Những chiếc quần ống loe kiêu hãnh vừa trở lại trên sàn diễn của những thương hiệu lẫy lừng: Versace, Dior, Louis Vuitton… Phải chăng quần ống rộng, ống ôm đang dần lùi về phía sau ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI? Câu trả lời đúng là như vậy!
Quần ống loe (còn được gọi là quần ống chuông) với phần ống từ đầu gối trở xuống phình rộng ra, từng được xem là biểu tượng văn hóa cho trào lưu hippie của nước Mỹ. Nó đại diện cho những gì tự do nhất, phóng khoáng nhất và phản kháng lại thực tại nhiều đau thương lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nếu cho rằng quần ống loe ra đời từ trào lưu văn hóa này thì đó là một ngộ nhận vô cùng đáng tiếc. Bởi, chiếc quần ống loe có lịch sử thú vị hơn rất nhiều và ngày nay, nó đã trở thành một phần của di sản thời trang.
Chiếc quần của hải quân Mỹ
Hãy nhớ lại những món thời trang đã được chúng tôi nhắc đến ở chuyên mục này. Hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, rất nhiều món đồ đang trở thành xu hướng làm mưa làm gió trên toàn cầu lại ra đời từ những nơi không ngờ tới. Quần ống loe cũng vậy.
|
Nhóm nhạc gia đình The Jackson 5 và mốt quần ống loe (ảnh chụp tại Paris năm 1977) |
Dù không có tài liệu nào ghi chép về người đã phát minh ra chiếc quần này nhưng theo những tài liệu còn lưu trữ, lần đầu tiên người ta bắt gặp chiếc quần ống loe là khi chúng được hải quân Hoa Kỳ mặc trong cuộc chiến năm 1812. Thời điểm đó, lực lượng hải quân chưa có đồng phục. Những chiếc quần ống rộng bên dưới giúp họ dễ dàng cuộn lên khi đi vào vùng ngập nước. Hơn nữa, nếu chẳng may họ ngã xuống nước, người ta có thể dễ dàng túm… ống quần kéo họ lên và khi bị ướt, chúng cũng dễ cởi ra hơn so với những chiếc quần bình thường.
Nhận thấy sự tiện dụng này, hải quân Hoàng gia Anh nhanh chóng học hỏi. Quần ống loe trở thành một phần quân phục của hải quân hai nước. Và tại Hoa Kỳ, chiếc quần này là quân phục đến tận năm 1998.
Mối duyên với Coco Chanel
Những năm 20 của thế kỷ trước, quần ống loe hiên ngang bước vào thế giới thời trang, trở thành biểu tượng phá cách, thể hiện tính tự do của phụ nữ. Người tạo nên cột mốc chấn động đó chính là Coco Chanel. Bằng nỗ lực phi thường và tình yêu dành cho phái đẹp, Chanel đã giải phóng phụ nữ khỏi những chiếc áo nịt ngực hay váy bó vướng víu. Phụ nữ có thể mặc những gì họ muốn, bao gồm cả… một chiếc quần ống loe.
Chiếc quần trong quân phục hải quân đã khơi nguồn cảm hứng cho những chiếc quần ống rộng của Chanel, với những cái tên rất thanh lịch như “quần du thuyền” và “beach pajamas”, tiền thân của những chiếc quần ống loe ngày nay. Nghĩa là, ngoài chất liệu denim vẫn thấy, quần ống loe có thể được may từ len, sợi gai, polyester, cotton, satin, nhung, thậm chí lụa. Kết hợp với một đôi giày platform (giày bánh mì), đôi chân như được kéo dài hơn mà dáng đi vẫn uyển chuyển.
|
Siêu mẫu huyền thoại Twiggy trong một thiết kế quần ống loe |
Bạn của những ngôi sao nhạc rock và hippie
Quần ống loe mới bắt đầu trở lại và bùng nổ mạnh mẽ vào giữa thập niên 1960. Quần ống loe giai đoạn này không chỉ đơn thuần là phục trang mà còn thể hiện tư tưởng cởi mở, sẵn sàng đón nhận những luồng gió tươi mới. Công đầu trong việc đưa quần ống loe phổ biến khắp Bắc Mỹ có lẽ thuộc về hai ngôi sao Sonny và Cher. Họ thường xuyên mặc chúng mỗi lần xuất hiện trong chương trình truyền hình cùng tên. Từ sàn diễn thời trang cho đến đường phố, từ người bình dân cho đến các ngôi sao danh tiếng như Twiggy, Mick Jagger, Jimi Hendrix… đều bị chiếc quần này cuốn hút.
Dần dần, quần ống loe trở thành một “item” không thể thiếu, là biểu tượng văn hóa đầy sôi nổi suốt hai thập niên. Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, thật sai lầm khi cho rằng những ai theo đuổi văn hóa hippies ở thập niên 1960 đều chọn quần ống loe.
Kể từ thập niên 1970, quần ống loe lan rộng toàn cầu, nhờ âm nhạc, lan tỏa vào các tầng lớp lao động (nhờ các ban nhạc như Slade, Abba… các ca sĩ như David Bowie, Elton John… hay các ban nhạc pop sau này như Kenny, Andy Walton, Chris Lacklison, Richard Driscoll, Chris Redburn, Yan Style) và theo chân những người lính Mỹ.
|
Trang phục của hải quân Hoa Kỳ ở thế kỷ XIX |
Quần ống loe từng được đề cập trong đĩa đơn mang tên Bell Bottom Blues của nhóm nhạc Derek and the Domios (phát hành năm 1971). Bài blue-rock này do Eric Clapton viết lời, với giai điệu da diết và lời ca đủ làm xiêu lòng mọi cô gái đang yêu: “Bell bottom blues, you made me cry/ I don't want to lose this feeling/ And if I could choose a place to die/ It would be in your arms”. (tạm dịch: Quần ống loe màu xanh ơi, em đã khiến tôi bật khóc/ Tôi không muốn mất đi xúc cảm này/ Và nếu cho tôi được chọn một nơi để chết/ Thì đó chính là trong vòng tay em). Bell-bottom chính là quần ống loe và cách gọi cô gái thầm thương như thế vừa cho thấy sự thân thiết (như một biệt danh) vừa cho thấy độ phổ biến của chiếc quần ống loe trong giai đoạn này.
Hippie lắng xuống cũng là lúc quần ống loe tạm thời vẫy tay chào giới thời trang. Nhưng không lâu sau, cuối thập niên 1980, các ban nhạc The Stone Roses, Happy Mondays, The Charlatans đã đưa chúng trở lại, tiếp tục vẫy vùng khắp sân khấu, thảm đỏ Hollywood. Từ đó đến nay, thoái trào rồi lại cao trào, quần ống loe như nhiều biểu tượng thời trang khác, vẫn trở đi trở lại, với những cập nhật mang đậm hơi thở thời đại, từ chất liệu đến biến tấu, nhấn nhá, xắn gấu, nẹp gấu. Nhưng hồn cốt của sự tự do, phá vỡ những chuẩn mực, giới hạn thì vẫn ở đó. Vẹn nguyên!
|
Quần ống loe như nhiều biểu tượng thời trang khác, vẫn trở đi trở lại, với những cập nhật mang đậm hơi thở thời đại |
Thư Hiên