Sự trở lại của một game show giàu lòng nhân ái

03/11/2021 - 13:12

PNO - Sau khi nhiều chương trình mang tính nhân văn trên truyền hình buộc phải dừng sản xuất vì không thể cầm cự, mới đây, một game show đậm lòng nhân ái thông báo sẽ trở lại.

Hát mãi ước mơ - chương trình dùng tiếng hát để chinh phục các giải thưởng, nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn - vừa thông báo tuyển sinh mùa bốn. Thông tin này đã làm vui lòng rất nhiều khán giả yêu mến chương trình, bởi thời gian gần đây, không nhiều đơn vị sản xuất mặn mà với các game show nhân văn, hướng đến cộng đồng.

Chương trình Hát mãi ước mơ đã hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong suốt ba năm qua
Chương trình Hát mãi ước mơ đã hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong suốt ba năm qua

Hát mãi ước mơ không nằm trong nhóm những chương trình hot, đạt rating (tỷ suất người xem) cao của HTV7. Tuy nhiên, đây là chương trình mang màu sắc riêng, hoàn toàn không trộn lẫn với các game show khác. Sân chơi này dành cho khán giả mọi lứa tuổi, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính. Đến với chương trình, người chơi chỉ cần thể hiện khả năng ca hát kèm theo một hoàn cảnh mà bản thân muốn giúp đỡ. Đó có thể là người thân trong gia đình, hoặc những hoàn cảnh khó khăn khác mà người chơi biết. Giải thưởng mà thí sinh đạt được là biến ước mơ của những người đang trong hoàn cảnh khó khăn đó thành hiện thực.

Qua ba mùa, đến nay, chương trình vẫn ghi điểm nhờ sự mộc mạc, dung dị và ngập tràn cảm xúc. Người chơi đến chương trình và hát vì muốn mua cho người mẹ nghèo chiếc áo mới, hát để giúp đỡ anh hàng xóm mắc bạo bệnh, hát để mong cải thiện bữa ăn cho một mái ấm... Không ở đâu như sân khấu của Hát mãi ước mơ, những nghệ sĩ tham gia chương trình lại khóc nhiều đến thế, và sẵn sàng hỗ trợ thêm cho các hoàn cảnh.

Trailer Hát mãi ước mơ:

 

 

Sự trở lại của Hát mãi ước mơ là tín hiệu tốt, cho thấy nhà sản xuất vẫn còn quan tâm và nỗ lực để làm đa dạng các chương trình truyền hình. Trước đây, khi Hát mãi ước mơ chỉ mới khởi quay mùa hai, nhà sản xuất thổ lộ rằng họ phải dồn lực rất nhiều, và đôi khi chấp nhận lỗ vốn để giữ chương trình ở lại với người xem.

Có nhiều lý giải cho những khó khăn mà đơn vị sản xuất phải đối mặt, nhưng yếu tố chính nằm ở tài chính. Khi thực hiện chương trình không thuần giải trí, lượng người xem sẽ bị giới hạn, ảnh hưởng đến chỉ số rating, gây khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ, và giá quảng cáo khi chương trình lên sóng cũng không cao. Nhiều đơn vị từng rất tâm huyết với các chương trình mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nhưng lâu dài, họ đành dừng lại vì thiếu kinh phí, thiếu khán giả và khó cạnh tranh với những game show giải trí hấp dẫn khác.

Cho đến nay, chương trình Lục lạc vàng (tồn tại 7 năm), Vượt lên chính mình (14 năm), Ngôi nhà mơ ước (11 năm), Bếp yêu thương (4 năm)... vẫn luôn được khán giả nhắc đến khi liệt kê những chương trình tử tế, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Nhưng sự nhắc nhớ này cũng đầy nuối tiếc bởi các chương trình đó đã dừng sản xuất một thời gian.

Đơn vị sản xuất Hát mãi ước mơ cho biết, để chương trình tồn tại, đơn vị phải đắp đổi, lấy nguồn lợi từ các game show khác để duy trì, với mong muốn khán giả và người chơi có cơ hội gặp gỡ, lan tỏa tinh thần nhân văn. Nỗ lực này rất đáng ghi nhận và cần được nhân rộng giữa thị trường game show Việt đang thừa hài hước nhưng lại thiếu sự sẻ chia, sâu lắng.

Diễm Mi 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI