Sữa học đường: Phụ huynh phải tăng chi phí là không khả thi

03/10/2018 - 09:00

PNO - Về việc sử dụng sữa học đường, các ý kiến đặt câu hỏi về việc phụ huynh phải tăng thêm chi phí mua sữa, và sản phẩm trong chương trình phải là sữa tươi.

Sua hoc duong: Phu huynh phai tang chi phi la khong kha thi
Hình minh họa.

Muốn “Sữa học đường” đạt hiệu quả thiết thực, bên cạnh triển khai đúng nơi đúng chỗ có nhu cầu thực sự, muốn chương trình tròn đầy ý nghĩa nhân văn, ngoài hình thức miễn phí hoàn toàn, thì quan điểm của những người thực hiện phải dựa trên cơ sở khoa học là: tương tự cơm gạo, thịt cá, sữa luôn là thực phẩm thiết yếu mà con người cần dung nạp hằng ngày để phát triển thể chất.

Góp thêm ý kiến cho bài viết “Sữa học đường” tại TP.HCM: Có cần thiết? đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 1/10 vừa qua, anh Nguyễn Trọng Nam (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) nêu hai quan điểm. Thứ nhất, về phía phụ huynh luôn chia làm hai thành phần. Đối với người “có điều kiện từ chối” loại “sữa học đường” này, họ sẽ không mặn mà, bởi vừa không tin vào chất lượng, sự phù hợp với cơ thể từng đứa trẻ, vừa không chấp nhận việc tự dưng lại phải móc túi bỏ ra thêm 50% chi phí cho tiền sữa được uống tại trường. Thứ hai, nếu như sự cần thiết của việc uống sữa, nhưng lại được cung cấp không liên tục, chỉ năm ngày trong tuần theo như đề án của TP.HCM, thì phụ huynh lại phải bổ sung chi phí cho sữa vào hai ngày nghỉ trong tuần, cũng như trong thời gian nghỉ hè. 

Như vậy, cả hai vấn đề nêu trên đều quy về việc phụ huynh phải tăng thêm chi phí mua sữa. Chuyện này không khả thi và hoàn toàn bất tiện, theo anh Nam.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - khẳng định, việc trẻ con được uống “sữa học đường” không có gì xa lạ, bởi các nước đã làm từ lâu. Vấn đề chính là ai phải bỏ tiền để chi trả khoản sữa đó.

Bên cạnh đó, “sữa học đường” còn lùng bùng chuyện phải uống sữa tươi. Thật vậy, theo đề án của TP.HCM, sản phẩm trong chương trình “Sữa học đường” phải là sữa tươi.

Bà Diệp cho rằng, điều này chưa chuẩn. “Nếu phân tích về thành phần chất dinh dưỡng thì sữa tươi không nhiều bằng sữa công thức. Năng lượng của sữa tươi vẫn thua sữa công thức vì lượng can-xi trong sữa công thức gấp 8-9 lần sữa tươi. Ngoài ra, so với một số loại thực phẩm khác, sữa tươi còn thua về thành phần can-xi. Cứ 100g sữa tươi có 120mg can-xi, trong khi đó, ăn một con tôm đã có từ 300-900mg can-xi tùy theo loại”, chuyên gia dinh dưỡng này nói.

Đó là chưa kể, bây giờ phải hiểu cho đúng khi nói chỉ có thể bổ sung can-xi bằng sữa để nâng thể chất, chiều cao trẻ con. Nói như thế là không toàn diện. Bởi muốn nâng thể chất, tăng chiều cao phải tác động cùng lúc bốn yếu tố, gồm: chế độ ăn, chế độ vận động, giấc ngủ và môi trường sống của trẻ.

Riêng chế độ dinh dưỡng, phải ăn đầy đủ, liên tục tùy theo lứa tuổi. Dù rằng, một trong những thành phần để hỗ trợ tăng trưởng chiều cao có can-xi, nhưng can-xi chỉ là một thành phần. Việc tăng chiều cao phải nằm trong phức hợp các loại khoáng chất gồm can-xi, phốt-pho, vitamin A, D, sắt, kẽm, magie, mangan, i-ốt, đạm, béo, bột, đường… Và ngày nào cũng phải ăn đầy đủ, cân đối, phù hợp với từng trẻ.

Sữa là một trong các thực phẩm có thể cung cấp dinh dưỡng cho trẻ lớn lên. Vì vậy, phải xem sữa cũng như các thực phẩm thiết yếu khác trong bữa ăn hằng ngày, như cơm gạo, thịt cá, rau củ… Đó được xem như một thực phẩm phải ăn, do sữa bao gồm nhiều thành phần chất dinh dưỡng.

Do vậy, nếu cứ tư duy như kiểu “sữa học đường” như hiện nay, liệu ngành giáo dục còn có thể tách bữa ăn hằng ngày của trẻ ra thành “thịt học đường”, “gạo học đường”, “rau học đường”… chăng? Một lần nữa, nếu muốn mang ý nghĩa nhân văn cho chương trình này, cần cân nhắc yếu tố phù hợp địa phương, miễn phí cho dân và phải coi sữa cũng như cơm gạo, thịt cá… những điều rất thiết yếu để trẻ “no” dinh dưỡng, mà thôi! 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI