Sự trỗi dậy của văn hóa… lười biếng

10/10/2022 - 06:41

PNO - Làm ít hơn, thư giãn nhiều hơn, thờ ơ với những mối quan hệ quanh công việc, gia đình và xã hội... đang là trào lưu trên TikTok.

“Âm thầm rút lui”, “nằm thẳng” hay “chờ mục nát” là những trào lưu về cách làm việc đang được lan truyền nhanh chóng trên TikTok. Tất cả đều có đặc điểm chung là làm ít hơn, thư giãn nhiều hơn, thờ ơ với những mối quan hệ quanh công việc, gia đình và xã hội.

Làm việc ít hơn 

Vào năm 2021, các nhà tuyển dụng trên khắp nước Mỹ đã có báo cáo về làn sóng nghỉ việc, với ​khoảng 4 triệu người rời lực lượng lao động mỗi tháng vì cảm thấy mệt mỏi và mất phương hướng. Sau thời điểm đó, những người lao động bắt đầu chọn giảm làm việc theo một cách tiếp cận khác an toàn hơn, đó là “âm thầm rút lui - quiet quitting”.

Trên các nền tảng như TikTok, thuật ngữ này được sử dụng để mô tả cách tiếp cận công việc, duy trì hiệu suất ở mức tối thiểu nhằm tránh bị sa thải, đồng thời hạn chế mọi giao tiếp với đồng nghiệp để không ai nhận thấy bạn đang làm gì. Mọi người có xu hướng “âm thầm rút lui” khi áp lực công việc khiến họ mệt mỏi và họ không hiểu tại sao mình cần phải vượt qua tất cả chỉ để đem về một khoản lương thấp. 

Nhiều thanh niên Trung Quốc có xu hướng chọn cách làm việc từ bỏ các mục tiêu và sự phấn đấu - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Nhiều thanh niên Trung Quốc có xu hướng chọn cách làm việc từ bỏ các mục tiêu và sự phấn đấu - Ảnh: Shutterstock 

Một cuộc thăm dò gần đây của trang Axios về nhóm lao động gen Z (sinh trong giai đoạn 1997-2012) ở Mỹ cho thấy, 15% đang làm việc ở mức tối thiểu tại nơi làm việc, trong khi hơn 80% thừa nhận rằng trào lưu “âm thầm rút lui” nghe có vẻ “hấp dẫn” đối với họ. 

Trên trang web Mumsnet tại Anh, nơi các bậc cha mẹ chia sẻ và đưa ra lời khuyên cho những người khác, một bà mẹ trẻ bày tỏ sự thất vọng với đồng nghiệp. Theo đó, cô ấy tin rằng đồng nghiệp này đang trốn tránh trách nhiệm và khiến những người còn lại trong nhóm làm việc chậm đi. Người đồng nghiệp “lười biếng” trong bài viết thường trốn việc ít nhất một tiếng rưỡi mỗi ngày để đưa đón con đến trường và buộc những người còn lại trong bộ phận phải đối mặt với khối lượng công việc ngày càng tăng.

Bài đăng nhận được hơn 250 phản hồi, với nhiều người bày tỏ sự đồng cảm. Một bình luận viết: “Bạn nên tập trung vào công việc của chính mình thay vì gánh cả phần việc cho đồng nghiệp”. Một bình luận khác bổ sung: “Người duy nhất cần giải quyết vấn đề này là quản lý của bạn, hãy nói chuyện với họ và để họ xử lý”.

Xu hướng đáng lo ngại trong giới trẻ

Sau nhiều thập niên nổi tiếng với văn hóa 996 - làm việc chăm chỉ từ 9g sáng đến 9g tối suốt sáu ngày trong tuần - sự thay đổi dường như đã đến với người lao động Trung Quốc. “Tôi có thể làm điều đó vào ngày mai không?” hoặc “Tôi có thể không làm được không?” dần trở thành câu hỏi cửa miệng của nhiều lao động trẻ, dưới tác động từ các hiện tượng văn hóa, kinh tế và xã hội khác nhau trong những năm qua. Sau hai năm đại dịch cùng các hạn chế nghiêm ngặt, nền kinh tế Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp khoảng 19,3% trong nhóm tuổi từ 16-25. Điều đó có nghĩa là khoảng 15 triệu thanh niên Trung Quốc đang thất nghiệp, gần gấp đôi tỷ lệ ở Mỹ, và tình hình xem chừng ngày càng tệ hơn bởi sự trỗi dậy của văn hóa lười biếng. 

Vào năm 2021, “nằm thẳng - tang ping” trở thành xu hướng của không ít người lao động trẻ Trung Quốc để phản đối sự cạnh tranh quá mức, và bảo vệ bản thân bằng cách hướng tới một cuộc sống ít ham muốn, không ganh đua. Đáng chú ý vào năm 2022, một xu hướng mới tên “bai lan” ra đời, và thậm chí càng tệ hơn.

“Bai lan” hay “chờ mục nát” có nguồn gốc từ môn bóng rổ và có nghĩa là một trận thua được tính toán trước nhằm để có thể gặp đối thủ yếu hơn ở vòng sau. Cụm từ này hiện đang được coi là trung tâm trong văn hóa lười biếng của nhiều người trẻ. Yan Jie - một nhân viên IT tại Thượng Hải - cho biết cụm từ này bao hàm một cách hoàn hảo động lực làm việc đang suy yếu của anh: “Khi tôi được giao nhiệm vụ tại nơi làm việc, tôi cố gắng tránh nó. Nếu tôi buộc phải làm việc, tôi sẽ làm nhưng không chú tâm”.

Theo phó giáo sư Alfred Wu - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) - hiện tượng lười biếng mới này được thúc đẩy bởi tình trạng xã hội bất động. Nó xuất phát từ xu hướng gia tăng giá cả của ba khía cạnh chính trong cuộc sống là giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở. Những nhu cầu cơ bản dường như không thể đạt được chỉ bằng tiền lương. Từ đó dẫn đến “mức độ lo lắng rất cao” ở thế hệ lao động trẻ, hậu quả là cảm giác tuyệt vọng không đáy.

Tuy Trung Quốc có thể đang chứng kiến một phiên bản cao hơn của văn hóa lười biếng trong nhiều người trẻ, xu hướng này đã xuất hiện từ khá lâu và dễ dàng lan rộng khắp thế giới thông qua mạng xã hội. Các nhà kinh tế bày tỏ lo ngại rằng xu hướng này có thể làm tổn hại đến các nền kinh tế vốn đã chậm lại do đại dịch. 

Giáo sư Shi Lei - Đại học Fudan (Thượng Hải) - nói: “Ngay cả khi chỉ có một nhóm nhỏ người lao động thực sự chọn cách làm việc “chờ mục nát”, việc cụm từ được phóng đại và lan truyền mạnh trên mạng xã hội có thể tạo ra ảnh hưởng đủ lớn đến cách suy nghĩ của một thế hệ”.

Tấn Vĩ (theo Yahoo, SCMP, Livewire, Washington Post

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI