Nhập hàng về bán do nhiều người hỏi mua
Chủ một tiệm tạp hóa gần chợ Bàn Cờ, quận 3, TPHCM kể, vài tháng trước, chị được nhân viên tiếp thị chào mẫu sữa Soramilk số 1 và số 2 dành cho trẻ biếng ăn, chậm lớn, thấp còi với giá 780.000 đồng/hộp. Kiểm tra vỏ hộp, chị thấy ghi “nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ”, có số đăng ký sản phẩm và cả giấy đăng ký kinh doanh của công ty. Do trước đó có một số khách hàng hỏi mua loại sữa này nên khi được chào hàng, chị đồng ý.
Thế nhưng, cách đây ít ngày, biết tin công an triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, trong đó có loại sữa mà mình đang bán, chị phải vội vàng đem sữa này tiêu hủy. Theo chị, nếu chỉ nhìn vỏ hộp thì rất khó phân biệt được hàng thật, hàng giả vì hộp sữa này giống hệt hộp sữa Aptamil (Úc, New Zealand, Anh). Ngoài loại sữa trên, còn nhiều loại sữa khác cũng “giả như thật”, như sữa Dolphin Kid có vỏ hộp y chang sữa Hikid (Hàn Quốc), sữa Big Q có vỏ hộp giống hệt sữa Hipp (Đức).
Khi nhập các sản phẩm sữa này, các đại lý, tiệm tạp hóa nhận được mức chiết khấu cao kèm nhiều quà tặng hấp dẫn. Chủ một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông, quận 3, TPHCM cho biết, mức chiết khấu là 20 - 30%/hộp, nếu nhập nguyên thùng thì được tặng kèm 2-5 hộp sữa. Ngoài mức chiết khấu cao, các đại lý còn vui vẻ nhập hàng do đây là hàng Việt Nam, được nhiều nghệ sĩ, thậm chí bác sĩ, dược sĩ quảng cáo và hàng bán chạy.
 |
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý sữa giả - Nguồn ảnh: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước |
Sau vụ việc phanh phui sữa giả, nhiều phụ huynh chia sẻ trên các nhóm Facebook rằng nên mua các loại sữa ngoại nhập được xách tay về để tránh mua trúng hàng giả. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn sữa ngoại nhập đang được bày bán lại không rõ nguồn gốc. Ghé cửa hàng S.S. trong chợ Bàn Cờ, chúng tôi thấy các loại sữa mang thương hiệu Meiji, Morinaga (Nhật Bản), Ensure (Mỹ, Úc, Đức) không có nhãn phụ của đơn vị nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam mà chỉ được dán tờ giấy nhỏ màu vàng ghi “sữa số 1, số 2 dành cho trẻ, giúp tăng sức đề kháng, tăng chiều cao”.
Chúng tôi đã dùng ứng dụng truy xuất nguồn gốc để kiểm tra mã vạch thì có sản phẩm hiển thị thông tin, có sản phẩm không hiển thị dữ liệu gì. Khi được hỏi, người bán hàng phân bua: “Có thể do nhà sản xuất chưa cập nhật thông tin sản phẩm lên hệ thống”.
Hậu kiểm phải chặt chẽ
Bộ Công an vừa khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa sản phẩm sữa tại Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma. Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - nhận định, điều cực kỳ nguy hại là nhóm sản phẩm này nhắm đến người dùng là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền… Chúng không chỉ gây tác hại đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, khiến bệnh nền của bệnh nhân trầm trọng hơn mà còn có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, làm giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - một số vụ sản xuất, buôn bán sản phảm giả, nhái chỉ bị phát hiện khi có người tố cáo, như vụ kẹo rau củ Kera. Điều này cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, khiến sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại đã được doanh nghiệp bán ra thị trường trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý.
Theo bà, việc khởi tố những đối tượng sản xuất hàng giả gần đây là tín hiệu tích cực. Lâu nay, các doanh nghiệp tự công bố các tiêu chuẩn về vệ sinh, vi khuẩn và cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm. Nhưng trên thực tế, việc hậu kiểm chưa kịp thời, chưa đủ đảm bảo rằng các sản phẩm đang được lưu hành là đạt chất lượng, đúng như công bố. Khi đàm phán thương mại với phía Việt Nam, phía Mỹ luôn nhấn mạnh rằng việc áp thuế không chỉ do thặng dư thương mại mà còn do vấn đề chất lượng nguyên liệu đầu vào và yêu cầu Chính phủ Việt Nam quản lý chặt chẽ khâu này. Đây là điều mà phía Việt Nam cần xem xét nghiêm túc để quản lý hiệu quả chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho đến quy trình sản xuất, bảo quản, phân phối.
Cũng theo bà Việt Thu, ở nhiều nước, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc trước khi được lưu hành trên thị trường. Trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự sản xuất và có phần dễ dãi trong việc để doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, chưa thực sự chú trọng đến nguyên liệu đầu vào, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Mặc dù đã có các mức phạt đối với doanh nghiệp sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng mức phạt lại chưa đủ sức răn đe do lợi nhuận từ hành vi vi phạm thường cao hơn nhiều so với mức phạt. Do đó, cần có thêm các biện pháp bổ sung - chẳng hạn như buộc đóng cửa cơ sở sản xuất - để doanh nghiệp thực sự quan tâm đến quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - nhận xét, thương mại điện tử đang phát triển nhanh và mạnh, tạo thuận lợi cho việc mua và bán nhưng nền tảng pháp lý đối với hoạt động này lại đang có những kẽ hở. Một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kênh thương mại này để quảng cáo, bán hàng kém chất lượng. Để hạn chế tình trạng này, ngoài bổ sung quy định pháp luật, cần thay đổi phương thức kiểm tra, giám sát đối với các loại thực phẩm.
Khó giám sát do kiểu phân phối “lạ” Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, trong 4 năm (2021-2024), lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ liên quan đến sữa với số tiền xử phạt hơn 2,2 tỉ đồng. Riêng ở TP Hà Nội, lực lượng này đã xử phạt 53 vụ với tổng tiền phạt 546 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy 5.853 lon, hộp, chai sữa. Theo ông, do Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương nên bộ chỉ được kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Về việc để thực phẩm kém chất lượng tuồn ra thị trường, ông Trần Hữu Linh lý giải, là do các doanh nghiệp trên không phân phối sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị, đại lý chính thức hoặc chuỗi bán lẻ có kiểm soát mà cho người trực tiếp đi chào hàng ở các tiệm tạp hóa hoặc thuê người nổi tiếng quảng cáo và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, khiến cơ quan chức năng khó giám sát, kiểm tra. Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ chỉ đạo các chi cục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa, đặc biệt là các kênh bán lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, đồng thời tích cực tiếp nhận, thu thập phản ánh từ người tiêu dùng để có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả, sữa kém chất lượng. |
Mai Ca - Thanh Hoa