Từ "sữa tươi tiệt trùng 100%" bán lề đường
Hình thức sữa tươi vừa vắt bán lề đường đã có từ lâu ở TP.HCM, sau một thời gian lắng xuống nay đang rộ trở lại. Để tạo niềm tin “sữa an toàn cho sức khỏe” với người tiêu dùng, các điểm bán thường treo những bảng thông báo như: “sữa tươi tiệt trùng 100%”, “sữa tươi nguyên chất từ bò nhà”…
Trước cổng chợ Thái Bình (Q.1) mới đây đã xuất hiện một điểm bán sữa tươi vừa vắt rất thu hút khách đi chợ. Sữa đựng trong chai nhựa tái chế, giá 10.000đ/chai, không có nhãn mác. Sữa còn được chủ cửa hàng nấu sôi, thêm đường, ướp lạnh, uống ngay tại chỗ. Mỗi ngày điểm này bán được khoảng 100-300 chai, thu hút khách vì giá rẻ hơn những nơi khác từ 2.000-3.000đ/chai, lại cam đoan đã được “tiệt trùng 100%”.
|
Sữa tươi vắt tại nhà, chỉ nấu qua nước sôi nhưng được người bán treo bảng “sữa tươi tiệt trùng 100%” |
Tại một quán cơm trên đường Cao Thắng (Q.3) cũng treo bảng “sữa tự vắt, đã tiệt trùng”, giá 12.000đ/chai. Do quán gần Trường quốc tế Á Châu nên bán được cho học sinh khá nhiều. Chị Liên, có con học tại trường này cho biết, trước đây chị thường mua sữa tươi đóng hộp sẵn cho con uống, nhưng từ khi thấy quán này có bán sữa tự vắt, uống có cảm giác ngon, béo hơn sữa hộp, chủ tiệm lại bảo đảm đã “tiệt trùng” kỹ, không chất bảo quản, nên chị yên tâm sử dụng.
Chính cụm từ “tiệt trùng 100%” đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhiều người cứ nghĩ, sữa này đã được tiệt trùng tương tự các loại sữa tươi dạng hộp, bịch đang lưu thông trên thị trường, có qua công nghệ xử lý bằng máy móc. Thực ra, sữa chỉ được lọc qua bằng rây để bỏ cặn, chất dơ, sau đó đun sôi, thêm đường, để nguội, ướp lạnh là thành… sữa “tiệt trùng”.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phương pháp nấu sôi, đem ướp lạnh ngay chỉ là thanh trùng chứ không phải tiệt trùng. Sữa thanh trùng tuy giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhưng kém an toàn hơn sữa tiệt trùng vì có thể chưa loại bỏ hết vi khuẩn; khó bảo quản hơn, hạn sử dụng ngắn hơn.
Cũng do vậy nên sữa tươi vừa vắt sau khi đun sôi phải làm lạnh càng nhanh càng tốt để vi khuẩn chưa chết không có điều kiện sinh sôi, phát triển. Tuy nhiên, do các mối vắt sữa sau khi đun sôi, để nguội rồi mới đem giao, khoảng thời gian từ lúc sữa được đun sôi đến các cửa hàng nhỏ lẻ khoảng banăm tiếng, nên vẫn không bảo đảm an toàn.
Tầm 12g trưa, cách hai-ba ngày, trước cổng chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), là có một phụ nữ chạy xe máy đến giao sữa tươi vừa vắt. Trên chiếc xe là hàng trăm chai sữa trắng tinh chất đầy trong các giỏ và treo lủng lẳng hai bên. Chị L., người giao sữa, cho biết, các điểm mua sữa chủ yếu là quán cà phê, quán cơm, chỉ bán phụ thêm nên không muốn tốn công nấu, chị kiêm luôn việc nấu, đóng chai, rồi đem giao.
Chúng tôi ngỏ ý muốn lấy sữa tươi vừa vắt về nấu bán lại, chị L. cho địa chỉ lấy sữa tại đường Thành Thái (Q.Tân Bình), nhưng không cho biết trang trại bò nằm ở đâu. Tại đây, hàng trăm chai sữa chất đầy trong tủ mát, rất nhiều bịch sữa để ở góc tường (sữa chưa nấu - PV) chờ đem giao. Nếu mua sữa chưa nấu giá 28.000đ/lít, mua 5 lít giá 25.000đ/lít, mua 10 lít giá 22.000đ/lít; sữa đã nấu giá 30.000đ/lít.
Đến trường học, nhà hàng, quán ăn...
Sau nhiều ngày theo chân chị L., chúng tôi tìm được nơi chị lấy sữa là một trang trại bò tại H.Hóc Môn. Bà H., chủ trang trại cho biết, ngày nào bà cũng đưa ra thị trường khoảng 600 lít sữa, chủ yếu cung cấp cho các quán cơm chay, quán phở, nhà hàng lẩu bò Q.K (Q.1)… Với sữa chưa nấu, nếu lấy ít có giá 18.000đ/lít, lấy sỉ còn 15.000đ/ lít; riêng sữa đã được nấu chín giá 25.000đ/lít, đóng sẵn chai giá 9.000đ/chai.
Đặt mua 10 lít sữa chưa nấu, chúng tôi được bà H. dẫn đến trang trại. Trại có hơn 30 con bò nhưng chỉ có một máy vắt, còn lại đều vắt bằng tay. “Bò nhiều, bình thường vắt máy, nhưng hôm nay vắt trễ, phải vắt thêm bằng tay cho kịp” - bà H. giải thích.
Trong lúc hai người đàn ông đang vắt sữa, một người phụ nữ lại cầm ống xịt nước cho sạch phân dưới nền chuồng. Nước, phân bắn tung tóe vào các thùng sữa… Dưới nền đất đẫm nước, người đàn ông cởi trần, người đầy mồ hôi, ngồi chồm hổm vắt sữa bằng tay, bên cạnh là ba chiếc thùng nhựa không hề được che chắn (hai thùng đựng sữa, một thùng đựng nước rửa tay). Trên vành thùng đen sì, cáu bẩn; bên hông thùng bám đầy đất, phân bò. Đôi bàn tay trần thoăn thoắt vắt sữa, thỉnh thoảng lại quẹt mồ hôi, rồi đập bôm bốm vào hông bò cho chúng đứng yên. Cũng đôi bàn tay trần đó, sau khi vắt được sữa lại bê thùng đem đi lọc cặn.
|
Một người đàn ông vắt sữa bằng tay, sữa đựng trong các thùng nhựa cáu bẩn, dính đầy đất |
Tại khu lọc, có bốn thùng nhôm (loại 50 lít) đặt trực tiếp dưới nền đất tèm nhem nước, vương vãi sữa, thu hút không ít ruồi nhặng. Những thùng nhôm này không biết đã đựng bao nhiêu đợt sữa mà trên nắp dính sữa nhem nhuốc; miệng thùng còn để quặng, lưới lọc, vương đầy tóc, lông bò, đất… Sau khi lọc, một số bình sữa được đưa đi nấu, số khác mang đi giao.
Trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp), có một điểm bán sữa tươi vừa vắt cung ứng đến 1.000 lít sữa/ngày. Ông T. chủ trang trại này cho biết, trại có cả trăm con bò nên không có thời gian đi giao, người mua phải tự đến lấy. Trại hiện cung cấp cho hệ thống trà sữa A.K.Đ., phở L., cửa hàng bánh S.K (Q.3)… mỗi nơi lấy từ 20-30 lít/ngày.
Ông T. bảo đảm, sữa không kháng sinh, không hóa chất. Đáng ngạc nhiên là ngay trung tâm TP.HCM nhưng ông T. vẫn nuôi được hàng trăm con bò. Sáu giờ sáng ngày 3/11, tại trại ông T., sữa vắt xong là có người đến mua, trễ một chút thì không còn để bán. Người mua không được vào trại vì cổng luôn đóng kín. Sau khi mua sữa, thấy cổng mở hờ, vừa ló đầu vào chúng tôi bị một nam thanh niên đuổi ngay: “Chị mua gì cứ đứng bên ngoài gọi, không được vào trong”.
Ngay trước cổng ra vào trại, chúng tôi thấy có hàng trăm bao hèm bia để cho bò ăn đang chảy nước lênh láng, bốc mùi chua loét. Vòng ra phía sau trại, lại thấy mùi phân bò nồng nặc, nhưng quanh trại đều rào kín, người ngoài không thể nhìn thấy những hoạt động bên trong.
Chúng tôi dựng xe máy sát tường, trèo lên yên xe ngó vào thì thấy bên trong rất lộn xộn, chuồng bò tối tăm, có khoảng ba nhân công đang ở trần, vừa hút thuốc vừa vắt vữa. Ngoài sân là hai phụ nữ đang múc sữa cho vào bọc cân ký; quanh họ ngổn ngang thau, thùng, dưới nền đất đầy bã sữa.
Tại một điểm bán sữa tươi vừa vắt trên đường Trường Thịnh (Q.12), người bán cho biết không chỉ cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng, mà sữa tại trang trại còn được giao cho các trường học trong quận; nhưng trường nào thì chủ trại không nói cụ thể.
BS Lê Văn Nhân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, theo quy định thì không được chăn nuôi trong khu dân cư vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi ở vùng ven nói chung, đa số đã nuôi bò từ gần 20 năm trước, khi tốc độ đô thị hóa chưa cao, người chưa ở đông đúc như hiện nay, nên không thể một sớm, một chiều có thể buộc di dời được.
Vì vậy, nếu vùng chưa có quy hoạch và vẫn cho chăn nuôi thì không thể cấm được. Ngược lại, nếu vùng đã có quy hoạch không cho chăn nuôi thì dù đã nuôi được 20-30 năm cũng phải chấm dứt. Thực tế, dù có thể xử lý theo hình thức biogas nhưng hàng ngày lượng phân bò, nước thải chảy ra rất nhiều, cộng với thức ăn từ hèm bia, thức ăn lên men… nên không thể không phát tán ra ngoài. Nếu không xử lý triệt để sẽ phát sinh ruồi, muỗi, dòi, bọ, phát tán mầm bệnh.
TS-BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy cho biết, sữa thanh trùng từ các trang trại xét về độ an toàn thì không bằng sữa tươi tiệt trùng tại các nhà máy. Ở các nhà máy, sữa tiệt trùng được đóng gói trong điều kiện hoàn toàn vô trùng; trong khi ở các trang trại thì một số người dùng tay để vắt, nên dễ làm sữa nhiễm khuẩn, việc đổ sữa vào chai lọ, đóng thành phẩm cũng thực hiện thủ công.
Khoảng thời gian rót sữa vào bình không đảm bảo được vô trùng, vi khuẩn có thể xâm nhập. Sữa từ các trang trại đựng bằng can, chai thủy tinh, chai nhựa... cũng không đảm bảo được thanh trùng 100% như các nhà máy, vẫn có thể có vi khuẩn.
Thanh Hoa