi đầu năm chị bị… viêm tai giữa nặng, phải nhập viện điều trị.
|
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM thăm khám cho bệnh nhân bị biến chứng vùng mặt do được phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở không có chuyên môn |
Nghe bạn bè giới thiệu, chị D. tìm đến một tiệm chuyên cắt tóc, mát xa để… sửa dáng tai. Chị kể: “Chị chủ khá am hiểu về phong thủy, tướng số, cho rằng tôi cần tiêm filler (chất làm đầy) vào dái tai tạo hình “tai Phật” cầu may mắn, giúp hóa giải khó khăn, làm ăn phát tài. Có rất nhiều người giàu lên khi chỉ cần chỉnh tai Phật. Tôi nghe vậy nên đồng ý làm”.
Để an toàn, không đau và sử dụng filler tốt, chị D. chọn gói 20 triệu đồng, được bảo hành 12 tháng. Trong lúc tiêm filler, chủ tiệm gợi ý cánh mũi chị D. bị hẹp, đường sống mũi không thẳng, tiền có vào cũng không giữ được.
Theo nhân tướng học, người có cánh mũi hẹp khó thành công vì khiến đối tác cảm thấy không yên tâm khi làm ăn chung. Thấy chủ tiệm nói đúng với tình trạng kinh doanh hiện tại, chị D. tiếp tục đồng ý sửa cánh mũi giá 15 triệu đồng.
“Chưa kịp vui vì có tai Phật, cánh mũi chiêu tiền, 3 ngày sau, vùng dái tai của tôi đau nhức, rỉ dịch. Tôi ra tiệm thuốc tây mua thuốc kháng sinh, kháng viêm và uống như chủ tiệm hướng dẫn nhưng dái tai 2 bên vẫn bị sưng to, đỏ tấy, mũi căng tức phải vào Bệnh viện Đại học y dược TPHCM điều trị” - chị chia sẻ.
Theo bác sĩ, chị D. không được tiêm đúng kỹ thuật, bị tắc mạch máu, nhiễm trùng, hoại tử khu vực tiêm. Bác sĩ đã vệ sinh, cắt lọc mô hoại tử, loại bỏ chất làm đầy, đợi khi lành vết thương sẽ xử lý sẹo xấu. Còn tổn thương ở cánh mũi buộc phải điều trị tiếp bởi cũng đang có dấu hiệu nhiễm trùng.
Với chị H.T.C.B. (46 tuổi, ở quận 5, TPHCM) thì gia đình đang gặp chuyện không vui. Vì vậy khi nghe chủ một cơ sở làm đẹp “phán” do gò má chị hóp phá tướng hậu vận, trán nhiều nếp nhăn khiến mất phúc khí, không sinh lộc… chị tin răm rắp.
Để sửa tướng đổi vận, chị B. được tư vấn bơm nước muối sinh lý vào trán để chiêu tài lộc, gia đạo êm ấm, tiêm tế bào gốc trị má hóp, tạo rãnh cười, má lúm tăng may mắn, mua may bán đắt. Mặc dù con gái ra sức ngăn cản, chị B. vẫn chi hơn 17 triệu đồng để “thay đổi vận mệnh”.
“Mới sửa tướng chưa đầy 1 tuần, mẹ tôi đã bị sưng nề, chảy dịch 2 bên má, da nhăn, đen lại rất đáng sợ phải vào bệnh viện cấp cứu. Giàu, êm ấm đâu chưa thấy, chỉ thấy nằm bệnh viện hơn 2 tuần nay. Cha tôi thêm bực tức, không khí gia đình căng thẳng, mệt mỏi” - con gái của chị B. nói.
Coi chừng tiền mất, tật mang
Theo bác sĩ Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - trong y khoa, chỉnh sửa tai thường được chỉ định khi dái tai bị lão hóa, nhiều nếp gấp, chảy xệ, dái tai quá dài, bị rũ, người bị khuyết dái tai…
Để điều trị, bệnh nhân sẽ được tiêm, cấy mỡ giúp đôi tai đầy đặn, tăng thể tích vùng tai. Quan niệm có “tai Phật” sẽ được nhiều phúc khí, tài lộc chỉ để giải tỏa tâm lý cho người làm đẹp được yên tâm trong kinh doanh, cuộc sống, chứ mang lại vận may, phát tài thì chưa có cơ sở khẳng định. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng, cố gắng tạo hình dái tai to, đầy sẽ dễ đối mặt với nhiều biến chứng.
“Ngoài bảo đảm vô trùng thì kỹ thuật tiêm chất làm đầy, cấy mỡ… phải tốt, được xử lý kỹ; dung tích tiêm phù hợp với cấu trúc tai, không tiêm quá nhiều dễ dẫn đến biến chứng thẩm mỹ. Lúc này, người bệnh sẽ bị sưng đau, phù nề, nặng hơn là nhiễm trùng, tắc mạch máu, hoại tử da… Chưa kể đến nguy cơ sốc thuốc gây mê, gây tê rất nguy hiểm” - bác sĩ Lê Vi Anh cho biết.
Một khi bị biến chứng, người bệnh sẽ rất lo lắng, sợ hãi, dễ gặp các vấn đề về tâm lý, tốn kém chi phí điều trị, một vài trường hợp không được tạo hình như mong muốn mà còn để lại sẹo vĩnh viễn.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lư Huỳnh Thanh Thảo - Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, ngày nay không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng có nhu cầu chỉnh sửa. Bên cạnh cải thiện nhan sắc, nhiều người còn mong cầu sự thuận lợi, thành đạt, đặc biệt là giàu có.
Tuy nhiên, điểm chung của đa số bệnh nhân là thường không vào bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ mà chỉnh sửa ở các cơ sở không phép, hoạt động chui, hay qua người thân, quen giới thiệu. Ở những cơ sở này, người thực hiện thủ thuật không phải bác sĩ, không biết kỹ thuật tiêm… nhưng thường đánh vào tâm lý ham rẻ, sửa tướng nhanh của người đi
làm đẹp.
Các phương pháp điều trị như tiêm tan mỡ, phẫu thuật, săn chắc da… nếu muốn thành công, hiệu quả lâu dài thì cần nhiều thời gian, theo từng giai đoạn bởi cơ thể và vùng da làm cũng cần có thời gian nghỉ dưỡng, nên khó để đáp ứng nhu cầu “tức thì” của khách hàng.
Gia đình êm ấm đến từ tính cách cũng như cách hành xử, yêu thương của các thành viên trong gia đình. Tài lộc, kinh doanh thuận lợi hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, uy tín, phấn đấu… của bản thân chứ không phải nhờ “tai Phật”, “má đầy”, cung chân mày “nịnh tài”… như các quảng cáo.
“Nếu có nhu cầu làm đẹp, mọi người nên tìm hiểu kỹ, cơ sở làm đẹp phải có giấy phép hoạt động, bác sĩ có tay nghề, được cấp chứng chỉ hành nghề, hạng mục được thực hiện… Đừng vội tin theo các quảng cáo giá rẻ kẻo chưa thấy giàu có, hạnh phúc đã phải tiền mất, tật mang” - bác sĩ Lư Huỳnh Thanh Thảo khuyến cáo.
Một khi đã thực hiện thẩm mỹ mà có các dấu hiệu bất thường, biến chứng, nhiễm trùng, người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị mà hãy đến gặp bác sĩ để kịp thời được điều trị, hạn chế biến chứng, tai biến, hay tổn thương không thể hồi phục.
Phạm An