Sự trỗi dậy bằng tự vệ lẫn cuồng nộ

08/01/2020 - 10:45

PNO - Sau màn pháo hoa tưng bừng đón chào năm chẵn 2020, thế giới đang chứng kiến một phần nhân loại chìm trong cơn giận dữ, trong tiếng kêu đòi báo thù...

35 người, rồi 40 người, 50 người và có thể sẽ tăng lên nữa con số thiệt mạng tại tang lễ của tướng Qasem Soliemani, Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran vừa bị Mỹ không kích sát hại rạng sáng 3/1.

Rạng sáng 8/1, những quả rocket trong “cuộc trả thù ác liệt của Vệ binh Cách mạng” - như tuyên bố - đã bắt đầu nã vào các căn cứ của quân đội Mỹ và đồng minh.

Sáng 8/1, Iran đã bắn tên lửa vào các căn cứ của Mỹ như một hành động trả đũa cho cái chết của tướng Soleimani
Sáng 8/1, Iran đã bắn tên lửa vào các căn cứ của Mỹ như một hành động trả đũa cho cái chết của tướng Soleimani

Chuyện gì đang xảy ra, điều gì sẽ phải đến, rồi ai đó nữa sẽ phải bỏ mạng giữa những cuộc trả đũa, thanh trừng và xung đột vũ trang? Những câu hỏi trần trụi và ám ảnh ấy đang lởn vởn và trùm phủ, không chỉ giữa hai quốc gia đang đối đầu Iran - Hoa Kỳ, không chỉ Iran và các đồng minh Mỹ tại khu vực Trung Đông; mà có thể là mối đe dọa cho tất cả những nơi mà công dân Mỹ hiện diện, quân đội Mỹ trú đóng.

Ngày 7/1, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra lời thừa nhận có tính cảnh báo: thế giới đang bước vào cuộc xung đột địa chính trị lớn nhất của thế kỷ.

Sau màn pháo hoa tưng bừng khắp nơi đón chào con số chẵn 2020, cả thế giới dù muốn dù không cũng phải chứng kiến một phần của nhân loại đang chìm trong cơn giận dữ, trong tiếng kêu đòi báo thù, trong những giọt nước mắt nửa tiếc thương nửa căm hận.

Từ một cá thể, là máu mủ, huyết thống, con gái tướng Q.Soliemani đã hỏi: “Ai sẽ trả thù cho máu của cha tôi?”. Là một cá thể khác, đại diện cho quyền lực tối cao của đất nước Iran - Tổng thống Hassan Rouhani - trả lời: “Tất cả mọi người. Chúng tôi sẽ trả thù cho ông ấy, không chỉ hôm nay mà trong nhiều năm tới”. Cho đến người kế nhiệm ông Soleimani, tướng Eamail Ghaani đã nói bên quan tài: “Sẽ có những hành động trả đũa” cùng biển người đang tràn lên mọi nẻo đường Tehran, Kerman với lời hô vang đòi “thiêu rụi” bất cứ nơi nào được Mỹ chống lưng.

Và cuối cùng, như một biểu tượng thống lĩnh tuyệt đối, lá cờ máu đã được kéo lên trên đỉnh nóc thánh đường Jamkaran, như một hành động tuyên chiến, sẵn sàng cho một cuộc thánh chiến với nước Mỹ.

Lá cờ máu đã được Iran treo trên nóc thánh đường Jamkaran
Lá cờ máu đã được Iran treo trên nóc thánh đường Jamkaran

Những đúng sai không biết thuộc về ai. Hầu như, ai nấy chỉ thấy phần hệ quả là do đối phương gây ra mà chẳng bao giờ thuộc về mình, tự nơi mình một phần nguyên cớ.

Chỉ tạm tính từ vụ tấn công bằng rocket vào căn cứ quân sự ở Iraq khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng, Mỹ lập tức trả đũa bằng các đợt không kích làm chết 25 tay súng được Mỹ cho là do Iran bảo trợ. Tiếp đến là một đám đông biểu tình ở Iraq xông vào khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Bagdad đập phá, trong đám đông còn có tiếng hô “cái chết cho nước Mỹ”. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ biểu tình này.

Cứ thế, trả đũa nối tiếp trả đũa thì chỉ có thể “kết sổ” bằng trả thù.

29 năm trước, quân đội Mỹ và đồng minh đã đột kích vào Kuwait. Cuộc tấn công kết thúc sau 100 tiếng đồng hồ. Tổng thống Bush (cha) dừng lại ở một cuộc hậu thuẫn để nhân dân Kuwait tự quyết số phận của dân tộc Iraq. Ông từng lý giải vì sao không đi quá giới hạn luật pháp quốc tế, điều mà chỉ hơn 10 năm sau, con trai ông, Tổng thống Bush (con) đã vượt qua - tấn công Iraq và lật đổ Saddam Hussein.

Xe tăng M1A1-Abrams của Mỹ tiến vào Kuwait năm 1991
Xe tăng M1A1-Abrams của Mỹ tiến vào Kuwait năm 1991

29 năm sau, từ căn cứ Creech ở bang Nevada, người Mỹ triển khai hai máy bay không người lái MQ-9 Reaper để thực hiện đòn không kích bằng tên lửa nhằm vào tướng Qassem Soleimani ngay bên ngoài sân bay quốc tế Bagdad, biến Iraq như một “bàn đạp” chính thức tuyên chiến với Iran.

Cuối cùng, người ta tự hỏi, liệu việc Bush (cha) với quyết định có vẻ “hòa hiếu” ngày ấy cho đến sự hiện diện của quân Mỹ ở Saudi Arabia sau cuộc chiến vùng Vịnh 1991, mà chính nó, những chỉ trích dành cho các chính phủ thân Mỹ ở khu vực Trung Đông đã “sản sinh” và “nuôi lớn” những phần tử chống đối. Al-Qaeda, Osama bin Laden và nước Mỹ ngày 11/9/2001 đâu đã quá xa, đâu dễ để quên.

Làm sao để vòng quay lịch sử không lặp lại một cách nghiệt ngã và khốc liệt, như đã từng 80 năm trước, khi Tehran chìm ngập trong bất ổn, đói nghèo, xung đột. Chỉ có một điều - "một điều duy nhất khiến Iran là một khối thống nhất, đó là lòng căm thù người ngoại quốc, đặc biệt là người Anh" (Daniel Yergin - Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực - nhà xuất bản Thế giới); họ trỗi dậy trong ý thức tự vệ lẫn cuồng nộ và hiếu sát.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI