Cơn cuồng sữa giá rẻ
Vừa bước vào siêu thị điện máy Chợ Lớn, Q.12, TP.HCM, khu quầy hàng giảm giá đập vào mắt khách hàng với cả chục người đang xúm xít trước quầy sữa đặc hiệu Delipure được chất cao ngất có dán dòng chữ: “Sữa đặc có đường giảm 44%”. Giá gốc của sản phẩm là 22.900đ/hộp 380g, giảm còn 12.900đ/hộp.
Trong khoảng một giờ, liên tục nhiều lượt khách sà vào quầy lia lịa chọn hàng và cũng chẳng ai để mắt đọc thông tin trên nhãn sản phẩm. Thậm chí có khách mua cả chục hộp, đã ra hóa đơn tính tiền song vẫn còn quay vào lấy tiếp như sợ hết; có người còn mạnh tay khuân cả thùng về để dành. Cứ khoảng 30 phút là hàng sắp cạn, nhân viên tại đây lại tiếp tục chất thêm sản phẩm lên quầy.
|
Tại các siêu thị, rất đông khách tìm mua SĐCĐ ngoại vì giá thành rất rẻ |
Không chỉ xuất hiện tại siêu thị điện máy Chợ Lớn, nhãn sữa này có kênh phân phối khá rộng, từ các kênh bán hàng online như vuivui.com, Lazada và tại hàng trăm cửa hàng tiện lợi của bách hóa xanh cũng như cửa hàng bán lẻ khác. Nhiều nơi trong số này nâng lên mức giá 30.000đ/hộp, sau đó giảm xuống còn 20.000đ/hộp 380g, xấp xỉ giá sữa đặc uy tín trong nước nhưng nhiều người chuộng hàng ngoại, lại thêm tâm lý khoái mua hàng giảm giá nên cứ thế chọn mua.
Một bà chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM cho biết: “Sữa đặc có đường (SĐCĐ) hàng ngoại bán rất chạy, có ngày tôi bán gần cả chục thùng (mỗi thùng 24 hộp). Đa số khách mua về làm bánh, pha trà sữa, làm sữa chua để bán vì sữa này có giá thành rẻ, lại ngọt và đặc sánh hơn hàng trong nước (hiện giá khoảng 18.000 - 28.000đ/hộp), rất thích hợp để chế biến. Thay vì mua một hộp sữa nội thì cũng với số tiền đó khách mua được gần hai hộp sữa ngoại”.
Nhiều người có thu nhập thấp, không có tiền mua sữa tươi, sữa bột nên chọn SĐCĐ cho con. Chị Liên, ngụ tại khu Đồng Tiến, Q.1 còn cho biết: “SĐCĐ nào cũng như nhau nhưng hàng ngoại thường tốt, mà nay lại có giá rẻ nên tôi chọn mua”. Tâm lý người Việt ham rẻ và… sính ngoại nên SĐCĐ loại này luôn có đất tung hoành.
Công ty “ma” phù phép chất lượng?
Trong khi thị trường lên cơn cuồng SĐCĐ thì vòng đời sản phẩm này ra sao vẫn là một dấu chấm hỏi, bởi trên nhãn SĐCĐ hiệu Delipure, chúng tôi thấy thông tin về “nhập khẩu, phân phối” được ghi rất mập mờ: “CTY TNHH SX TM DV Đầu tư Thống Nhất. Địa chỉ 341/99C Lạc Long Quân, P.5, Q.11, TP.HCM” và không có số điện thoại để người tiêu dùng liên hệ khi cần. Trên nhãn còn ghi xuất xứ: Sản xuất bởi F&B Nutrition Sdn.Bhd,…, Malaysia và bên dưới lại ghi “Sản xuất cho Wellflounded Resources Pte., Ltd,…, Singapore”.
Căn cứ trên bao bì và nhãn có in đầy đủ tiếng Việt, tiếng Anh, đại diện chi cục quản lý thị trường cho biết: "Công ty này không chỉ “nhập khẩu và phân phối” mà còn có dấu hiệu đóng gói sản phẩm sữa này tại Việt Nam".
SĐCĐ có thể có đường lactoza và trẻ dễ dị ứng với loại đường này nên không sử dụng SĐCĐ cho trẻ. Thứ hai, tùy thuộc vào hàm lượng đạm, béo, đường béo trong sản phẩm mà có nên cho trẻ sử dụng hay không.
BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy
|
Lần theo thông tin trên nhãn, chúng tôi nhiều lần đến địa chỉ tại đường Lạc Long Quân để tìm hiểu quy trình san chiết, đóng gói sản phẩm sữa tại đây. Song, điều bất ngờ là căn nhà này luôn khóa trái, đóng cửa im lìm; trên tường nhà độc nhất tấm bảng nhỏ xíu ghi tên công ty nhưng cũng không có số điện thoại. Hỏi bốn người dân sống xung quanh địa chỉ này, chúng tôi được biết đó chỉ là… nhà ở.
“Tôi ở đây gần chục năm, lúc trước nghe nói công ty này cũng bán sữa, đường đủ thứ nhưng không thấy ở đây bày bán, sản xuất gì cả. Họ đóng cửa suốt ngày, muốn gặp rất khó. Tôi ở sát bên nhưng hiếm khi gặp lắm. Họ chỉ lấy bảng gắn lên tường để có địa chỉ công ty ở đây thôi chứ sản xuất ở đâu, tôi không biết ” - một hàng xóm nhà phân phối này cho biết.
Quan trọng hơn, nhiều thành phần phụ gia có hại cho sức khỏe như chất nhũ hóa (làm đặc), chất ổn định… cũng không thể hiện rõ trên nhãn. Bên cạnh việc không ghi rõ chất phụ gia, thành phần đường trong sữa này cũng cao gấp đôi và tỷ lệ đạm cũng thấp hơn nhiều những nhãn sữa thông thường khác.
TS Phan Thế Đồng - giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ, ĐH Hoa Sen TP.HCM cho biết, SĐCĐ được làm từ nguyên liệu sữa bột, trong quá trình làm từ sữa tươi ra sữa bột phải có chất tạo nhũ. Trong quá trình làm SĐCĐ tiếp tục thêm chất tạo nhũ, dầu thực vật để ổn định chất béo, làm chất béo và dầu cọ không bị tách ra; tạo độ sánh, dẻo, kẹo.
Nếu sản phẩm không ghi chất ổn định, chất nhũ hóa… thì chứng tỏ bao bì ghi không đầy đủ. Lượng chất tạo nhũ, chất ổn định nhiều có thể không gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng đổi lại thành phần sữa thật trong SĐCĐ sẽ ít đi. Nếu không có chất nhũ hóa, chắc chắn trong sản phẩm có thêm bột hoặc chất phụ gia nào khác thì sản phẩm mới sánh đặc, dẻo. Và liệu phụ gia này có độc hại hay không thì người tiêu dùng khó biết được.
Nhiều dấu hiệu sai phạm
Hiện sản phẩm nhập khẩu có hai dòng: được nhập trực tiếp thành phẩm và nhập nguyên liệu, sau đó tự đóng gói. Theo TS Phan Thế Đồng, nếu như sản phẩm nhập trực tiếp từ công ty nổi tiếng, trên nhãn phụ sẽ ghi rất rõ ràng về thành phần, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn, địa chỉ cụ thể (tên công ty, số điện thoại, website, email…).
Nhưng nếu sản phẩm được nhập từ các công ty tư nhân nhỏ, nhãn phụ ghi rất sơ sài, ví dụ trên sản phẩm nhà phân phối chỉ ghi thành phần chung chung gồm đường, sữa khô không béo, dầu cọ tinh luyện.
Riêng các sản phẩm được công ty nhập nguyên liệu về nước rồi đóng gói mà không có cơ sở rõ ràng, người tiêu dùng chỉ sử dụng sản phẩm bằng… niềm tin, nếu xảy ra sự cố không biết khiếu nại ở đâu vì một số nhà nhập khẩu và phân phối “ém nhẹm” số điện thoại, website công ty trên thông tin sản phẩm.
Trước hiện tượng thị trường tràn ngập SĐCĐ ngoại giá rẻ nhưng không biết chất lượng đến đâu, ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết, trong tuần vừa qua, chi cục tạm giữ 637kg bột kem, 476 đơn vị sản phẩm sữa bột không rõ nguồn gốc. Nhãn trên sản phẩm phải ghi đúng theo quy định như: thành phần công bố, nguồn gốc, tên công ty (địa chỉ, số điện thoại, website…) để người tiêu dùng biết.
Việc ghi nhãn không đúng trên sản phẩm, thiếu thành phần công bố cũng được xem là dấu hiệu sai phạm, có thể phạt và xử lý. Với những sản phẩm SĐCĐ ngoại giá rẻ này, sắp tới chi cục sẽ tìm hiểu và kiểm tra kỹ hơn.
Là một công ty chiếm 80% thị phần SĐCĐ trong ngành sữa tại Việt Nam, khi nghe đến những sản phẩm SĐCĐ ngoại nhập có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm công ty, ông Đỗ Thanh Tuấn - Giám đốc đối ngoại Vinamilk cho biết, tất cả các hãng sữa khi nhập về Việt Nam đều có giá cao hơn so với Vinamilk. Trong đó có thể có vài loại giá rẻ hơn do mỗi doanh nghiệp có chính sách giá khác nhau, ví dụ như mới xuất hiện nên bán rẻ để thu hút người tiêu dùng. Hiện nay Vinamilk đang có chiến lược riêng và giữ vững chiến lược đặt ra, không chạy theo những sản phẩm rẻ trên thị trường để làm tổn hại thương hiệu của mình.
Hiện giá SĐCĐ ngoại đang bị nhiều siêu thị khuyến mãi “ảo” hoặc bán với giá rất “loạn”. Ông Pranav Kumar, đại diện nhà sản xuất Promac EnterPrises SDN BHD, nhãn hàng sữa Milko tại Việt Nam khẳng định: “Một số thương hiệu SĐCĐ Thái Lan, Malaysia hiện có giá thật rất rẻ, do khi nhập sữa từ các nước này không tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm đang được một số nơi tự ý nâng giá lên gấp đôi, sau đó dùng chiêu giảm giá gần 50% để thu hút người tiêu dùng. Thực chất sản phẩm quá rẻ rất khó đảm bảo chất lượng”.
|
Thanh Hoa