Sửa đổi Thông tư 36: Người mua nhà bị hạ "knock-out"

16/03/2016 - 06:47

PNO - Việc áp dụng Thông tư 36 sửa đổi cần phải thực hiện theo lộ trình, tránh gây “sốc” đối với các ngân hàng (NH), doanh nghiệp (DN) cũng như người mua nhà.

Sua doi Thong tu 36: Nguoi mua nha bi ha
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Đây là ý kiến của hầu hết chuyên gia, DN trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại hội thảo Sửa đổi Thông tư 36 - Thị trường BĐS được gì, mất gì do báo Thanh Niên tổ chức sáng 15/3 tại TP.HCM.

Theo TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đứng ở góc độ thị trường BĐS, sự điều chỉnh của Thông tư 36 như dự thảo sẽ gây ra nhiều rủi ro cho lĩnh vực BĐS vốn mới chỉ bắt đầu phục hồi trong một, hai năm gần đây.

Ông Tín đưa ra dẫn chứng, theo thống kê của NH Nhà nước tính đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NH thương mại nhà nước, NH thương mại cổ phần lần lượt là 33,36% và 36,90%. Tỷ lệ này tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2016 và tiệm cận gần mức 40% tại nhiều NH thương mại. Do đó, nếu tỷ lệ này giảm xuống 40% thay vì 60% như trong dự thảo thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn, bởi NH sẽ không có nguồn tiền để cho DN BĐS và người mua nhà vay khi có nhu cầu.

Theo báo cáo của một số NH thương mại, 90% nguồn vốn huy động của các NH là ngắn hạn. Do đó, nếu giới hạn tỷ lệ cho vay tối đa là 40% nguồn vốn của NH, thì trên thực tế, con số để cho vay đối với BĐS không còn nhiều. Việc điều chỉnh này sẽ làm giảm tổng mức cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Đặc biệt, vốn cho vay đầu tư, mua BĐS sẽ không còn. Điều này đồng nghĩa với việc người mua nhà sẽ hết cơ hội mua nhà bằng vốn vay NH. Nhiều chuyên gia nói việc sửa đổi Thông tư 36 sẽ hạ “knock-out” người mua nhà.

Ông Vũ Quang Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS vừa thoát khỏi khó khăn và đang trong quá trình phục hồi, chưa có hiện tượng bong bóng và tín dụng BĐS ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS. Do đó, mọi sự thay đổi phải có lộ trình, không nên thay đổi đột ngột sẽ gây “sốc” cho thị trường BĐS.

Trước đó, NH Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36 về các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động NH. Trong đó, quan trọng nhất là việc sửa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng như hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh BĐS. Theo đó, NH chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn (thay vì 60% như trước đây). Đồng thời, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS sẽ được tăng từ 150% lên 250%.

Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI