Đã có 28 thí sinh liên quan đến vụ tiêu cực thi cử nghiêm trọng ở Hòa Bình đã bị các trường của Bộ Công an trả về địa phương. Danh sách này sẽ còn cập nhật trong các ngày tới.
|
Nam sinh tỉnh Sơn La trúng truyển vào Trường đại học Y Hà Nội nhờ được nâng điểm cao hơn gấp đôi điểm thật |
Thí sinh V.H.L. (học sinh Trường THPT Tô Hiệu, tỉnh Sơn La) trúng tuyển ngành y khoa của Trường đại học (ĐH) Y Hà Nội năm 2018 vừa qua với điểm số cao ngất ngưởng 28,4 điểm, lọt vào top 3 thí sinh có điểm cao nhất trường, song thực chất chỉ đạt 13 điểm sau khi chấm thẩm định.
Cụ thể, thí sinh này đạt điểm thi môn toán là 9,4 điểm; môn hóa học 9,5 điểm và môn sinh học 9,5 điểm. Theo kết quả chấm thẩm định mà Bộ GD-ĐT đã công bố, điểm thi lần lượt của thí sinh này là toán 5,6 điểm; hóa 3,4 điểm và sinh 4 điểm, tổng điểm ba môn là 13 điểm. Như vậy, sinh viên này được nâng đến 15,3 điểm để trúng tuyển vào một ngành top đầu mơ ước của các thí sinh và trường danh giá nhất nhì cả nước.
Trường THPT Tô Hiệu, tỉnh Sơn La có Phó hiệu trưởng Đặng Hữu Thủy, bị Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Sơn La) ra quyết định khởi tố ngày 31/7/2018, do liên quan đến vụ án sửa điểm thi tại hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh này.
Ngay sau khi vụ gian lận điểm thi ở Sơn La được phát hiện và các trường ĐH công bố kết quả xét tuyển, tháng 8/2018, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, xác nhận trong số ba thí sinh có điểm cao nhất trúng tuyển vào trường có một thí sinh đến từ tỉnh Sơn La.
Sáng 11/4, lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, trường này đã gửi công văn liên quan đến thí sinh gian lận điểm thi cho Sở GD-ĐT Sơn La, tuy nhiên, trường vẫn chưa nhận được công văn trả lời nên chưa thể xử lý thí sinh địa phương này trúng tuyển vào trường. Với một số trường hợp nâng điểm ở Hòa Bình, trường đã nhận được công văn trả lời từ Sở GD-ĐT Hòa Bình.
Theo ông Nguyễn Hữu Tú, trong danh sách thí sinh được nâng điểm thi mà Sở GD-ĐT Hòa Bình gửi về trường, có hai thí sinh đỗ vào ngành y đa khoa năm 2018. Trong đó, một thí sinh có điểm thực không đủ điều kiện trúng tuyển vào trường. Một thí sinh có điểm một môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị giảm 2 điểm so với điểm thực ban đầu. Với trường hợp này, nhà trường đang chờ công văn của Sở GD-ĐT Hòa Bình thông báo thí sinh này có đủ điều kiện tốt nghiệp hay không thì trường mới có biện pháp xử lý.
Ông Tú cho hay, với những trường hợp thí sinh không đủ điểm đỗ, nhà trường sẽ xử lý theo đúng quy chế tuyển sinh là buộc thôi học.
Theo tìm hiểu, kết thúc học kỳ I tại Trường ĐH Y Hà Nội, điểm trung bình các môn của V.H.L. chỉ đạt 3,42. Đại diện trường y cũng cho rằng, đặc thù ngành y phức tạp, gian nan, nhiều em thi đỗ vào trường nhưng không có năng lực, sớm muộn gì cũng bị loại ngay từ những năm đầu. Biết vậy, nhưng cũng khó ngờ được những sinh viên “ngồi nhầm chỗ” này lại “bằng cách nào đó” có thể tốt nghiệp ra trường, thì quả là nguy hiểm cho xã hội.
Dung Nhi
Con trưởng phòng giáo dục trung học được nâng 6,05 điểm
Thí sinh N.Y.K., con của Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Sơn La, Nguyễn N.H., nằm trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Sơn La. Theo đó, điểm thi ban đầu của N.Y.K. môn toán là 9,60; môn ngoại ngữ là 9,60. Sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định, điểm thực của Y.K là môn toán 7,0 điểm; môn tiếng Anh 7,4 điểm. Số điểm được nâng hai môn của Y.K. là 4.8 điểm.
Tuy nhiên, trong đợt chấm thẩm định môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT hồi trung tuần tháng 7/2018, N.Y.K. cũng là một trong 42 thí sinh của Sơn La có điểm chấm lại thấp hơn điểm công bố ban đầu 1,25 điểm. Điểm môn ngữ văn ban đầu của Y.K. là 9 nhưng điểm thực chỉ là 7,75 điểm. Như vậy, tổng số điểm mà Y.K. được nâng lên là 6,05 điểm.
Được biết, N.Y.K. hiện đang theo học tại một trường ĐH thuộc khối kinh tế tại Hà Nội.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT: Chịu hậu kiểm sẽ “lòi” ra kẻ gian lận
Đã có ba địa phương bị phát hiện có gian lận trong thi cử thì rất khó có khả năng loại trừ những địa phương khác không có tiêu cực.
Vấn đề là làm thế nào để phát hiện mà không chờ tố cáo đơn lẻ. Công tác hậu kiểm sau thi cử rất quan trọng để phát hiện sự gian dối kết quả trong thi cử. “Màng lọc” ĐH rất quan trọng, những thí sinh nhờ gian lận để vào ĐH sẽ lộ diện ngay năm đầu tiên.
Lấy dẫn chứng như Trường ĐH Y Hà Nội, tra vào kết quả học tập sẽ thấy sinh viên đã từng gian lận để có điểm thi thật cao có kết quả học rất tệ ngay học kỳ đầu. Nếu quyết liệt chống gian lận thi cử, chỉ cần nghiên cứu thêm kết quả học tập của những thí sinh thi đạt 25 điểm trở lên đang học ở một số ĐH thì bức tranh rõ hơn về tiêu cực thi cử ở ngành giáo dục sẽ hiện ra.
Chẳng có gì khó nếu để giảng viên phát hiện ra những người không có thực chất. Những người gian lận không xứng đáng học ĐH và không nên để tốt nghiệp ĐH sẽ ảnh hưởng uy tín, danh dự trường.
Và giả sử, để đối tượng sinh viên này yên ổn ra trường, hành nghề y, giáo dục, làm luật… sẽ làm hại cho nhiều người.
G.Tuệ (ghi)
|