Sữa học đường và những điều nằm ngoài kế hoạch

06/10/2018 - 06:00

PNO - Trên thế giới, sữa học đường không phải là điều mới mẻ mà là chương trình được áp dụng từ rất nhiều thập kỷ trước. Đây không phải là chương trình dễ áp dụng mà theo đó còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Bê bối trong đấu thầu

Sữa học đường áp dụng trên thế giới hiện nay không theo một khung cứng nhắc mà được phân biệt theo ba mức độ: hoàn toàn miễn phí, trợ giá hoặc tính giá ngang với giá thị trường. Ở các quốc gia như Argentina, Moldova hay Nam Phi, chương trình sữa học đường áp dụng miễn phí đối với những đối tượng thuộc gia đình có thu nhập thấp.

Sua hoc duong va nhung dieu nam ngoai ke hoach
Việc chăm lo dinh dưỡng cho trẻ ở trường được rất nhiều quốc gia quan tâm.

Ở Phần Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển hay Thái Lan, chương trình sữa học đường  được áp dụng rộng rãi. Riêng ở Phần Lan và Thụy Điển, sữa được phát miễn phí cho trẻ cho đến khi các em học xong chương trình cấp hai.

Việc áp dụng sữa học đường qua nhiều năm ở các nước không chạm được hoàn toàn vào nhu cầu thật sự của người dân. Các chương trình sữa học đường ở nhiều nơi bị gián đoạn hoặc giảm sút đáng kể chỉ vì lý do thiếu hụt nguồn quỹ tài chính. Điển hình như ví dụ ở Kenya, từ 44 triệu lít sữa cung cấp cho học sinh năm 1989 đã giảm xuống còn 3 triệu lít trong năm 1997.  

Với nhiều nước phát triển như anh, Australia hay New Zealand, việc cắt giảm mức trợ giá sữa đã dẫn đến hệ quả trực tiếp là giảm hẳn lượng sữa tiêu thụ ở các trường học. Điều này càng cho thấy việc tiêu thụ sữa chỉ vì hình thức bắt buộc mà chưa phải là nhu cầu rộng rãi của người dân.

Sua hoc duong va nhung dieu nam ngoai ke hoach
Chương trình sữa học đường được áp dụng ở nhiều quốc gia từ giữa thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp bê bối sữa học đường đến từ vấn đề minh bạch. Tháng 2/2009, Ủy ban Chống tham nhũng khu vực công Thái Lan (PACC) khi bắt tay vào điều tra vụ bê bối sữa kém chất lượng xảy ra ở các trường học trên cả nước đã phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong quá trình đấu thầu cung cấp sữa. Một số đơn vị đã “bật đèn xanh” cho nhau để dàn xếp kết quả trước khi đấu thầu xảy ra và phía sau đó là một âm mưu trục lợi bất hợp pháp trên chính nguồn sữa cung cấp cho trẻ.

Thái Lan chính thức tiến hành chương trình sữa học đường từ năm 1992, trước đó là Chiến dịch Uống sữa quốc gia ra đời năm 1985 với mục tiêu hỗ trợ nông dân sau khi họ biểu tình vì không bán được sữa. Với chiến dịch năm 1985, phụ huynh được mua sữa với mức giá rẻ hơn 25% thông qua phiếu giảm giá hàng tháng được phát ở trường mẫu giáo và tiểu học.

Còn nhiều tranh cãi

Sua hoc duong va nhung dieu nam ngoai ke hoach
Tranh cãi về công dụng của sữa đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Lợi ích của sữa đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Không ít nhà nghiên cứu đã thẳng thắn cho rằng những ngôn từ bóng bẩy từ các quảng cáo đã thổi phồng sự thật công dụng của sữa.

Tiến sĩ, tác giả và cũng là nhà hoạt động thực phẩm người Canada Alissa Hamilton từ lâu được xem là “khắc tinh” của ngành tiếp thị sữa. Bất cứ phụ huynh nào cũng tự động hiểu việc cơ thể cao lớn, to khỏe đều cần phải có sữa.

Trong quyển sách  “Got Milked: What You Don’t Know About Dairy, the Truth About Calcium, and Why You’ll Thrive Without Milk” (Uống sữa: Những điều bạn không biết về sữa, sự thật về canxi và lý do vì sao bạn vẫn cao lớn mà không cần uống sữa), Alissa Hamilton đã chỉ ra niềm tin được củng cố sâu rộng trong hơn 50 năm đối với cộng đồng là không có cơ sở khoa học

Năm 2005, nhà hóa sinh Colin Campbell thuộc Đại học Cornell (Mỹ) cùng con trai là nhà vật lý Thomas Campbell đã tìm ra những nguyên nhân giữa việc tiêu thụ sữa dẫn đến chứng bệnh tim mạch, tiểu đường, các rối loạn về miễn dịch và một số căn bệnh ung thư nhất định.

Sua hoc duong va nhung dieu nam ngoai ke hoach
Sữa học đường lần đầu áp dụng ở Australia là năm 1950.

Năm 2016 truyền thông Australia ồn ào sau khi Thượng nghị sĩ tự do Nick Xenophon đề xuất nối lại chương trình sữa học đường. Lời đề nghị này rất được nhóm những người nông dân và một số chuyên gia dinh dưỡng ủng hộ. Tuy nhiên, nó cũng vấp phải không ít ý kiến chỉ trích từ người dân.

Nhiều người nhắc lại chương trình sữa học đường được áp dụng ở nước này năm 1950. Tuy nhiên, đến thập niên 1980 thì chương trình bị bỏ vì giá sữa tăng, thiếu chứng cứ chứng minh ích lợi dinh dưỡng. Những em học sinh từng tham gia chương trình từ những ngày đầu nay đã bước qua tuổi trung niên vẫn không quên trải nghiệm về chương trình.

Có người ủng hộ nhưng có những người nói rằng họ “ám ảnh” việc uống sữa vì đây không phải là thức uống bản thân họ yêu thích. Sau khi rời trường, đến bây giờ họ đã không đụng đến một ly sữa nào nữa.

Anh Thông (Macleans, Los Angeles, ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI