Trong nhiều chính sách về y tế, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2014 đã mang lại nhiều đổi thay trong chính sách bảo hiểm y tế, giúp người dân tiếp cận với y tế kỹ thuật cao khi đưa ra quy định thông tuyến huyện vào 1/1/2016 và mới đây là thông tuyến tỉnh vào ngày 1/1/2021.
Do tác động của nhiều yếu tố về kinh tế xã hội, các nút thắt về BHYT đang dần được tháo gỡ khi điều kiện sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Để làm rõ hơn bức tranh xây dựng - sửa luật về BHYT, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông từng tham gia xây dựng Luật BHYT năm 2008, Luật BHYT sửa đổi năm 2014. Hiện ông là chuyên gia cho tổ biên tập dự thảo Luật BHYT sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2022.
|
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - Ảnh: TTXVN |
Y tế - liệu có phải là nẻo đường đi lui?
Phóng viên: Thưa ông, ông nghĩ sao về việc tỷ lệ tiền túi của hộ gia đình bỏ ra để được chăm sóc y tế tăng dần từ 39% năm 2014 lên 42,2% năm 2020?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên: Đây là bước thụt lùi. Ở các nước khác, tiền túi phải chi cho dịch vụ y tế của người dân càng ngày càng ít đi; ngân sách chi cho chăm sóc y tế ngày càng tăng lên. Còn mình thì ngược lại. Ngân sách Nhà nước chi cho y tế ở nhiều nước đạt mức trên 10%, như Thái Lan là 16%, Trung Quốc khoảng 10%.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị, số tiền túi người dân chi ra cho chăm sóc sức khỏe bản thân nên là dưới 30% thì mới có thể đạt công bằng trong y tế. Nếu trên 30% là không công bằng trong chăm sóc y tế, tức là giàu, nghèo được chăm sóc chữa trị khác nhau rõ ràng.
* Như vậy, theo quan điểm của ông, phải tăng chi ngân sách để chăm lo cho sức khỏe người dân?
- Đúng vậy. Đảng và Nhà nước đã xác định, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển và phải giảm chi tiền túi cho việc chăm sóc sức khỏe (CSSK), Quốc hội đã ban hành nghị quyết xác định hàng năm tăng chi ngân sách cho y tế cao hơn mức tăng chi ngân sách bình quân; vả lại Nhà nước thu thuế của người dân thì phải chăm lo cho sức khỏe và các hoạt động an sinh xã hội khác cho người dân.
|
Người dân đăng ký khám bảo hiểm y tế tại TPHCM - Ảnh: Hiếu Nguyễn |
* Có rất nhiều điểm mới được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Cá nhân ông mong muốn những điểm mới nào sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2022?
- Những điểm mới đưa ra trong dự thảo là bảo đảm nguyên lý của BHYT: chia sẻ và công bằng. Có những quy định có hiệu lực có thể thi hành ngay được, có những quy định dần dần sẽ áp dụng khi điều kiện kinh tế xã hội cải thiện. Tất nhiên để làm được thì không đơn giản.
Hai vấn đề mà tôi tâm đắc nhất là dự kiến hình thành Hội đồng quốc gia về BHYT và vấn đề Chính phủ sẽ quyết định giá thuốc, vật tư thiết bị y tế có giá trị cao và số lượng lớn sử dụng trong khám, chữa bệnh BHYT sau khi đàm phán với các công ty lớn về giá.
Hội đồng quốc gia về BHYT sẽ là cơ quan tư vấn về chính sách, quyền lợi hưởng BHYT, khi đưa thêm hay loại bỏ các loại thuốc/dịch vụ kỹ thuật do BHYT chi trả, đồng thời giúp để giải quyết tranh chấp giữa bệnh viện và bảo hiểm y tế. Đây là tổ chức có tiếng nói đại diện các lãnh đạo, chuyên gia và các bên liên quan đến bảo hiểm y tế (không chỉ có các cơ quan Nhà nước).
Hội đồng sẽ đưa ra các ý kiến minh bạch, độc lập và khách quan, dựa trên chuyên môn cả 2 lĩnh vực y tế và bảo hiểm. Nhiều nước có hội đồng này và thậm chí họ quy định 50/50 (50% là đại diện các cơ quan Nhà nước, 50% là đại diện tư nhân và các bên liên quan).
Vấn đề thứ hai là một số loại thuốc, vật tư y tế, hóa chất có số lượng sử dụng lớn phải do Chính phủ quyết định giá và thống nhất áp dụng trên toàn quốc, đó chính là nguyên lý “mua chiến lược” của BHYT. Theo tôi, với các loại thuốc giá cao, chi phí lớn, số lượng nhiều..., Chính phủ sẽ chỉ đạo đàm phán giá, sau đó quyết định giá.
Các bệnh viện căn cứ vào đó để mua, tránh tình trạng giá khập khiễng mà vẫn đúng pháp luật như hiện nay... Các bệnh viện cũng đỡ vất vả trong việc đấu thầu. Như hiện nay, đấu thầu thì mỗi nơi vẽ một ít, làm một tí, cũng đã có khá nhiều lãnh đạo các sở y tế, bệnh viện vướng vòng lao lý vì chuyện đấu thầu thuốc.
Những ý tưởng mạnh mẽ để đổi mới bảo hiểm y tế
* Khi bỏ giảm trừ nhiều mức cho BHYT theo hộ gia đình (chỉ còn một mức giảm trừ chung là 20% cho tất cả những người trong hộ gia đình từ người thứ 2 trở đi), liệu người đóng bảo hiểm sẽ gặp khó vì phải đóng tiền BHYT nhiều hơn ?
- Những người nghèo, khó khăn, đối tượng chính sách... Nhà nước đã mua/hỗ trợ mua BHYT cho họ rồi. Nếu anh không phải người nghèo thì có nghĩa là anh hoàn toàn đủ khả năng mua BHYT. Luật cũng quy định đây là loại BHYT bắt buộc.
Cũng xin nói thật, mệnh giá thẻ BHYT của nhiều đối tượng (trong đó có BHYT hộ gia đình quá thấp), chỉ bằng 4,5% lương cơ sở, quy ra có thể tương đương với 1,5% mức lương trung bình của xã hội. Bên cạnh đó BHYT hộ gia đình lại quy định quá nhiều mức giảm trừ… cho nên vốn dĩ mức đóng đã quá thấp, lại tính toán thêm phức tạp… như vậy là quá lệch về nguyên tắc chia sẻ và mất đi nguyên tắc bình đẳng… Vì vậy, về lâu dài phải thay đổi căn cứ sử dụng mức lương cơ sở để đóng BHYT và trước mắt nên bỏ bớt mức giảm trừ trong BHYT hộ gia đình.
Nên quy định bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh thành phố không được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu? - Ảnh: Hiếu Nguyễn |
* Theo ông, ngoài nhiều vấn đề mới được đưa vào dự thảo, nếu được thông qua sẽ giải quyết được những chuyện nan giải của bảo hiểm y tế, có những bất cập nào dự thảo lần này chưa đề cập đến?
- Tôi cho rằng có 2 vấn đề nổi cộm nhưng không đưa vào dự thảo luật lần này. Nếu làm được thì mới mang yếu tố đổi mới thật sự. Đó là phải quy định bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh thành phố không được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và nên cấm cơ sở khám chữa bệnh lôi kéo dụ dỗ bệnh nhân.
* Đây là những ý tưởng rất mạnh dạn. Ông có lo ngại ý tưởng này sẽ khiến các cơ sở khám chữa bệnh không được vui không vì như thế nghĩa là bệnh viện mất đi một nguồn thu, bệnh nhân vốn dĩ từ trước đến nay được khám, chữa bệnh tại các bệnh viện lớn cũng không vui…
- Đúng là rất khó đấy. Ý tưởng này có từ nhiều năm trước nhưng chưa đưa vào dự thảo luật lần này. Nếu có ai đó đề xuất và được Quốc hội ủng hộ thì may ra thành công. Những cái mới có thể ảnh hưởng đến thu nhập của một số bệnh viện, ảnh hưởng đến một số bệnh nhân đang đăng ký khám, chữa bệnh ở các bệnh viện lớn…
Nhưng tính chung thì mang lại hiệu quả lớn cho BHYT, giúp sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, đúng mục đích, chăm lo cho sức khỏe nhân dân tốt hơn; mặt khác cũng thể hiện sự bình đẳng hơn vì dù là người ở thành thị hay ở nông thôn đều bắt đầu chu trình khám chữa bệnh BHYT từ một cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý sức khỏe.
* Thưa ông, vì sao ông muốn đưa quy định cấm cơ sở khám chữa bệnh lôi kéo dụ dỗ bệnh nhân vào dự thảo? Làm sao để nhận diện thực trạng này tại các bệnh viện?
- Tôi đi nhiều nơi, thấy nhiều chỗ, từ Bắc vào Nam, kể cả bệnh viện công lập và tư nhân. Ở phía Bắc, bệnh viện cho ô tô đến tận bản làng để chở người dân đi khám bệnh (xin nhắc là chở người dân chứ không phải đưa người ốm). Rồi một bệnh viện ở miền Tây có khuyến mãi... tặng đường, tặng sữa cho bệnh nhân vào khám bệnh.
Phải đưa vào trong luật, quy định cấm lôi kéo dụ dỗ bệnh nhân để có hành lang pháp lý nhằm quản lý quỹ BHYT hiệu quả, tránh việc lạm dụng quỹ BHYT từ các cơ sở khám chữa bệnh.
* Như vậy, theo ông, sau khi trừ đi chi phí đưa đón, tặng đường, tặng sữa... “lợi nhuận” bệnh viện thu được từ việc “đón rước” người bệnh có nhiều không?
- Với số lượng ít người thì lợi nhuận không lớn, nhưng nếu đông thì lợi nhuận nhiều chứ. Mỗi lần khám bệnh, người dân phải thanh toán vài trăm nghìn, còn ô tô có khi của Nhà nước hoặc thuê xe khách, xe bus thì chi phí mỗi người chỉ vài chục nghìn chứ mấy. Tình trạng này thực ra không nhiều nhưng là hình ảnh méo mó, từ đó sinh ra nhiều thứ khác. Đây là dụ dỗ người dân chứ không phải là bệnh nhân vì có khi người ta đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị... khuyến mãi rồi phải đi khám bệnh!
* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi rất thẳng thắn này!
Mới đây nhất, Bộ Y tế đưa ra con số gây ngạc nhiên, khi ngân sách Nhà nước chi cho chăm sóc y tế ít dần đi, từ 9-10% trong suốt nhiều năm từ 2010-2016 xuống còn 6,9% vào năm 2017. Trong khi đó, số tiền các gia đình phải bỏ ra để được chăm sóc y tế tăng dần từ 39% năm 2014 lên 42,2% năm 2017. |
Hiếu Nguyễn (thực hiện)