|
Nhiều trường mầm non cũng như một số trường tiểu học tại TP.HCM đã cho trẻ uống sữa kèm trong khẩu phần ăn hằng ngày tại trường. |
Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã thông tin, UBND TP.HCM vừa có thông báo cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM về báo cáo công tác chuẩn bị thực hiện đề án “Sữa học đường” để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mầm non và học sinh (HS) tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố.
Phụ huynh phải gánh phân nửa
Theo đề án trên, HS mẫu giáo, tiểu học công lập và ngoài công lập tại 24 quận, huyện của TP.HCM sẽ được uống sữa năm lần/tuần, tức mỗi ngày đi học được uống một cữ. Mỗi lần uống một hộp sữa dung tích 180ml. Chương trình kéo dài trong suốt chín tháng của năm học (tổng cộng 38 tuần). Năm học 2018-2019, đề án sẽ triển khai ở các trường mầm non. Năm học 2019-2020, triển khai tiếp ở các trường tiểu học cho HS lớp Một.
Dự trù tổng kinh phí trong hai năm thực hiện đề án là hơn 1.410 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, còn lại 50% phụ huynh HS phải đóng.
Đề án chỉ miễn phí cho HS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, con công nhân đang làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa 50%. Tương tự, trẻ em sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án cũng được miễn phí với tỷ lệ hỗ trợ 50/50 giữa thành phố và doanh nghiệp.
Như vậy, với đề án nhằm “cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc trẻ”, đại đa số người dân lại tiếp tục đối diện với một khoản phí mới bên cạnh các khoản ngoài học phí vốn đã oằn lưng bao lâu nay như tiền cơ sở vật chất, tiền bán trú, phí vệ sinh, nước uống… Nếu tính hộp sữa tươi 180ml có giá trung bình trên thị trường hiện nay là 6.000 đồng/hộp, nhân cho 38 tuần, với mỗi tuần đi học năm ngày, mỗi phụ huynh HS sẽ phải gánh thêm chi phí “sữa học đường” là gần 600.000 đồng/năm học.
Tuy nhiên, không giống như các địa phương khác đã triển khai chương trình “Sữa học đường”, theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các trường mầm non cũng như một số trường tiểu học tại TP.HCM, hiện đều đã cho trẻ uống sữa kèm trong khẩu phần ăn hằng ngày tại trường. Hơn nữa, sản phẩm dinh dưỡng cần thiết cho trẻ nhỏ này cũng đã có mặt trong hầu hết gia đình ở thành phố.
Sữa chồng sữa
Tại Trường mầm non 19/5 (Q.1, TP.HCM), đã hơn ba năm nay, trẻ được uống sữa hai lần/ngày, các bé tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) uống ba lần/ngày, mỗi lần 150-180ml. Việc uống sữa được thực hiện trong bữa ăn sáng, trưa hoặc xế của HS. Chi phí này được tính vào tiền ăn mà phụ huynh đã đóng hằng tháng. Trường thu tổng cộng bữa sáng, trưa và xế mỗi em 47.000 đồng/ngày.
Nếu so với loại sữa hộp có hạn sử dụng sáu tháng mà đề án đưa ra, thì sữa được cung cấp cho HS của trường là sữa bột hoàn nguyên, pha đến đâu dùng đến đó. Lực lượng cấp dưỡng được huấn luyện và giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm pha đúng liều lượng, chất lượng và nhu cầu từng ngày.
Theo Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Nga, nhà trường chấp nhận một số khó khăn trong tổ chức pha sữa tại bếp ăn tập thể mà không dùng sữa hộp, vì muốn bảo đảm một số lợi ích cho trẻ. Thứ nhất, việc bảo quản sữa bột dễ hơn sữa tươi hộp. Trong điều kiện thời tiết thất thường, các sản phẩm sữa hộp rất dễ biến đổi chất lượng mà cảm quan người dùng không nhận ra được. Thứ hai, sữa pha tại trường dễ dàng linh động thay đổi liều lượng khi sĩ số các em thay đổi theo từng ngày học, hoặc trong trường hợp các em cần tăng, giảm liều lượng do các yêu cầu về sức khỏe khác nhau.
Dù chỉ mới nghe về đề án, bà Nga cho biết, nếu triển khai, trường phải tìm cách bỏ một bữa sữa để nhường chỗ cho “sữa học đường” theo đề án. Một thoáng trăn trở, theo bà Nga, chương trình “Sữa học đường” chỉ nên áp dụng tại những nơi khó khăn, chưa tự triển khai được việc uống sữa cho HS và nếu triển khai, nên miễn phí hoàn toàn.
Hãy để dân tự nguyện
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho biết, qua số liệu của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT mà ông có được, hiện mới có trên 10 tỉnh thực hiện chương trình “Sữa học đường” trong những năm vừa qua và cũng khoảng hơn 10 tỉnh khác đang chuẩn bị triển khai. “Những tỉnh đã triển khai như Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An… đánh giá kết quả của chương trình này tương đối tốt khi xét các tiêu chí nhằm tăng thể chất cho trẻ, giảm suy dinh dưỡng. Chương trình cũng được phụ huynh đồng thuận”, ông Thỏa nói.
Bên cạnh việc các trường đã có khẩu phần sữa như chúng tôi nêu ở trên, trả lời vấn đề mà nhiều phụ huynh tại TP.HCM đặt ra, đó là ngay ở nhà, họ cũng đã cho con uống sữa hằng ngày, vậy “sữa học đường” có cần thiết? Ông Thỏa cho biết: “Đúng là những nơi có điều kiện như TP.HCM thì khác với vùng nông thôn, địa phương xa xôi khác… Cho nên, theo tôi, nên chỉ vận động trên tinh thần tự nguyện, không bắt ép các gia đình tham gia được. Bắt buộc người ta tham gia mà ở nhà người ta có khi còn làm tốt hơn thì không nên. Nên để người dân tự nguyện, nếu không đề án sẽ kém tác dụng”. Theo ông Thỏa, chương trình phải được giám sát, kiểm tra thường xuyên và xử lý, giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập để làm sao tạo ra sự đồng thuận của người dân thì mới có hiệu quả.
“Điều quan trọng là Trung ương và thành phố phải kết hợp xây dựng quy chuẩn quốc gia về sữa riêng phù hợp thể trạng, sự hấp thu của trẻ mầm non, tiểu học, chứ nếu đưa đồng loạt, người lớn và trẻ con phải uống chung một loại sữa thì không hợp lý. Phải xây dựng cho riêng “Sữa học đường” để bảo đảm an toàn, tránh xảy ra tình trạng ngộ độc như vừa xảy ra ở một số nơi và bảo đảm đúng các tiêu chí để phát triển được thể lực, trí lực cho trẻ”, ông Thỏa tha thiết.
Các tiêu chuẩn thực hiện đề án
Sữa tươi tiệt trùng sử dụng cho đề án “Sữa học đường” của TP.HCM - thành phần có đường hoặc không đường, được bổ sung vi chất dinh dưỡng và hàm lượng - theo quy định tạm thời của Bộ Y tế đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Đơn vị cung cấp sữa phải là doanh nghiệp đạt danh hiệu thương hiệu quốc gia và phải cung cấp được tài liệu chứng minh hàng hóa chào thầu đã được công bố hợp quy, phù hợp với các quy định tại QCVN 5-1:2010/BYT ban hành ngày 2/6/2010 của Bộ Y tế về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng.
Ngoài ra, còn phải chứng minh hàng hóa được sản xuất bởi hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004; chứng nhận về hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm FSSC 22000; chứng nhận hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp OHSAS 18001:2007.
Ngoài các hỗ trợ về giá sản phẩm, đơn vị trúng thầu cung ứng còn phải hỗ trợ cơ sở vật chất để bảo quản sản phẩm theo số lượng HS từng điểm trường… Đồng thời, cam kết tham gia đề án Nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
Đơn vị thường trực thực hiện đề án là Sở GD-ĐT TP.HCM phải hoàn chỉnh dự thảo đề án trình UBND thành phố trong tháng 9/2018. Thành phố sẽ phải xin ý kiến Thường trực Thành ủy trước khi thông qua HĐND thành phố theo quy định.
|
Quốc Ngọc