Dấu ấn giải thưởng
Trong quá khứ, điện ảnh Đông Nam Á từng gây chú ý tại các liên hoan phim hạng A nhưng chưa thể tạo được tiếng vang như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc. Điển hình như đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul từng đoạt giải Cành cọ vàng ở Cannes năm 2010 với Uncle Boonmee who can recall his past lives (Người nhớ lại tiền kiếp). Khu vực Đông Nam Á cũng không thiếu các nhà làm phim được giới chuyên môn quốc tế công nhận như Brillante Mendoza, Lav Diaz, Rithy Panh, Trần Anh Hùng…
|
Tác phẩm Hunger của đạo diễn Thái Lan gây sốt toàn cầu trên Netfl ix - Nguồn ảnh: Nikkei |
Phải đến năm 2023, dấu ấn của điện ảnh Đông Nam Á mới trở nên đậm nét, khi nhiều nhà làm phim trẻ đã kế thừa các bậc tiền bối và có tiếng nói rõ ràng hơn. Tại Cannes hồi tháng Năm vừa qua, ngoại trừ Anthony Chen, phần lớn các đạo diễn trong khu vực đều là người mới như Amanda Nell Eu (Malaysia), Phạm Thiên Ân (Việt Nam)…
“Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là sự trưởng thành trong cách làm phim ở khu vực Đông Nam Á, không chỉ về tư tưởng mà cả trong khâu sản xuất và kỹ thuật. Điểm này được thấy rõ qua những tác phẩm tham dự các liên hoan phim lớn trong vài năm qua. Làn sóng mới đến từ những đạo diễn trẻ tài năng cùng với những nhà sản xuất giàu kinh nghiệm” - đạo diễn người Singapore Anthony Chen - người đã đoạt giải Camera d’Or (Camera vàng) năm 2013 - cho biết.
Không còn là cuộc dạo chơi thử sức, nằm ngoài dòng chảy điện ảnh toàn cầu, các nhà làm phim trẻ Đông Nam Á đã khẳng định tiếng nói bản thân bằng những giải thưởng danh giá. Nổi bật là trường hợp của Phạm Thiên Ân khi xuất sắc giành giải Camera vàng tại Cannes 2023 với Bên trong vỏ kén vàng hay đạo diễn Malaysia Amanda Nell Eu giành được giải thưởng lớn tại International Critics’ Week (Tuần lễ phê bình quốc tế - sự kiện phụ tại Cannes, dành riêng cho bộ phim đầu tay hoặc phim thứ hai của các đạo diễn) nhờ tác phẩm Tiger stripes.
Song hành với những thành công của dòng phim nghệ thuật, điện ảnh Đông Nam Á còn có bước tiến vượt bậc ở dòng phim thương mại như Hunger (Khao khát thành công) của đạo diễn Thái Lan Sitisiri Mongkolsiri (phim không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix toàn cầu vào tháng 4/2023), The Big 4 (4 sát thủ) của đạo diễn Indonesia Timo Tjahjanto (phim không nói tiếng Anh được xem nhiều thứ hai trên Netflix toàn cầu từ 12 - 18/12/2022)… Cái hay của các tác phẩm là đều mang đậm bản sắc văn hóa khu vực từ ẩm thực, lễ hội… hay đi sâu khai thác mặt tối khoảng cách giàu - nghèo, phân biệt giai cấp… còn tồn đọng trong xã hội.
Ngoài các đạo diễn, diễn viên Đông Nam Á cũng có sự trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là khi Dương Tử Quỳnh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 95, nhờ vai diễn trong tác phẩm Everything everywhere all at once (Cuộc chiến đa vũ trụ).
Cột mốc lịch sử của diễn viên nổi tiếng người Malaysia đã minh chứng cho khả năng và sự kiên trì của các diễn viên Đông Nam Á. Một thông điệp mạnh mẽ đã được gửi tới ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu và công chúng rằng tài năng không có hạn chế và sự đa dạng trong ngành là rất quan trọng. Theo nghiên cứu do USC Annenberg Inclusion Initiative công bố năm 2021, chỉ có 44 trong số 1.300 phim có doanh thu cao nhất từ năm 2007-2019 của Hollywood, có diễn viên chính hoặc chính phụ đến từ Đông Nam Á.
Bài toán khó đuọc giải quyết
Đông Nam Á cũng bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nhưng đã nhanh chóng vượt qua khủng hoảng nhờ sự kết nối và tầm nhìn chiến lược tốt. Những buổi hội thảo và sự liên kết trên toàn khu vực đã mang đến cho các nhà làm phim và nhà sản xuất trẻ cơ hội kết nối lẫn trau dồi kỹ năng.
|
Đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes, tháng 5/2023 - Nguồn ảnh: AFP |
Ngoài nguồn vốn từ chính phủ các nước hỗ trợ, Quỹ tài trợ đồng sản xuất Đông Nam Á (SCPG) của Singapore hay Purin Pictures (Quỹ điện ảnh hỗ trợ điện ảnh độc lập Đông Nam Á) do một đơn vị tư nhân Thái Lan điều hành, cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh khu vực.
Rất nhiều tác phẩm của các nhà làm phim trẻ đã được hỗ trợ trong những năm qua, như Tiger stripes và Bên trong vỏ kén vàng đều được SCPG của Singapore tài trợ một phần. Trong khi đó, Hội đồng phát triển phim Philippines (FDCP) cũng đứng sau tiếp sức cho phim kinh dị giả tưởng In my mother’s skin của đạo diễn Kenneth Dagatan, được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sundance năm nay và tác phẩm Some nights I feel like walking do Petersen Vargas đạo diễn.
Foo Fei Ling - nhà sản xuất Tiger stripes - cho biết nhờ những quỹ tài trợ khu vực, các nhà làm phim đã được thỏa sức sáng tạo: “Tôi liên tục bị các nhà đầu tư từ chối Tiger stripes, vì họ cho rằng sẽ không bán được vé khi phim đi sâu khai thác đề tài về sự trưởng thành, những sự bắt nạt mà trẻ em gái phải chịu. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn con đường hợp tác sản xuất quốc tế, mặc dù phải mất vài năm. Điều cần thiết là chúng tôi có quyền tự do để giúp đạo diễn Amanda Nell Eu thỏa sức sáng tạo”.
Với những bước tiến bộ vượt bậc từ khâu sản xuất, nguồn vốn cho đến nhân lực, giới chuyên gia mong đợi các nhà làm phim Đông Nam Á sẽ tận dụng được thời cơ, nhất là khi Hollywood đang khủng hoảng vì các cuộc đình công, để tạo ra những tác phẩm gây tiếng vang hơn nữa.
Chung Thu Hương