Nhộn nhịp trở lại
Trong lần trở lại này, có thể thấy phần lớn đều là những tác phẩm văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Chẳng hạn Lê Lựu với Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông kinh điển một thời, có Nguyễn Xuân Khánh đầy trăn trở với Chuyện ngõ nghèo, có Ma Văn Kháng với Người thợ mộc và tấm ván thiêng. Ngoài ra là Chu Lai với những dấu ấn nổi bật trong Mưa đỏ, Nắng đồng bằng, Phố, Ăn mày dĩ vãng hay Vũ Bảo với Sắp cưới và Tuyển tập truyện ngắn. Trẻ hơn một chút có Nguyễn Bình Phương với Một ví dụ xoàng sau rất nhiều năm vắng bóng trên văn đàn Việt Nam.
Bên cạnh đó, những tên tuổi nhà văn lớn như Tô Hoài cũng liên tục trở lại, sau kỷ niệm 100 và 101 năm ngày sinh của ông. Mới đây, bộ ba viết về Hà Nội bao gồm Quê người, Mười năm và Quê nhà đã được tái bản đồng bộ. Bên cạnh đó, Hà Ân - một tên tuổi lớn ở mảng tiểu thuyết lịch sử - cũng xuất hiện với bộ đôi tác phẩm Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở viết về thời đại nhà Trần. Ngoài ra, cũng không thể không kể đến những tác phẩm thuộc bộ danh tác được ra mắt mới như Lạnh lùng (Nhất Linh), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Sợi tóc (Thạch Lam), Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ)… hay các tác phẩm được tái bản trở lại sau một thời gian dài chờ đợi như Việc làng (Ngô Tất Tố), Chiếc lư đồng mắt cua (Nguyễn Tuân) hay Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng)…
|
Bộ ba tiểu thuyết về Hà Nội của Tô Hoài |
Bên cạnh những tác phẩm văn học nổi tiếng kể trên, những trào lưu văn học đặc biệt của những năm 1960 cũng trở lại, với trào lưu văn học đô thị, hay văn học miền Nam. Trong số này, có thể kể đến bộ bốn tác phẩm lừng danh từng gây nhiều tranh cãi của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tái xuất mới đây, đặc biệt nhất là Vòng tay học trò sau thời gian dài vắng bóng. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến Lê Tất Điều - cây bút của các tác phẩm thiếu nhi, trở lại với Đêm dài một đời, và sắp tới là Những giọt mực. Ngoài ra, mảng này còn có Chú bé Thất Sơn (Phạm Công Luận) và Chú bé có tài mở khóa (Nguyễn Quang Thân)…
Phục hưng và lớn mạnh
So với các tác phẩm kinh điển nước ngoài được in đi in lại rất nhiều lần trong suốt những năm qua, thì các tác phẩm văn học Việt Nam trong dịp trở lại lần này chỉ mới như bước đầu của sự thử nghiệm. Có thể thấy, phần lớn độc giả trẻ hiện nay vẫn còn xa lạ với nhiều tên tuổi dẫu lớn và nổi bật. Trường hợp này ta có thể thấy trong bộ đôi tác phẩm của nhà văn Lê Lựu. Tuy nhà phát hành đã đẩy mạnh quảng bá, tạo ra các cuộc thi viết trên mạng xã hội, nhưng doanh số vẫn không lớn lắm.
Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, ở một mặt khác, các tác phẩm khi được đầu tư đồng bộ và bắt mắt hơn về mặt hình thức cũng hấp dẫn rất nhiều độc giả. Đơn cử như bộ Việt Nam danh tác lâu nay khiến rất nhiều người sưu tầm gặp khó khăn do khan hiếm, nay được tái bản dần dần như cơn mưa rào giải hạn. Hay bộ năm tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng được in lại trang trọng với bìa cứng, minh họa đẹp, giúp có thêm một đời sống nữa trong lòng bạn đọc.
|
Sự quay trở lại của tiểu thuyết đô thị, mà đại diện tiêu biểu nhất là Nguyễn Thị Hoàng |
Việc những tác phẩm nổi bật này vẫn còn xa lạ với công chúng là điều không thể tránh khỏi, bởi nhìn chung các nhà làm sách từ trước đến nay vẫn còn làm lẻ tẻ, chưa thật đồng bộ, thống nhất, để độc giả có một cái nhìn rõ ràng nhất về những tác giả và tác phẩm lớn. Bên cạnh đó, sự chiếm lĩnh của văn học nước ngoài cũng phần nào làm mờ nhạt những tác phẩm có thể nói là rất nổi bật này. Nhưng nay, khi được kết hợp với hình thức đẹp, nội dung hay và những phương thức quảng bá hợp lý, việc tái sinh chúng là một hướng đi vô cùng tiềm năng.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng tuyệt đại đa số những tác phẩm kể trên đều là những tác phẩm cũ, đã được viết rất lâu trong một bối cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt; còn tác phẩm mới của những nhà văn trẻ thì vẫn chưa có nhiều tên tuổi nổi bật.
Cuộc thi viết Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ hằng năm phần nào giúp giới thiệu những tên tuổi mới, nhưng hầu như độc giả vẫn còn e dè, thờ ơ và nghi ngại về mặt chất lượng. Những nhà phát hành khác cũng thường ra mắt nhỏ giọt những tác phẩm độc đáo của những cây bút mới, nhưng đa số vẫn chưa được đón nhận một cách hào hứng.
Có thể thấy, với sự trở lại của tác phẩm văn học Việt Nam, độc giả đã có thêm cơ hội được trải nghiệm những tinh hoa văn hóa rất lâu trước đây của văn chương nước nhà. Với xu hướng kết hợp hình thức bắt mắt những ngày gần đây, các tác phẩm được khoác lên mình chiếc áo mới, cuốn hút hơn và cũng độc đáo hơn, xứng đáng với giá trị của mình. Dù vẫn chờ đợi những tác phẩm hay từ các tác giả trẻ, thì cách đầu tư, chăm chút cho những tác phẩm văn học có giá trị với thời gian vẫn là một cách làm được những người yêu văn học ủng hộ.
Thuận Phát