Thế là lại có thêm 3 hiệp sĩ bị bọn trộm cắp đâm trọng thương. Vụ việc xảy ra tại TP.Biên Hòa và H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai vào rạng sáng 21 và 22/8 vừa qua. Các anh bị kẻ trộm cắp tấn công khi phát hiện và truy bắt chúng.
|
Hiệp sĩ Sài Gòn bắt cướp |
Dư luận nhìn nhận hiệp sĩ theo nhiều chiều khen - chê, thấu cảm - trách móc và theo chiều nào cũng có cái lý của nó. Tôi thì thấy rằng, sự xuất hiện và tồn tại của các anh là lẽ tự nhiên khi mà tội phạm quá lộng hành, dù chuyện bắt cướp, bắt trộm rất nguy hiểm và không phải trách nhiệm của họ. Khi bị đẩy vào đường cùng, tội phạm sẽ không từ một hành động nào để thoát thân.
Đã có rất nhiều bài học đau lòng cho câu chuyện này mà điển hình là vụ 5 hiệp sĩ ở TP.HCM bị bọn cướp đâm, trong đó có 2 người tử vong, xảy ra vào đêm 13/5. Các anh thiệt thân đã đành, bao người thân ở lại cũng mất nơi nương tựa. Ở các nước phát triển, chính quyền khuyến cáo người dân không nên can dự vào những tình huống nguy hiểm kiểu như bắt trộm cướp.
Thay vào đó, khi gặp trộm cướp, người dân cần báo với cảnh sát và chỉ trong vòng ít phút, cảnh sát có mặt ngay. Thậm chí, trong cuộc sát hạch để được sử dụng súng tại Mỹ, còn có câu hỏi đại ý “khi anh/chị đang mang súng trong người, nếu gặp cướp thì xử trí như thế nào?”. Và câu trả lời đúng nhất là gọi điện báo cảnh sát.
Còn ở ta, trong rất nhiều trường hợp cần báo cho công an, người dân đã không báo. Thậm chí, họ còn có tâm lý ngại gặp công an khai báo lằng nhằng mà không chắc vấn đề có được giải quyết rốt ráo hay không.
Trong nhiều tình huống, người dân đã tự nghĩ ra cách giải quyết. Chẳng hạn, nếu bị mất giấy tờ, họ tự quảng cáo trên đài báo, thông báo trên mạng xã hội hoặc dán thông báo ở những nơi công cộng với hy vọng có người đọc được và trả lại. Tự xử lý việc của mình nhiều khi đã dẫn đến những chuyện phạm pháp đau lòng như chuyện cả làng xúm lại đánh chết những kẻ trộm chó.
Nói thật, đa số người dân đã quá mất kiên nhẫn với sự tiếp nhận và xử lý tin báo của công an phường, xã. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều vụ đánh nhau gây ồn ào cho cả xóm, nhưng phải mất khoảng một giờ sau khi được dân báo, công an mới có mặt. Lúc ấy, mọi chuyện bị xem như “không có gì xảy ra”.
Rồi bao chuyện cờ bạc, rượu chè, đá gà… xảy ra như cơm bữa trong khu dân cư, gây bức xúc cho nhân dân, nhưng chẳng thấy lực lượng chức năng đâu. Từ đó, người dân thường có xu hướng phản ánh và nhờ cậy báo chí lên tiếng giúp, hoặc nhờ hiệp sĩ điều tra, giải quyết giúp.
Trường hợp 2 hiệp sĩ bị trộm đâm mới đây tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là một ví dụ. Khi dân phát hiện trộm, họ đã gọi điện cho 2 anh và các anh đã có mặt rất kịp thời. Tôi không rõ cùng thời điểm đó, người dân có gọi cho công an không, nhưng có hay không thì trong trường hợp này, lực lượng công an đều dở: hoặc là không có mặt kịp thời hoặc là không được dân tin tưởng.
Qua báo chí, tôi cảm nhận, các hiệp sĩ là những con người can đảm, không sợ nguy hiểm, nhưng đồng thời cũng có óc quan sát và nhận định tình hình rất tốt nên trong nhiều vụ việc, họ có mặt và ra tay rất kịp thời, thu được những chiến công vang dội. “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, các hiệp sĩ như những Lục Vân Tiên của thời nay, nên họ nhận được sự quý mến, tin tưởng và ngưỡng mộ của dân chúng cũng là điều dễ hiểu.
Hiệp sĩ cũng là quần chúng nhân dân, nhưng là những quần chúng đặc biệt, có uy tín và tạo được niền tin với nhân dân, tạo được cảm xúc và sự trân trọng của xã hội, chứng tỏ xã hội đang rất cần những người như họ.
Với ngành công an, hiệp sĩ chắc chắn sẽ là những quần chúng vô cùng đắc lực, khi mà chúng ta đang xây dựng và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vậy thì tại sao ngành công an không làm gì đó để giúp họ, như huấn luyện nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, đồng thời có sự phối hợp hành động nhằm giúp họ tránh được những tình huống nguy hiểm, hoạt động hiệu quả hơn?
Lúc 4g ngày 21/8, tại khu nhà trọ ở khu phố 12, P.An Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, 2 nghi can (chưa rõ lai lịch) đến con hẻm cụt, dùng kìm cộng lực phá khóa cổng một nhà dân với ý định trộm xe máy. Chủ nhà phát hiện, gọi điện báo cho hiệp sĩ Phan Văn Hóa và Nguyễn Minh Hưng (thuộc câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm P.An Bình, TP.Biên Hòa) đến kiểm tra. Khi 2 anh đến nơi, 2 nghi can chống trả, dùng dao nhọn đâm vào tay anh Hưng rồi đâm vào mạn sườn anh Hóa. Người dân đã đưa 2 nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cấp cứu; anh Hưng được khâu vết thương và xuất viện, anh Hóa bị thương nặng, hiện vẫn đang được theo dõi, điều trị.
Tiếp đó, rạng sáng 22/8, tại xã Long An, H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai, hiệp sĩ Lâm Hồng Hạng cùng các thành viên câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đi tuần tra, phát hiện 4 thanh niên chạy xe máy có biểu hiện nghi vấn nên bám theo. Khi đến xã Long An, biết bị hiệp sĩ bám theo, nhóm nghi can bỏ lại bao tải chứa 3 xác chó rồi bỏ chạy. Khi nhóm hiệp sĩ áp sát, nhóm nghi can trộm chó ném ớt bột và bắn súng điện vào tay khiến anh Hạng ngã xuống đường, bị đa chấn thương đầu, chân tay, phù nề mặt, được đồng đội đưa đi cấp cứu.
|
Phương Dung
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)