Y, bác sĩ là "khách ruột"
Sốc và hoang mang là tâm trạng của nhiều nhân viên y tế ở tỉnh Đồng Nai khi biết thông tin hàng chục ngàn hộp sữa của Công ty cổ phần sữa Hà Lan (đóng trụ sở tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vi phạm tiêu chuẩn công bố.
Ngày 19/12, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05, thuộc Bộ Công an) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty cổ phần sữa Hà Lan và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc. Công an đã thu mẫu của 67 lô hàng để giám định, cho kết quả: 65 lô hàng chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và thông tin ghi trên nhãn hộp, tương đương 29.400 hộp sữa vi phạm tiêu chuẩn công bố.
|
Chương trình “phúc lợi đoàn viên” do Công ty cổ phần sữa Hà Lan phối hợp với tổ chức công đoàn ở nhiều tỉnh, thành và các bộ, ngành triển khai |
Nhiều năm nay, nếu có nhu cầu mua sữa bột của Công ty cổ phần sữa Hà Lan thì hằng tháng, nhân viên y tế ở tỉnh Đồng Nai đăng ký với cơ quan nơi mình làm việc, sẽ được giảm giá so với giá niêm yết của công ty. Ví dụ, sữa cao nhung hươu Halanmilk có giá niêm yết 350.000 đồng/hộp nhưng giá bán hỗ trợ cho nhân viên y tế chỉ còn 200.000 đồng/hộp; sữa bột Nano curcumin và đông trùng hạ thảo 400g có giá niêm yết 500.000 đồng/hộp, giá bán hỗ trợ chỉ còn 150.000 đồng/hộp; sữa bột Halanmilk Anphalipid 400g có giá 450.000 đồng/hộp, giá bán hỗ trợ giảm còn 160.000 đồng/hộp.
Bác sĩ Bùi Văn Linh - Phó khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất - cho hay, mấy năm qua, hầu như năm nào, anh cũng mua sữa của công ty này: “Trước khi mua, tôi cũng hỏi về chất lượng sữa vì thấy giảm giá nhiều. Khi thấy giấy tờ kiểm định đầy đủ, mình cũng tin tưởng nên năm nay mua nhiều hơn”.
Bác sĩ Bùi Văn Linh bức xúc: “Mình tin tưởng chất lượng sản phẩm tốt bởi cơ quan chức năng đã kiểm định. Ai ngờ, uống xong rồi mới lòi ra hàng kém chất lượng. Thà họ trộn bột sắn, bột bắp còn đỡ, chỉ lo họ có trộn hóa chất độc hại, ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe. Giờ tôi chỉ biết chờ xem phân tích của cơ quan chức năng về thành phần sữa”.
Không chỉ mua cho mình và người thân, nữ bác sĩ V.T.T. (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất) còn mua sữa của Công ty cổ phần sữa Hà Lan giùm bạn bè: “Tôi đã mua sữa nhiều lần trong nhiều năm, có lần mua đến 7 triệu đồng để làm quà tết”.
Nhà có 3 con nhỏ, điều dưỡng Nguyễn Thị Kiều (Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Đồng Nai) từng mua sữa của công ty trên cho con uống, nhưng khi mở hộp, sữa có mùi vani rất nồng, pha không tan, khuấy mãi mà váng vẫn dính ở thành ly nhiều: “Do vậy, 3 đứa con tôi chê, không uống. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn”.
Mang vỏ bọc chương trình phúc lợi
Bác sĩ V.T.T. nêu nghi vấn: “Tại sao sản phẩm của Công ty cổ phần sữa Hà Lan lại lọt vào các hệ thống y tế? Hay họ cho rằng, khi bán cho nhân viên y tế thì sản phẩm của họ sẽ được người dân tin tưởng, từ đó tha hồ thu về lợi nhuận?”.
|
Các loại sữa của Công ty cổ phần sữa Hà Lan bán cho y, bác sĩ ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian dài |
Nhiều y, bác sĩ ở tỉnh Đồng Nai cho hay, họ vẫn chưa nhận được lời giải thích cũng như hướng khắc phục từ phía công ty. Hiện Công đoàn ngành y tế Việt Nam đã có văn bản gửi Công ty cổ phần sữa Hà Lan cũng như công đoàn ngành y tế các tỉnh, thành, trong đó cho hay, đã yêu cầu phía công ty phải có phương án xử lý, thu hồi, bồi thường với những sản phẩm kém chất lượng đã bán cho đoàn viên công đoàn và người lao động trong ngành y tế. Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo dừng bán sản phẩm của công ty trên cho người lao động.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty cổ phần sữa Hà Lan được thành lập ngày 25/5/2016, ngành nghề kinh doanh chính là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Dù có quá trình hoạt động chưa lâu nhưng công ty này đã phân phối sữa đến rất nhiều liên đoàn lao động của các địa phương thông qua chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động”.
Theo đó, các liên đoàn lao động tạo điều kiện, hỗ trợ công ty tiếp cận các công đoàn cơ sở để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá dịch vụ và sản phẩm sữa của công ty cho đoàn viên, người lao động. Đổi lại, công ty cam kết bán các sản phẩm sữa cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi.
|
Tờ rơi quảng cáo chương trình “phúc lợi đoàn viên” của Công ty cổ phần sữa Hà Lan |
Được biết, ngoài tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần sữa Hà Lan còn triển khai chương trình “phúc lợi đoàn viên” ở TPHCM, các tỉnh Gia Lai, Bình Thuận, Quảng Nam, Khánh Hòa… và công đoàn một số bộ, ngành trung ương. Hiện tại, thông tin về các chương trình ký kết này vẫn còn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành khẩn trương rà soát, có báo cáo cụ thể về việc hợp tác với Công ty cổ phần sữa Hà Lan và chấm dứt chương trình đã ký kết. Sau tỉnh Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận cũng đã thông báo dừng triển khai thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần sữa Hà Lan.
Gia Huy - Sơn Vinh
Người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp khi sử dụng các sản phẩm của cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa; họ phải được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong khi đó, theo thông tin mà cơ quan công an cung cấp cho báo chí, Công ty cổ phần sữa Hà Lan đựng một số nguyên liệu pha trộn sữa bột trong những thùng phuy cáu bẩn, cũng không có công đoạn tiệt trùng nào trong quá trình bao gói, đóng hộp cho sữa thành phẩm. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp đã chỉ đạo nhân viên phối trộn, cắt bớt thành phần dinh dưỡng so với thông tin công bố để gia tăng lợi nhuận khi bán cho người tiêu dùng. Theo quy định hiện hành, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, sản phẩm không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, công dụng, tính năng hoặc nội dung khác mà tổ chức kinh doanh hàng hóa đã công bố, niêm yết trên sản phẩm. Họ có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Họ cũng có thể thực hiện thủ tục khởi kiện Công ty cổ phần sữa Hà Lan để yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sử dụng các sản phẩm không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa đã công bố, niêm yết trên sản phẩm. Được biết, nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần sữa Hà Lan đặt tại tỉnh Hải Dương. Để sản phẩm được lưu hành ra thị trường, cơ quan chức năng tỉnh này phải cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm. Theo hồ sơ vụ việc, đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương đã cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 47 loại sữa bột của Công ty cổ phần sữa Hà Lan. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng cơ quan cấp phép cũng phải có trách nhiệm hậu kiểm sau khi đã cấp phép. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm hậu kiểm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương trong vụ việc này. Có một điều không bình thường là sản phẩm kém chất lượng này đến tay người tiêu dùng qua hệ thống hội, đoàn dưới mác chương trình “phúc lợi đoàn viên”. Cơ quan điều tra cần làm rõ mối quan hệ giữa công ty với các tổ chức đã ký kết hợp tác để đưa sữa “dỏm” đến tay đoàn viên công đoàn, người lao động. Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) |