Sự tử tế bị đánh cắp

11/06/2015 - 17:28

PNO - PN - Là người thầy, ngoài việc chuyển tải nội dung bài học, tôi thường dành thời gian dạy cho các em học sinh những bài học làm người: cần đối xử tử tế với những người gặp khó khăn, những cụ già, trẻ em ăn xin… Nhưng, trên...

edf40wrjww2tblPage:Content

Một lần đi qua cầu Đồng Nai, tôi thấy một phụ nữ trạc 50 tuổi đi xe Chaly màu trắng đứng ở đầu cầu vẫy tay. Nghĩ bà ta cần sự giúp đỡ gì đó, tôi tấp xe vào hỏi. Bà ta cho biết xe hết xăng mà tiền thì chẳng có. Thế là tôi đưa cho bà mấy chục ngàn đồng để đổ xăng về nhà. Tôi lên xe đi tiếp, ngoái nhìn lại thì thấy bà ta vẫn tiếp tục xin người khác, mới nhận ra mình đã bị lừa.

Mấy hôm sau, đi qua cầu vượt Sóng Thần, tôi lại thấy bà này đứng trên cầu với chiêu cũ. Tôi dừng lại, nhắc việc gặp bà ở cầu Đồng Nai và nói: “Bà đừng lợi dụng lòng tốt của người khác. Còn khỏe mạnh, cần kiếm tiền bằng sức lao động của mình”. Vậy là bà ta lên xe, bỏ đi.

Su tu te bi danh cap

Người phụ nữ này ngày nào cũng bế đứa bé tật nguyền xin ăn tại đường Lý Thường Kiệt (khu vực Q.10, Tân Bình) - ảnh: Phùng Huy.

Chiêu xin tiền đổ xăng đó, sau này tôi còn gặp khá nhiều.

Một lần, hai người bạn đi Vũng Tàu về kể, dọc đường có người xin tiền đổ xăng. Cô bạn gái muốn cho nhưng cậu bạn quyết định không cho vì cậu từng gặp những trường hợp tương tự. Không xin được tiền đổ xăng, chỉ chốc lát, người kia lên xe phóng đi trong sự ngỡ ngàng của cô bạn gái.

Một lần khác tôi gặp một phụ nữ ngồi ở ngã tư Bảy Hiền cùng cô con gái trạc 16 tuổi đang “cầu cứu” người đi đường. Tay bà ta cầm xấp hóa đơn bệnh viện để cho người đi đường biết rằng đang cần tiền để chữa trị cho con gái. Trước tình cảnh đó, khá nhiều người động lòng, dừng lại cho tiền. Tôi cũng thế. Sau khi đi được một đoạn, tôi thấy có một thanh niên chạy xe vòng qua vòng lại và cứ nói nói gì đó với hai mẹ con bà ta, tôi nghĩ mình lại bị lừa.

Trước đây khi nhìn thấy những cụ già, trẻ nhỏ đi ăn xin, tôi chẳng tiếc mấy ngàn lẻ cho họ, nhưng khi xem truyền hình, báo chí, tôi mới hay họ bị chăn dắt. Kể từ đó, ít khi tôi cho tiền họ nữa.

Những con người lười lao động, những kẻ chăn dắt người già, trẻ em đang lợi dụng lòng tốt của người đi đường. Sự tử tế của con người đã bị lợi dụng.

Giờ đây, mỗi lần ra đường chúng ta thường dễ bắt gặp những hình ảnh như thế. Khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Nếu cho những kẻ lợi dụng lòng tốt thì chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”; còn nếu những trường hợp cần được giúp đỡ thật sự mà mình không giúp đỡ thì bản thân áy náy, cảm thấy có lỗi với họ.

Tử tế hay không tử tế? Tử tế với ai? Tử tế với những trường hợp nào là đúng? Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời khi thật giả khó lường.

Sự xấu xí của một số người Việt đã làm ảnh hưởng rất lớn đến những nét đẹp truyền thống, đạo lý của dân tộc.

HOÀNG THÁI HÙNG (Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI