Đối với nhiều người lớn lên thời 1980-1990, chiếc hộp nhựa có kích thước bỏ túi này là con đường khám phá âm nhạc đầy lý thú. Khả năng ghi lại các bài hát từ radio hoặc các phương tiện khác bằng băng cassette đã mở ra những cách mới để tìm kiếm và chia sẻ âm nhạc đồng thời giúp nảy sinh khái niệm ghép nhạc. Năm 1989, khi doanh số bán băng cassette hằng năm trên toàn cầu đạt mức cao nhất (83 triệu USD), các ca khúc nổi tiếng dường như phát ra không ngưng nghỉ trên những chiếc Sony Walkman - sản phẩm được xem là thời thượng lúc bấy giờ. Có lẽ do giá thành rẻ, hầu như gia đình nào cũng có một bộ sưu tập băng cassette.
Băng cassette từng là phương tiện hiệu quả nhất để chia sẻ âm nhạc
Bất chấp sự thống trị của nhạc số, ngày nay, âm nhạc “hữu hình” vẫn cho thấy sức sống kiên cường. Sau khi đĩa CD xuất hiện và biến mất, tương tự các tập tin MP3, sự hồi sinh của các cuộn băng cassette trong thập niên qua là một điều kỳ diệu nhưng không đáng ngạc nhiên. Giờ đây, cuộn băng cassette nhỏ gọn với tất cả điểm không hoàn hảo của nó đã trở thành ký ức được hồi sinh. Dù còn khiêm tốn, doanh số bán băng cassette đang tăng lên ở Úc, Anh, Mỹ. Một phần xu hướng này được thúc đẩy bởi các nghệ sĩ tên tuổi như Lady Gaga - đã phát hành một album ghi trên băng cassette vào năm 2020. Album đầu tay của Billie Eilish - When we fall asleep, where do we go? - cũng bán được 4.000 bản trên băng cassette vào năm 2019. Cùng năm đó, Bjork phát hành lại danh mục album phòng thu trên các băng cassette phiên bản giới hạn nhiều màu đầy phong cách.
Một loạt hãng âm nhạc độc lập đang ngày càng đón nhận băng cassette. Điều đó thể hiện rõ trên trang Bandcamp - nơi được nhiều người sử dụng để theo dõi các bản phát hành mới. Những nhãn hiệu mới nổi như Chinabot, ra mắt vào năm 2017, đã chọn băng cassette làm phương tiện chính. Mỗi cuộn băng được phát hành với màu sắc bắt mắt, thiết kế độc đáo, kèm theo tùy chọn kỹ thuật số. Utarid Tapes - nhãn hiệu độc lập có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia - là tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực băng cassette. Hãng bắt đầu hoạt động vào năm 2005, cho ra mắt băng cassette của các ban nhạc rock ở Malaysia, đến nay đã có 92 bản phát hành. Người sáng lập hãng, Azwari Zainal, chia sẻ: “Tôi lớn lên giữa tiếng băng cassette vào đầu những năm 1990. Cha tôi là một người hâm mộ nhạc pop địa phương và tôi sống giữa những bài hát yêu thích của ông”.
Tính chất mỏng manh và giảm dần chất lượng qua từng lần sử dụng tạo ra nét riêng cho băng cassette
Azwari cho biết với cassette, anh có thể đặt hàng các lô nhỏ gồm 50 hoặc 100 bản. Ngược lại, đơn đặt hàng tối thiểu cho một lô đĩa CD là 1.000 chiếc. Một số nhà sản xuất kiên trì của định dạng này đang điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. National Audio Co., trụ sở tại Mỹ được cho là nhà sản xuất băng cassette lớn nhất trên thế giới với 30 triệu cuốn băng cassette mỗi năm. Dex Audio tại Melbourne là nhà sản xuất băng cassette hàng đầu ở Úc và vẫn hoạt động tích cực trong những năm gần đây bằng cách tạo ra những cuốn băng chuyên dụng cho cảnh sát ghi âm.
Biến khó khăn thành cơ hội
Liệu băng cassette đang trở lại hay chúng chưa bao giờ thực sự biến mất là một câu hỏi khó trả lời. Nhà nghiên cứu Benjamin Duster của Đại học Griffith (Úc) đã viết trong luận án tiến sĩ rằng văn hóa băng cassette vẫn tồn tại ở các sân khấu âm nhạc không chính thống (underground) tại Úc, Nhật Bản và Mỹ, ngay cả khi nó được coi là một định dạng lỗi thời. Riêng trong trường hợp băng cassette thực sự tái sinh, mọi người đang tự hỏi liệu chúng có thể thành công như đĩa than (đĩa vinyl) hay không. Một số ý kiến cho rằng điều đó khó xảy ra vì băng cassette không mang các đặc tính tương tự để được trưng bày như tác phẩm nghệ thuật và chất lượng âm thanh trở nên tệ hơn sau mỗi lần phát. Đó là chưa kể việc băng bị “nhai” và phải quấn lại bằng bút chì.
Anh Chow Yin-chi cầm một máy cassette radio stereo di động của Hitachi
Nhưng, chính sự mong manh đã tạo ra những kỷ niệm đẹp và giúp doanh số bán băng cassette tăng lên trong thời kỳ đại dịch. Giai đoạn phong tỏa làm gia tăng cảm giác xa rời xã hội và quá tải trước nội dung kỹ thuật số, mọi người đã tìm kiếm những thứ khiến họ cảm thấy an toàn khi thế giới xung quanh ngày càng trở nên kém tin cậy hơn; gắn bó với những thứ vật chất gợi nhớ về quá khứ, bao gồm cả băng cassette. Trang The Conversation báo cáo rằng doanh số bán băng cassette trên thế giới đã tăng gấp đôi trong thời kỳ đại dịch. Giống như đĩa than, mọi người thích băng cassette vì họ có thể cảm nhận và trải nghiệm cùng nhau.
Từ thú vui đến đam mê
Can Kuang - người sáng lập trang blog và tài khoản Instagram Just-Cassette với hơn 25.000 người theo dõi - cho biết: "Cách cuộn băng từ từ quay thật mê hoặc. Bạn có thể chạm vào nó, nghe tiếng lách cách của máy cassette". Kuang nói thêm: “Băng cassette của một số nghệ sĩ như Michael Jackson, Madonna và Whitney Houston đang được bán với giá cao hơn nhiều so với những băng khác. Nếu tìm kiếm trên eBay, bạn sẽ thấy hầu hết băng cassette cũ có giá khoảng 3-10 USD nhưng băng cassette của người nổi tiếng thường có giá từ 10-40 USD".
Tuy nhiên, những đầu đọc băng cassette chất lượng cao lại khan hiếm hơn. Trong khi sự hồi sinh của đĩa than thúc đẩy các nhà sản xuất như Pro-Ject, Technics và Marantz chế tạo bàn xoay thế hệ mới, Kuang cho biết nguồn duy nhất về máy nghe nhạc chạy băng cassette mới là các dự án huy động vốn từ cộng đồng và các nhà sản xuất nhỏ của Trung Quốc. Bạn có thể tìm thấy máy nghe nhạc cassette tân trang trên các trang đấu giá như eBay và Yahoo Japan, cũng như Instagram và Facebook. Tuy vậy, hầu hết máy nghe nhạc cassette cổ điển hiện khá khó mua. Tệ hơn, chúng thường phức tạp và đắt hơn nhiều so với bàn xoay.
Loa cassette di động được hãng điện tử Philips (Hà Lan) giới thiệu ra thế giới vào năm 1966, lần đầu cho phép ghi các chương trình phát thanh trên băng cassette mà không cần dây cáp hoặc micro. Sự phổ biến của nó đã tăng lên ở Nhật Bản vào đầu những năm 1970 và lan sang Mỹ. Chow Yin-chi là một nhà sưu tập loa di động và đầu máy cassette ở Hồng Kông (Trung Quốc). Không có kiến thức chuyên môn về kỹ thuật, anh đã tự học cách sửa chữa máy cassette. Việc khôi phục một máy cassette có thể mất từ hai đến ba ngày hoặc cả tháng.
Davy Law Chun-Mush - người sáng lập hãng thu âm Neoncity Records của Hồng Kông (Trung Quốc) - cho biết một lượng lớn người mua băng cassette ngày nay thuộc thế hệ trẻ. Anh giải thích: “Một số người trẻ thích băng cassette vì họ cảm thấy chúng cổ điển và đầy hoài niệm. Họ thích âm thanh tanh tách, rè rè hoặc tĩnh lặng mà băng đem lại. Điều này rất khác với nhạc trực tuyến hoặc nhạc kỹ thuật số, nơi âm thanh giống nhau ngay cả sau khi bạn nghe nó 100 lần”. Băng cassette cũng được người nghe trẻ ưa chuộng vì giá cả phải chăng và dễ lưu trữ hơn so với các định dạng nhạc analog khác như đĩa than. Chow Yin-chi giải thích: “Chắc chắn nhạc kỹ thuật số rất tiện lợi nhưng với việc có một chiếc băng cassette hoặc đĩa nhạc trong tay, bạn có thể thưởng thức nó theo nhiều cách hơn”.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.