Sữa ngoại - Tiếp tục nhập nhằng nhãn mác

25/04/2013 - 06:35

PNO - PN - Từ vụ sữa dê Danlait, không ít người tiêu dùng hoang mang với ma trận sữa nhập khẩu và sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin của nhiều hãng sữa hiện nay.

Sua ngoai - Tiep tuc nhap nhang nhan mac

Ảnh minh họa: Lao Động

Danlait chỉ sai sót về nhãn phụ

Sáng 23/4, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã tổ chức họp báo để thông tin chính thức tới báo giới và người tiêu dùng (NTD). Đại diện công ty Mạnh Cầm khẳng định, sản phẩm “thực phẩm bổ sung: sữa dê Danlait” do công ty nhập khẩu và phân phối hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng và có nguồn gốc nhập khẩu minh bạch. Theo đó, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm nghiệm các mẫu sữa do Đội Quản lý thị trường số 12 cung cấp. Kết quả, hàm lượng protein của mẫu sữa dê Danlait 1 là 13,4% (thông số in trên nhãn là 12,8%), hàm lượng protein của mẫu sữa dê Danlait 2 là 17,4% (thông số in trên nhãn là 17,5%), hàm lượng protein của mẫu sữa dê Danlait 3 là 18% (thông số in trên nhãn là 18%). Sản phẩm cũng được Phó Tổng cục trưởng - Vụ Điều phối các vấn đề an toàn vệ sinh của Pháp xác nhận với Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Việt Nam là sản phẩm do Công ty FIT của Pháp xuất đi trực tiếp, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của Vụ này cung cấp.

Lỗi duy nhất trong vụ việc này được phía Công ty Mạnh Cầm lý giải: “Do mới tham gia thị trường, còn non trẻ, Mạnh Cầm đã mắc phải một số sai sót như cung cấp thông tin trên nhãn phụ chưa đầy đủ. Trên các sản phẩm mới hiện nay, toàn bộ phần nhãn mác đã được thay đổi theo quy định”.

Ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra kết luận, theo luật Việt Nam, đây là sản phẩm bổ sung, tức thực phẩm chức năng. Sản phẩm được nhập khẩu từ Pháp, tuy nhiên, nhãn hiệu Danlait do doanh nghiệp tự đặt tên. (Hay nói cách khác, sản phẩm sữa Danlait là do Công ty FIT tại Pháp sản xuất và đóng gói để xuất khẩu cho Công ty TNHH Mạnh Cầm. Hiện nay, nhãn hiệu Danlait thuộc quyền sở hữu của Mạnh Cầm chứ không phải của FIT - PV). Theo ông Giang, đối với tên và thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp có quyền tự đặt theo nguyên tắc không để NTD hiểu sai, không vi phạm bản quyền của sản phẩm khác. Cho đến nay, sản phẩm Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm chỉ sai sót trong việc ghi nhãn phụ.

Mất niềm tin vào sữa ngoại

Mặc dù cơ quan chức năng và Công ty TNHH Mạnh Cầm đã công bố kết luận về sản phẩm thực phẩm bổ sung, sữa dê Danlait là đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thông qua vụ việc lùm xùm này, ít nhiều NTD đã mất niềm tin với sữa nhập khẩu.

Tại cuộc họp báo, không ít câu hỏi chưa nhận được lời giải đáp thỏa đáng. Liên quan tới việc Luật của Liên minh châu Âu (Directive 2006/141/EC) chưa cho phép sản xuất và buôn bán các sản phẩm sữa công thức có nguồn gốc từ sữa dê cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, tại sao sản phẩm Danlait của Mạnh Cầm lại có giấy chứng nhận “được buôn bán rộng rãi tại nước bản địa” để cấp phép nhập khẩu? Phía Công ty Mạnh Cầm cho biết, ngày 15/3/2012, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đã công bố sữa dê là nguồn protein phù hợp để sản xuất sữa cho trẻ em. Tuy nhiên, dễ dàng thấy nghịch lý, ngay từ tháng 2/2012, Mạnh Cầm đã có sản phẩm Danlait phân phối tại Việt Nam kèm theo loại giấy chứng nhận trên. Phía cơ quan chức năng, ông Lê Văn Giang cho rằng, Cục đã làm đúng trách nhiệm, “giấy chứng nhận được buôn bán rộng rãi tại nước bản địa” của Pháp cấp cho sản phẩm Baby Goat Milk và Vụ Điều phối các vấn đề an toàn vệ sinh của Pháp đã xác nhận loại sữa này và Danlait là một, nên nếu có sai ở đây thì lỗi thuộc về… cơ quan cao nhất quản lý về thực phẩm của Pháp!

Trước đó, việc Viện Pasteur TP.HCM công bố sai sót trong kết quả kiểm nghiệm về lượng đạm trong sữa dê Danlait cũng khiến vụ việc càng trở nên rối rắm. Theo Viện Pasteur, kết quả chính xác cho thấy chỉ tiêu protein của sữa dê Danlait là 13,2%, chứ không phải là 4,13% như thông báo ban đầu. Viện đã nhầm lẫn trong tính toán kết quả cuối cùng (không chia cho khối lượng mẫu cân) và đánh máy nhầm phương pháp kiểm nghiệm. Chị Cao Ngân Hà, NTD đầu tiên nêu lên nhiều nghi vấn xung quanh sản phẩm Danlait cho rằng, bản thân chị và nhiều NTD không bằng lòng với cách giải thích này, bởi sau khi đưa ra thông báo sai sót, Viện Pasteur không tiến hành kiểm tra lại mẫu sữa. Chị Hà cho biết, nhiều NTD đã cùng thống nhất sẽ tiếp tục đem sản phẩm đi kiểm nghiệm tại đơn vị khác để tìm hiểu họ đang dùng sản phẩm có chất lượng ra sao cho con em.

Điều đáng nói là, trong khi sản phẩm Danlait còn nhiều tranh cãi thì liên tiếp nhiều nhãn hàng đã bị phanh phui về nguồn gốc, xuất xứ. Điển hình gần đây là vụ việc sữa dê Mỹ GmB sản xuất tại… Việt Nam. Cơ quan chức năng đã xác nhận, Công ty TNHH quốc tế Đại Hùng Tinh (trụ sở tại đường Nguyễn Xiển, Q.9, TP.HCM) đã quảng cáo sữa dê GmB do Công ty GmB Food của Mỹ, sản xuất tại Hà Lan và nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này đã nhập nguyên liệu sản xuất sữa bột từ Hà Lan, Malaysia và thực hiện đóng hộp tại Việt Nam. Không chỉ lừa đảo về nguồn gốc, một loạt chỉ tiêu về năng lượng, protein, DHA… trong sữa cũng không được đảm bảo.

Với hàng loạt gian dối này, nếu NTD không tự phát hiện, truyền thông không phanh phui, thì có lẽ không biết tới bao giờ sự việc mới được làm sáng tỏ. Bởi vậy, dù phải bỏ không ít tiền, song nhiều phụ huynh vẫn khốn khổ trong việc tìm ra loại sữa đáng tin cậy cho con em chứ không phải những sản phẩm “treo đầu dê, bán thịt chó”.

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI