Sứa giả Trung Quốc làm từ hóa chất: Cách nhận biết không khó

28/05/2016 - 07:03

PNO - Loại sứa giả này có thể phá hỏng hệ thần kinh, tăng nguy cơ thiểu năng ở trẻ nhỏ, suy nhược thần kinh ở người lớn.

Sứa biển là thực phẩm được nhiều người yêu thích, rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ loại hải sản này như: nộm sứa, gỏi sứa, bún sứa... Tuy nhiên, gần đây tình trạng sứa giả Trung Quốc được sản xuất với số lượng lớn khiến người dân không khỏi hoang mang lo lắng.

Để không mua phải loại sứa giả này, người tiêu dùng cần có cách phân biệt, nhận biết một cách chính xác nhất. Theo ý kiến của một vài chủ cửa hàng hải sản lâu năm thì cách phân biệt, nhận biết sứa thật, sứa giả không phải là khó.

Sua gia Trung Quoc lam tu hoa chat: Cach nhan biet khong kho
Sứa giả Trung Quốc đang là nỗi lo của người tiêu dùng tuy nhiên việc nhận biết lại không hề khó.

Theo anh Hoàng Công Trí, chủ một cửa hàng hải sản 6 năm nay tại chợ Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Nếu là người thường xuyên ăn hải sản, đặc biệt là sứa thì chỉ cần nhìn qua thôi là biết. Sứa giả thường là loại sứa đông lạnh hoặc đã chế biến sẵn, hoặc người ta dùng để trộn lẫn vào sứa thật để tăng lợi nhuận.

Trước hết, nhìn vào bề ngoài sứa thật sẽ có màu trắng hoặc ngà ngà vàng, hơn thế có mùi nước biển và mùi tanh của sứa tươi.

Khi chế biến, sứa thật sẽ có hương vị thơm ngon, đậm đà, ăn rất giòn, không bị cứng và cũng không quá dai.

Trong khi đó, sứa giả lại không có màu trắng hoặc vàng nhạt như sứa giả mà có màu trong suốt giống như bột sắn dây nấu lên vậy. Đặc biệt loại sứa này rất dai, thậm chí dùng tay kéo căng cũng không đứt được. Hơn thế sau khi thả vào nước thì độ dai của sứa giả sẽ càng mạnh hơn. Loại sứa này không có mùi tanh của hải sản, khi chế biến cũng không có vị và ăn rất dai, không giòn".

Sua gia Trung Quoc lam tu hoa chat: Cach nhan biet khong kho
Bên trái là sứa giả có màu trong suốt, bên phải là sứa thật với màu vàng nhạt

Cùng quan điểm với anh Trí, chị Trịnh Lan Hương chủ một cửa hàng bán hải sản lâu năm tại chợ Xa La (Hà Đông) cho biết: "Tôi thì chưa nhìn thấy sứa giả nó như thế nào, ở đây chúng tôi chỉ lấy hàng hải sản tại các mối hải sản quen thuộc và chắc chắn nó là hàng tươi, đảm bảo chất lượng. Hải sản còn sống nguyên thì làm sao mà giả được.

Theo kinh nghiệm của tôi, cứ nhìn sứa có màu trắng hoặc ngà ngà vàng, có mùi tanh tự nhiên, chế biến lên sứa có mùi thơm, vị đậm đà, độ dai vừa phải và rất giòn thì đó chắc chắn là sứa thật. Hơn nữa, loại sứa chất lượng sẽ không xuất hiện các vết ban đỏ hoặc bùn, cát. Nếu nhìn thấy sứa có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì không nên mua.

Khi đi mua những loại sứa đã chế biến sẵn, chị em cứ chú ý vào các đặc điểm ấy là sẽ chọn được sứa biển chuẩn".

Trước đó, theo nguồn tin từ BBC, Cảnh sát miền Đông Trung Quốc hôm 10/5 thông báo họ đã đột kích 2 cơ sở sản xuất sứa giả, thu giữ 10 tấn nguyên liệu đang trộn hóa chất để chuẩn bị mang đi tiêu thụ.

Theo khai nhận với các nhà điều tra, ông Yuan  chủ 1 trong 2 cơ sở sản xuất sứa giả tiết lộ cách thức làm sứa giả, đó là trộn 3 loại hóa chất gồm axit alginic, phèn amoni và canxi clorua khan chung với nhau. Sau khi thành phẩm, hàm lượng nhôm trên 1 kg sứa lên tới 800 mg, vượt 8 lần giới hạn an toàn ở Trung Quốc.

Theo nhận định từ các chuyên gia sức khỏe Trung Quốc, việc ăn quá nhiều loại sứa kém chất lượng này sẽ gây ra cơ số những nguy hại đối với sức khỏe.

Trong sứa giả, Alginate là một chất phụ gia làm đông ít gây nguy hại. Tuy nhiên, chất này lại chứa nhiều cellulose. Nếu hấp thụ quá nhiều cellulose lại ảnh hưởng không nhỏ tới hàm lượng các chất dinh dưỡng khác.

Ngoài ra, sứa nhân tạo còn được làm từ amoni nhôm sulfat. Khi cơ thể phải tiếp nhận lượng nhôm quá lớn, việc hấp thụ canxi và sắt sẽ bị suy giảm, hậu quả kéo theo đó là thiếu máu, loãng xương.

Đặc biệt nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phá hỏng hệ thần kinh, tăng nguy cơ thiểu năng ở trẻ nhỏ, suy nhược thần kinh ở người lớn và bệnh Alzheimer đối với người cao tuổi.

Hà Trang
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI