Sự vô cảm mới đáng sợ

02/04/2019 - 11:00

PNO - Năm nữ sinh thi nhau đạp vào đầu, vào thân, tát, lột quần áo, túm tóc kéo một nữ sinh cùng lớp. Họ hả hê, hung tợn, bất chấp sự van nài, khóc thét của nạn nhân…

Ngành giáo dục đã “trôi” đến hôm nay với dồn dập các vụ bạo hành, mức độ tăng dần tính nguy hiểm. 

Đụng đến đâu “xì” đến đó

Trên giường của Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên, H.Y. - (sinh năm 2004, lớp 9A Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), nạn nhân trong clip nói trên - kể rằng, đây không phải lần đầu em chịu sự bạo hành, bắt nạt bởi những người bạn. Trước đó, Y. đã nhiều lần bị đổ mực lên người, chửi bới, đe dọa, đánh… dằn mặt. Bao nguyên nhân mà Y. đưa ra rất học trò: quên mang mũ cho bạn, không chịu bôi son trát phấn như bạn… thực chất chỉ là cơn cớ của hiện tượng chưa bao giờ được ngành giáo dục khai quật, xử lý: thói “đại bàng” trong môi trường học đường. Chỉ cần một chữ “hơn” dẫn đến sự khác biệt (học giỏi hơn, nhút nhát hơn, hiền hơn, nghèo hơn…), bất cứ cô cậu nào cũng trở thành cái gai, lập tức bị cô lập. Mà Y., không được lanh lợi, gia cảnh nghèo, cha mẹ không biết chữ… thì còn gì thuận lợi hơn cho đám đông ghét bỏ?

Su vo cam moi dang so

Lẽ thường, những đứa trẻ như Y. phải được nhận nhiều hơn sự giúp đỡ từ bạn bè. Giáo viên có trách nhiệm quan tâm, động viên, nhắc nhở bạn cùng lớp yêu thương Y. Ở đây, Y. bị bỏ mặc, bị nhấn chìm trong thân phận miếng mồi ngon của bạo lực học đường. Tệ hơn, ngôi trường này không hề có phương án giúp đỡ, dù biết nhiều lần Y. bị bắt nạt. Thế nên, khi sự việc xảy ra, nhà trường đã lấp liếm, chối phăng trách nhiệm bằng sự dối trá đáng khinh: yêu cầu các em xóa clip và không kể lại với ai. Thay vào đó, thoạt đầu chính mình cũng bức xúc, ông hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong đưa ra mức kỷ luật đình chỉ hết năm học đối với năm nữ sinh; và rồi, căn bệnh thành tích kéo ông về với quyết định đình chỉ trong một tuần.

Vòng tròn để một đứa trẻ phát triển toàn diện dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Sự gãy đổ của bất cứ mắt xích nào đều đem lại thất bại trong dạy dỗ, uốn nắn đứa trẻ. Ấy vậy, thói bất công, dối trá, quyền lực của môi trường học đường lâu nay đụng đến đâu, trong câu chuyện cụ thể nào là “xì” ra sự gãy đổ đến đó. 

Thật bất an, kinh ngạc khi bạo lực học đường ngày càng nhiều với mức độ tăng dần tính nguy hiểm. Chuyện của Y. không hề cá biệt. Từ bức xúc bởi không đồng quan điểm khi tranh luận trên Facebook, các em liền chia thành hai nhóm, hẹn nhau “tính sổ”; ghen tuông, nhóm nữ sinh kéo bè kéo cánh đón đầu hành hung bạn đến mức phải nhập viện… Thế nhưng, các em nhanh chóng được “dàn xếp” bằng những quyết định không đủ sức răn đe, không đủ làm bài học “dẹp loạn” thói du côn học đường. Còn người có trách nhiệm, không mấy ai mạnh dạn đứng ra nhận lãnh.

Cơ quan chức năng, cụ thể là chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình của nạn nhân lẫn kẻ bắt nạt, hầu như không ai muốn lớn chuyện. Pháp luật quy định rõ việc đưa vào trường giáo dưỡng được xem là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, có hành vi vi phạm luật hành chính (bao gồm xúc phạm, xuyên tạc, làm nhục, kỳ thị người khác). Nhưng, trường mang bệnh thành tích, phụ huynh sợ hãi ảnh hưởng tương lai con dẫn đến những quy định về giáo dưỡng hiếm khi có tác dụng.

Su vo cam moi dang so
 

Những cái kết tất yếu

Trong khi ngành giáo dục với không ít hội thảo hòng đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng bắt nạt học đường không đủ sức áp dụng thực tiễn và chủ yếu tập trung “lên án” kẻ bắt nạt, thì một thế hệ học trò trong vai khán giả chưa hề được đề cập, được trang bị kỹ năng giúp hóa giải xung đột. Chỉ cho đến khi Y. nhập viện, những người bạn của em mới mạnh dạn tiết lộ, không phải lần đầu Y. bị bắt nạt. 

Nhưng những “khán giả bất đắc dĩ” - bị ép phải chung tay bạo hành bạn, thậm chí chỉ bàng quan đứng ngó, liệu rằng có cái giá nào phải trả? Thực chất, các em không hề là đối tượng trung lập, cần “cho qua”. Sự liên đới của các em ở vai trò vừa là nạn nhân vừa là “tòng phạm”. Không ra tay ngăn chặn, không lớn tiếng yêu cầu chấm dứt hành vi bạo lực, không báo cho người lớn biết hoặc… không làm gì cả, các em đã vô tình cổ vũ sự liều lĩnh, “tiếp lửa” cho hành vi bạo lực. Ngay cả khi chúng ta vin vào lý giải các em mang nỗi sợ làm “người hùng” - đồng nghĩa với lo lắng sẽ trở thành nạn nhân, bị xa lánh, cô lập thì rõ ràng, các em cũng đang là nạn nhân của chính kẻ bắt nạt. 

Su vo cam moi dang so
 

Hơn thế, sự hình thành của tâm lý sợ hãi này kéo theo sự bất an không chỉ trong thời khắc xảy ra vụ việc; mà trong suốt cuộc đời, tính cách, lựa chọn của các em cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Một xung đột tương tự gặp phải của chính mình hay là người chứng kiến, các em không tránh khỏi bị tê liệt, không có khả năng giải quyết hay hóa giải tình hình.

Sau cùng, liệu có sự liên quan nào không khi mới đây, cháu tôi - sinh viên đại học - kể rằng trên đường đi học về chứng kiến một vụ cướp giật. Một cô gái đi đường bị hai tên cướp giật dây chuyền. Cô gái khản giọng kêu “cướp, cướp” hòng kêu gọi sự giúp đỡ của người xung quanh, nhưng ai nấy trơ mắt nhìn. Giữa lúc mọi người còn ngó nhau để thăm dò thái độ, hai tên cướp như thể được tiếp thêm sức mạnh, quay lại đạp ngã cô gái rồi một tên leo lên chiếc xe của cô chạy mất. Cháu tôi về nhà trong bộ dạng bần thần: “Con sợ ra đường, không phải sợ cướp mà… sợ sự vô cảm của những người xung quanh”. Ai đảm bảo chúng ta không trở thành nạn nhân nếu cái xấu, cái ác được nuôi sống từ sự bàng quan, yếu nhược này? 

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương (chuyên gia tâm lý học đường Học khu Long Beach, Mỹ; tác giả cuốn sách Dạy con trong hoang mang) chia sẻ, tại một số bang của Mỹ như California, nếu con mình bắt nạt người khác, phụ huynh hay người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc thậm chí là hình sự tùy mức độ gây tổn thương. Hay tại tiểu bang Connecticut, vừa qua một phụ huynh kiện một học khu ra tòa vì đã để con mình bị bắt nạt. Trong điều khoản bồi thường, phụ huynh này yêu cầu giám đốc học khu phải từ chức, cả học khu phải tuyên bố công khai rằng, đã phạm pháp vì không bảo vệ được học sinh của mình, đồng thời học khu phải thay đổi chính sách về phòng, chống bắt nạt học đường.

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI