Sự vô lý dễ thương

14/04/2023 - 14:36

PNO - Ba mẹ tôi nói người già là trẻ con lần hai, hôm nay quan tâm, thông cảm với người già thì mai kia mình cũng được đối xử như thế.

Chị đồng nghiệp đi làm trễ than thở: “Vừa dắt xe ra khỏi nhà, bà ngoại đòi đi dạo hít thở không khí trong lành”.

Chị sắp trễ giờ làm nhưng bà một hai không chịu, còn ngồi bệt xuống đất sụt sịt khóc. Thế là chị đành nhờ hàng xóm đưa con đến trường còn mình thì cùng với bà ngoại đám trẻ… dung dăng dung dẻ ngoài công viên. Lúc đưa bà về nhà, bà còn đòi chị mua gói xôi. “Ban đầu thấy bực, nhưng nhìn bà vui vẻ, còn dặn mai đi nữa lại thương. Ở nhà một mình không ai chuyện trò…”.

Nghe chuyện chị tôi lại nhớ ngày đi học, một chiều tôi gặp một bà già xin đi nhờ xe. Bà nói rất rõ ràng địa chỉ nhà người quen bà muốn đến. Đến nơi thì nhà khóa cửa, tôi còn chưa biết xử lý sao thì bà tỉnh queo: “Nhà đi vắng rồi, thôi con chở bà về lại chỗ khi nãy”.

Tôi sẽ quên bà rất nhanh nếu một chiều khác không gặp bà. Bà cũng vẫy tay xin đi nhờ xe nhưng hôm nay bên cạnh bà là một phụ nữ trung niên. Người này đang kéo tay bà nói gì đó.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Tôi tò mò dừng xe. Hóa ra bà rất thích đi chơi, chơi chán trong xóm bà lại muốn đi chơi xa, nên khi con cháu lơ đãng là bà lại ra đường vẫy, xin đi nhờ xe. Không phải mình tôi mà không ít người đã chở bà đi một vòng như tôi. Con gái bà áy náy: “Ở nhà con cháu để ý ngó chừng mà thoáng cái bà lại lẻn đi. Cũng may bà gặp toàn người tốt”.

Tôi không giận bà, lại thấy có chút thú vị, nhất là khi con gái đang kể chuyện mình thì bà vẫn nhiệt tình ngả nón ra vẫy xe nhưng thi thoảng quay lại cau mày: “Đi chơi một tí có sao, có bỏ cơm đâu?”. Con gái bà vội cười: “Dạ, không sao, nhưng má để tụi con chở má đi, ngoài đường xe cộ nhiều…”, bà làu bàu: “Bây không chở má đi thì má tự đi”. 

Tôi nghĩ đến ông bà nội ngoại, bà ngoại tôi thêm tuổi càng hay hờn dỗi, bà bỏ ăn chỉ mong được cháu chắt dỗ dành, hứa mua cho món này món kia. Bà ngoại rất thích ngồi chỉ đạo kêu tôi gắp món này, xúc món kia. Ăn cơm xong bà còn móc tiền ra cho, còn dặn tôi giấu đi kẻo “chúng nó” thấy lại kiện. “Chúng nó” ở đây là những người cháu khác của bà và “chúng nó” đang ngồi quanh ngoại chứ xa đâu.

Ông nội tôi có bệnh điếc… chủ động, nghĩa là ông chỉ nghe những gì ông muốn, hễ ai giục ông đi rửa tay, tắm gội là ông quyết tâm không nghe. Bạn già rủ đến nhà ai ông không thích là ông ngó lơ, nhưng đổi sang nhà khác thì ông lại bỗng dưng… nghe thấy.

Ba mẹ tôi nói người già là trẻ con lần hai, rồi ai cũng sẽ trải qua nên hôm nay quan tâm, thông cảm với người già thì mai kia mình cũng được đối xử như thế. Ông bà nội ngoại tôi cả đời vất vả lo cho con xong rồi lại lo cháu, nên giờ chúng tôi có chiều chuộng, có bị ông bà làm khó cũng coi như bù đắp cho ông bà.

Ông bà còn sức khỏe, còn vô lý thì con cháu càng mừng. Chỉ ngại lâu lâu ông bà có những đòi hỏi vô lý khiến con cháu nháo nhào, như giữa khuya bà ngoại nằng nặc đòi đi bệnh viện, hỏi đau chỗ nào, khó chịu chỗ nào thì lắc đầu nói không. Ba tôi lấy xe ra chở bà đi một vòng, hỏi có đi bệnh viện nữa không, bà nói về đi ngủ.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Nên tôi hay nhìn những người già và mỉm cười. Tôi không thấy những nhăn nheo trên mặt hay trên tay, tôi vui vẻ chờ đợi họ nói gì đó để thấy ông bà tôi vô lý nhưng ông bà nhà người ta còn vô lý hơn nhiều. Tôi thấy chị đồng nghiệp than thở đó lại cười vui đó, ba mẹ tôi lắm phen xám mặt lại nói “ông bà có trò gì cũng được, miễn đừng đau bệnh là mừng”.

Tôi những mong mai này khi mình về già, mình cũng được vô lý và được con cháu cảm thông, chăm sóc; bởi có gì hạnh phúc hơn là nhìn thấy con cháu quây quần, quan tâm đến mình. 

Thái Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI