Sự trở lại của đôi giày bị ghét nhất lịch sử thời trang

28/06/2020 - 13:37

PNO - Thô kệch, nặng nề và liên tục bị các cây bút thời trang chê bai, nhưng giày mũi vuông đã trở lại mạnh mẽ trong năm nay.

Bùng nổ

Sau những khoảnh khắc tỏa sáng vào thập niên 90, giày mũi vuông nhanh chóng rơi vào quên lãng. Phần mũi vuông như một con cá đang há miệng khiến nó chẳng mấy được lòng người yêu thời trang vì đi ngược với quy tắc nhẹ nhàng, mong manh của những đôi giày cao gót. Suốt hai mươi năm sau đó, nhiều kiểu giày đã ra đời. Từ những đôi giày gót hình học độc lạ, ấn tượng cho đến những đôi sneakers xấu lạ to bản thi nhau oanh tạc thị trường thời trang thế giới. Dẫu vậy, giày/dép mũi vuông vẫn chẳng tìm được chỗ đứng giữa thế giới thời trang sớm nắng chiều mưa. Thậm chí, các tạp chí thời trang đã bàn đến “cái chết” của giày mũi vuông.

Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi khi những đôi giày mũi vuông xuất hiện một cách thanh lịch, sang trọng trên sàn diễn Thu - Đông 2019 của nhà mốt Bottega Veneta, dưới thời Giám đốc sáng tạo Daniel Lee. Và Lee đã cho thấy, anh không chỉ củng cố tinh thần thương hiệu mà còn tạo nên dấu ấn đầy năng lượng, trẻ trung. Từ những đôi mules thong thả, những đôi stretch pumps mềm mại cho đến những đôi sandals, boots hay các thiết kế dành cho nam, Lee đều khéo léo cân bằng sự thô cứng của phần mũi với hình dáng, chất liệu đôi giày. Lẽ dĩ nhiên, không ai có thể khước từ được một đôi giày vừa thoải mái, vừa sành điệu, tương thích với những kiểu phụ kiện to bản đang nổi đình đám.

Các nhà mốt tên tuổi khác như Saint Laurent, Loewe, Martine Rose hay Eytys, Dior, Hèrmes… đã biến tấu những đôi giày búp bê, loafers cổ điển với kết cấu mũi vuông để cho ra những đôi giày độc lạ.

Chính sự hưởng ứng mạnh mẽ của người nổi tiếng, giới người mẫu, những ngôi sao mạng xã hội đã đưa xu hướng giày mũi vuông lan rộng toàn thế giới. Các hãng thời trang nhanh, đi đầu là Topshop, nhanh chóng “đánh hơi” được sự bùng nổ này, liền bắt tay vào sản xuất, đưa mẫu giày mũi vuông phổ biến rộng khắp.
Lịch sử thăng trầm

Trong khi những đôi giày mũi nhọn hoặc mũi tròn chiếm vị trí thống trị suốt phần lớn lịch sử thời trang thì bất ngờ thay, kiểu giày mũi vuông đã xuất hiện từ thời trung cổ châu Âu. Ở dạng sơ khai, giày mũi vuông được đẽo từ những khối gỗ nhẹ, sau đó được xỏ dây rồi buộc vào chân người mang. Đây cũng chính là tiền thân của những đôi sandals sau này. Thời điểm đó, các loại giày dép kín ngón, bằng các chất liệu mềm mại được dành riêng cho tầng lớp thượng lưu, trong khi người nghèo đi những đôi giày mũi vuông như thể họ đang mắc kẹt trên đường.

Dạng khối vuông của những thiết kế giày mũi vuông đầu tiên mắc phải hai lỗi chính. Thứ nhất, kiểu dáng hầm hố ở phần mũi của nó khiến người mang rất khó để xỏ mũi bàn chân vào bàn đạp khi cưỡi ngựa. Thứ hai, hình dạng vuông góc mũi của đôi giày khiến người mang khó lòng phân biệt được chiếc giày nào dành cho chân trái, chiếc nào cho chân phải. Thành thử ra, mang giày lại trở thành một thử thách không hề nhỏ.

Khi thời trang phát triển qua các thời kỳ, giày dép cũng theo đó mà phát triển tương xứng. Đến thời vua Henry VIII, những quý tộc chuộng môn cưỡi ngựa sở hữu phong cách thời trang phô trương pha lẫn sự lố bịch lại xem giày mũi vuông biểu thị cho quyền lực và vị trí của họ trong xã hội, với triều đình. Vì thế, nhà vua và tầng lớp thượng lưu quay sang ủng hộ nhiệt liệt những đôi giày mũi vuông dài mũi để che chở các ngón chân, gọi là “túi chân”.

Suốt nhiều thế kỷ tiếp theo, giày mũi vuông dần trở nên nhọn dần. Cho đến năm 1790, khi giày chia chân phải - trái xuất hiện thì giày mũi vuông hoàn toàn biến mất. Đàn ông chuyển qua mang giày đế bệt trong khi phụ nữ chuộng những đôi giày mũi nhọn cổ điển (almond-toe: vì mũi giày nhọn giống đầu hạt hạnh nhân).

Mãi đến tận đầu thế kỷ XX, những đôi giày mũi vuông thi thoảng mới xuất hiện trong những bộ trang phục sành điệu, cá tính. Nhiều người tin rằng chính cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ gốc Hungary, Lou Groza, đã hồi sinh giày mũi vuông vào thập niên 40. Groza, với biệt danh “The Toe” do kỹ thuật dùng chân vô cùng đặc biệt cần đến những đôi giày đặc biệt (không nhọn mũi) cho việc chơi thể thao. Cùng thời gian này, những đôi boots cao bồi bắt đầu xuất hiện nhiều ở Mỹ, trong số đó có rất nhiều đôi mũi vuông.

Dần dà, giày mũi vuông trở nên phổ biến trong các thiết kế giày dép dành cho nam giới. Nhiều kiểu giày mũi vuông sang trọng phục vụ cho những sự kiện nghiêm túc ra đời với phong cách hình học đối xứng. Đến thập niên 60, những đôi pumps (hay court shoes) mũi vuông trở thành món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của phụ nữ cho đến khi những đôi giày cao gót mũi tròn trở lại thống trị vào thập niên 70. 

Thư Hiên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI